Tình hình thực hiện công tác tài chính - ngân sách tháng 5 và chương trình công tác tháng 6/2016

Theo mof.gov.vn

I. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH CÔNG TÁC THÁNG 5 NĂM 2016

1. Công tác xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính tháng 5/2016

Tháng 5/2016, Bộ Tài chính đã hoàn thành 03 đề án (Nghị định của Chính phủ quy định một số cơ chế, chính sách tài chính – ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội; Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết việc thành lập và hoạt động của Hội đồng định giá tài sản; trình tự, thủ tục định giá tài sản; Báo cáo quyết toán NSNN năm 2014). Bộ Tài chính đã ban hành theo thẩm quyền 10 Thông tư.

2. Tình hình thực hiện dự toán NSNN

2.1. Về thu ngân sách nhà nước

Tổng thu cân đối NSNN thực hiện tháng 5 ước đạt 71,7 nghìn tỷ đồng. Lũy kế 5 tháng đầu năm thu NSNN thực hiện ước đạt 396,2 nghìn tỷ đồng, bằng 39,1% dự toán năm, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó:

a) Thu nội địa: thực hiện tháng 5 ước đạt 51,3 nghìn tỷ; luỹ kế 5 tháng ước đạt 321,2 nghìn tỷ đồng, bằng 40,9% dự toán năm, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2015 (không kể thu tiền sử dụng đất thì tăng 10%).

b) Thu từ dầu thô: thực hiện tháng 5 ước đạt 3,4 nghìn tỷ đồng, tăng 450 tỷ đồng so với tháng 4, chủ yếu do giá thanh toán trong kỳ đạt 42 USD/thùng (tăng 3 USD/thùng so với tháng trước), tuy nhiên vẫn giảm 18 USD/thùng so với giá dự toán. Luỹ kế 5 tháng xấp xỉ 15,9 nghìn tỷ đồng, bằng 29,2% dự toán năm, giảm 48,1% so với cùng kỳ năm 2015. Sản lượng dầu thanh toán 5 tháng ước đạt 6,65 triệu tấn, bằng 47,5% kế hoạch năm; giá dầu thanh toán bình quân 5 tháng khoảng 38,1 USD/thùng, giảm 21,9 USD/thùng so giá tính dự toán.

c) Thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu: thực hiện tháng 5 ước đạt 16,8 nghìn tỷ đồng. Lũy kế 5 tháng ước đạt 58,7 nghìn tỷ đồng, bằng 34,1% dự toán năm, giảm 3,3% so với cùng kỳ năm 2015.

2.2. Về chi ngân sách nhà nước

Tổng chi NSNN tháng 5 ước 95,68 nghìn tỷ đồng; luỹ kế chi 5 tháng đạt 466,3 nghìn tỷ đồng, bằng 36,6% dự toán năm, tăng 4,7% so cùng kỳ năm 2015, trong đó:

a) Chi đầu tư phát triển: thực hiện tháng 5 ước 10,7 nghìn tỷ đồng; luỹ kế chi 5 tháng đạt xấp xỉ 68 nghìn tỷ đồng, bằng 26,7% dự toán năm, tăng 4,2% cùng kỳ năm 2015. Riêng về thực hiện vốn đầu tư XDCB, ước đến hết tháng 5 vốn giải ngân cho các dự án là 67,1 nghìn tỷ đồng, đạt 26,6% dự toán năm (cùng kỳ năm 2015 đạt 35,3% kế hoạch); vốn trái phiếu Chính phủ giải ngân ước đạt khoảng 21% kế hoạch (cùng kỳ năm 2015 đạt 27,8% kế hoạch).

b) Chi trả nợ và viện trợ: thực hiện tháng 5 ước 12,67 nghìn tỷ đồng; luỹ kế chi 5 tháng xấp xỉ đạt 64,55 nghìn tỷ đồng, bằng 41,6% dự toán năm, tăng 5,3% so cùng kỳ năm 2015, đảm bảo thanh toán đầy đủ, kịp thời các khoản nợ đến hạn theo cam kết.

c) Chi phát triển các sự nghiệp kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý hành chính: thực hiện tháng 5 ước đạt 70,47 nghìn tỷ đồng; luỹ kế chi 5 tháng đạt 332 nghìn tỷ đồng, bằng 40,3% dự toán năm, tăng 5,1% so cùng kỳ năm 2015.

2.3. Về cân đối NSNN

Bội chi NSNN 5 tháng ước đạt 70 nghìn tỷ đồng, bằng 27,6% dự toán năm.

2.4. Tình hình huy động vốn cho NSNN

Đến hết ngày 31/5/2016, đã thực hiện phát hành được 147.044 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, đảm bảo nguồn đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ chi ngân sách theo dự toán.

3. Thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, quản lý và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính

3.1. Về điều hành thu NSNN:

Ngày 17/5/2016, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến giao ban công tác thu NSNN, NSTW năm 2016 với 13 địa phương có số thu điều tiết NSTW, qua đó chỉ đạo Cơ quan Thuế, Hải quan tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra thuế, chống buôn lậu và gian lận thương mại, tập trung xử lý, thu nợ thuế. Kết quả đạt được như sau: trong 4 tháng đầu năm 2016, tổng số tiền thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra là 3.346 tỷ đồng, tăng 39,4% so với cùng kỳ năm 2015; Số đã nộp NSNN là 1.223 tỷ đồng, đạt 36,6% so với tổng số phải nộp qua thanh tra, kiểm tra. Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo, đôn đốc các Cục hải quan địa phương đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, chống thất thu và tăng cường công tác kiểm tra sau thông quan; tăng cường kiểm tra xuất xứ hàng hóa (C/O) của những hàng hóa nhập khẩu thuộc đối tượng được hưởng thuế suất ưu đãi theo các Hiệp định thương mại tự do (FTAs).

3.2. Về điều hành chi NSNN:

Chủ động điều hành thực hiện nhiệm vụ chi NSNN, đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả. Lũy kế vốn thanh toán từ đầu năm đến 31/5/2016, hệ thống KBNN đã thực hiện kiểm soát ước đạt 286.971 tỷ đồng (trong đó: Trung ương: 137.750 tỷ đồng; Địa phương: 149.221 tỷ đồng) chi thường xuyên của ngân sách nhà nước qua KBNN (không bao gồm chi trả nợ, viện trợ, chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính, dự phòng) đạt 34,2% dự toán chi thường xuyên năm 2016. Thông qua công tác kiểm soát chi NSNN, các đơn vị KBNN đã phát hiện ước khoảng 6.200 khoản chi chưa đủ thủ tục theo quy định, đã yêu cầu bổ sung các thủ tục cần thiết và số tiền thực từ chối thanh toán là 6 tỷ đồng.

3.3. Về tạo môi trường thúc đẩy, sản xuất, kinh doanh:

Thực hiện Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 28 tháng 04 năm 2016 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh 2016-2017 và Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển các doanh nghiệp đến năm 2020, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 1134/QĐ-BTC ngày 23/5/2016 về kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP và Quyết định số 1239/QĐ-BTC ngày 31 tháng 5 năm 2016 về ban hành chương trình hành động của Bộ Tài chính thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP.

Trong tháng 5, Bộ Tài chính đang tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Bộ, ngành, địa phương để hoàn thiện dự án Pháp lệnh án phí, lệ phí toà án và các dự thảo Nghị định về lệ phí trước bạ, Nghị định quy định chi tiết Luật phí và lệ phí, Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định số 109/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính về giá, hóa đơn, lệ phí; Nghị quyết của Chính phủ về chính sách thuế thúc đẩy ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã hoàn thành các dự thảo văn bản hướng dẫn Luật Ngân sách nhà nước gửi Bộ Tư pháp thẩm định trước khi trình Chính phủ ký ban hành theo đúng lộ trình; đang khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị định về quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế GTGT, Luật thuế TTĐB và Luật Quản lý thuế; Nghị định hướng dẫn Luật thuế XK, NK (sửa đổi).

3.4. Tình hình thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực Thuế, Hải quan:

- Lĩnh vực Thuế: đến ngày 20/5/2016, hệ thống khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử đã được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố; với trên 535 nghìn doanh nghiệp thực hiện khai thuế qua mạng (đạt 99,59 % tổng số doanh nghiệp); số lượng hồ sơ khai thuế điện tử tiếp nhận trên 31,6 triệu hồ sơ; số doanh nghiệp đăng ký dịch vụ nộp thuế điện tử trên 492 nghìn doanh nghiệp (đạt tỷ lệ 91,58 % tổng số doanh nghiệp đang hoạt động) với số thuế nộp năm 2016 đạt trên 174 nghìn tỷ đồng.

- Lĩnh vực Hải quan: có 62.505 hồ sơ đã thực hiện theo cơ chế một cửa quốc gia. Đến hết ngày 15/4/2016, 100% đơn vị Hải quan thực hiện thủ tục hải quan thông qua Hệ thống VNACCS/VCIS cho khoảng 49,1 nghìn doanh nghiệp với tổng số tờ khai XNK là 2,48 triệu tờ khai. Số thu thuế XNK năm 2016 bằng phương thức điện tử với ngân hàng đạt trên 60.190 tỷ đồng (chiếm 89,55% số thu hải quan).

3.5. Kiểm soát giá cả thị trường:

Đến nay, các biện pháp quản lý, điều hành giá cả, thị trường đã có những tác động tích cực; giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu ổn định, không tăng đột biến, không xảy ra tình trạng thiếu hàng. Bộ Tài chính đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương tổ chức điều hành kinh doanh xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá dầu thế giới. Trong tháng 5/2016, Liên Bộ Công thương - Tài chính đã 2 lần điều hành kinh doanh xăng dầu. Cũng trong tháng 5, Bộ Tài chính đã có văn bản trình Chính phủ về biện pháp quản lý giá đối với sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi theo hướng không tăng giá sữa và đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận tại cuộc họp Chính phủ ngày 1-2/6/2016. Đồng thời có văn bản đề nghị Bộ Y tế có phương hướng thực hiện triển khai điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh theo lộ trình phù hợp; kịp thời hướng dẫn, giải quyết các vướng mắc của địa phương trong quá trình thực hiện.

3.6. Tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế:

- Lũy kế 05 tháng đầu năm 2016 đã có 37 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa trong đó có 06 Tổng công ty (Tổng công ty Máy và Thiết bị công nghiệp; Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp; Tổng công ty Tư vấn xây dựng VN; Tổng công ty 36 Bộ Quốc Phòng; Tổng công ty Lâm nghiệp; Tổng công ty Vật tư nông nghiệp). Về thoái vốn, các Tập đoàn, Tổng công ty đã thoái 2.086 tỷ đồng, thu về 4.168 tỷ đồng, trong đó SCIC bán 985 tỷ đồng, thu về 2.817 tỷ đồng.

- Theo chương trình công tác được Chính phủ giao, Bộ Tài chính đang tổ chức nghiên cứu xây dựng Nghị định thay thế các Nghị định số 59/2011/NĐ-CP, Nghị định 189/2013/NĐ-CP và Nghị định số 116/2015/NĐ-CP về cổ phần hóa DNNN làm cơ sở cho việc thúc đẩy cổ phần hóa DNNN giai đoạn 2016 – 2020

3.7. Bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân:

Trong tháng 5/2016, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định xuất gạo DTQG hỗ trợ cho nhân dân các vùng trong dịp giáp hạt, hạn hán năm 2016 hoặc bị ảnh hưởng do hiện tượng hải sản chết bất thường, góp phần ổn định cuộc sống của người dân, đảm bảo an sinh xã hội. Cụ thể: đã xuất cấp 17.966 tấn gạo dữ trữ quốc gia để hỗ trợ nhân dân tại 22 tỉnh trong dịp giáp hạt, hạn hán và hỗ trợ ngư dân vùng bị ảnh hưởng do hiện tượng hải sản chết bất thường.

3.8 Công tác đối ngoại và Hợp tác quốc tế

Trong tháng 5/2016, Bộ Tài chính đã tham dự phiên họp lần thứ 49 của nhóm công tác về Dịch vụ tài chính trong ASEAN (FSL); Tham dự phiên họp lần thứ 3 của Ủy ban điều phối kế toán viên chuyên nghiệp tiêu chuẩn ASEAN (ACPA); Triển khai kết quả Phiên đàm phán thứ nhất Việt Nam-Isarel, xây dựng phương án đàm phán về thuế; Tham dự Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN+3 tại Frankfurt (Đức); Tham dự hội nghị quỹ tín dụng đầu tư ASEAN +3; Ký kết Biên bản ghi nhớ với Bộ Tài chính UAE nhân dịp Bộ trưởng Ngoại giao UAE sang thăm Việt Nam; Ký kết 03 Hiệp định vay vốn JICA trong chương trình công tác Nhật Bản của Thủ tướng Chính phủ; Phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức Hội nghị đối thoại cấp cao Nhóm đối tác tài chính công 2016 (PFPG 2016) với chủ đề “Cải cách Chi tiêu công”...

II. KẾ HOẠCH, NHIỆM VỤ CÔNG TÁC TRỌNG TÂM THÁNG 6/2016

Các đề án cơ chế, chính sách trong tháng 6/2016:

Bộ Tài chính tiếp tục xây dựng các Đề án, Dự án, Báo cáo để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và ban hành theo thẩm quyền các Thông tư theo chương trình công tác tháng 6/2016.

2. Tổ chức thực hiện dự toán NSNN năm 2016:

- Tiếp tục điều hành dự toán ngân sách năm 2016, đảm bảo kinh phí thực hiện các nhiệm vụ chi theo dự toán được duyệt và thực tế phát sinh; hướng dẫn xây dựng dự toán NNSN năm 2017. Hoàn thiện Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện NSNN 6 tháng đầu năm 2016 và giải pháp thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm. Báo cáo tình hình thực hiện dự toán NSNN năm 2016 của các Bộ, cơ quan trung ương; chuẩn bị các tài liệu, thuyết minh, giải trình có liên quan phục vụ kỳ họp Quốc hội. Hoàn thiện Đề án giải pháp cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính an toàn, bền vững.

- Tổ chức thực hiện tốt các giải pháp về thu NSNN; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế; tăng cường kiểm tra sau thông quan, đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế đảm bảo hoàn thành dự toán NSNN năm 2016 được giao.

- Đảm bảo nguồn đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ chi của NSNN theo dự toán đồng thời tăng cường công tác Kiểm tra, kiểm soát chi, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; chủ động trong tổ chức điều hành NSNN, ưu tiên để phòng chống khắc phục thiên tai, bão lụt, dịch bệnh, hỗ trợ lãi suất mua gạo tạm trữ... và một số nhiệm vụ cấp bách phát sinh. Trình Chính phủ duyệt Báo cáo quyết toán NSNN năm 2014 tại kỳ họp thường kỳ Chính phủ tháng 5/2016.

- Thẩm tra phân bổ kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2016 cho các Bộ, ngành; Tổng hợp kế hoạch vốn đầu tư, phát triển, kế hoạch vốn Trái phiếu Chính phủ năm 2016 của các Bộ, ngành, địa phương; Tổng hợp quyết toán dự án hoàn thành toàn quốc năm 2015.

- Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch thanh tra, kiểm tra tài chính năm 2016 theo Quyết định số 2477/QĐ-BTC ngày 25/11/2015 của Bộ Tài chính đảm bảo tiến độ, chất lượng, hiệu quả; hoàn thiện báo cáo công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2015 của cả nước.

3. Công tác huy động vốn:

- Thực hiện đồng bộ, linh hoạt các giải pháp huy động vốn, phấn đấu huy động đạt kế hoạch được giao.

- Huy động, giải ngân các khoản vốn vay nước ngoài theo kế hoạch; đẩy nhanh tiến độ giải ngân các khoản vốn nước ngoài bằng tiền cho cân đối NSNN; xây dựng báo cáo quyết toán năm 2015 của Quỹ tích lũy trả nợ và kế hoạch Quỹ tích lũy trả nợ năm 2016.

4. Công tác tài chính doanh nghiệp, tái cơ cấu DNNN:

Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế quản lý tài chính đối với doanh nghiệp; tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương về xử lý tài chính, xử lý lao động dôi dư đối với các DNNN.

5. Công tác quản lý thị trường chứng khoán, bảo hiểm:

- Phối hợp với Bộ Tư pháp để hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định một số điều kiện kinh doanh chứng khoán trình Chính phủ ban hành; Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 108/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK; Hoàn thiện để ban hành Thông tư hướng dẫn phát hành và giao dịch sản phẩm Covered Warrant niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán; Xây dựng Thông tư về hướng dẫn đầu tư gián tiếp ra nước ngoài.

- Triển khai công tác tái cấu trúc tổ chức kinh doanh chứng khoán; giám sát các công ty chứng khoán theo bộ chỉ tiêu CAMELS để phân loại, đánh giá chính xác chất lượng hoạt động một cách toàn diện các công ty chứng khoán. Giám sát thường xuyên đối với các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ và thẩm định chặt chẽ hồ sơ đăng ký công ty đại chúng, hồ sơ phát hành, chào bán chứng khoán ra công chúng. Theo dõi, giám sát thị trường, xử lý các báo cáo định kỳ của 2 Sở giao dịch chứng khoán và Trung tâm Lưu ký Việt Nam theo quy định hiện hành. Triển khai thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về chứng khoán.

- Giám sát chặt chẽ và chỉ đạo các doanh nghiệp bảo hiểm để giải quyết công tác giải quyết bồi thường bảo hiểm kịp thời tại các tỉnh xảy ra thiệt hại đối với 27 doanh nghiệp đang tạm ứng bồi thường theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

6. Công tác quản lý giá:

Tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương thực hiện Nghị định 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu với tinh thần bám sát giá thị trường thế giới, sử dụng hiệu quả Quỹ bình ổn giá; Về giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi: Thực hiện theo Nghị quyết của Chính phủ.

7. Công tác hợp tác quốc tế, hội nhập tài chính:

Chuẩn bị cho việc tham dự phiên đàm phán lần thứ 7 Hiệp định ASEAN – Hongkong; tham gia phiên đàm phán lần thứ 13 Hiệp định RCEP. Xây dựng phương án đàm phán về thuế FTAs Việt Nam-Isarel và Việt Nam-Cuba. Tổ chức Hội nghị đối thoại cấp cao Nhóm đối tác Tài chính công giữa Bộ Tài chính và các Nhà tài trợ (Hội nghị PFPG) về chủ đề “Cải cách Chi tiêu công”...

8. Tạo môi trường thúc đẩy, sản xuất, kinh doanh:

Tập trung triển khai thực hiện quyết liệt và đồng bộ các giải pháp, nhiệm vụ theo đúng lộ trình kế hoạch đề ra trong Quyết định số 1134/QĐ-BTC ngày 23/5/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành về kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP và Quyết định số 1239/QĐ-BTC ngày 31/5/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về ban hành chương trình hành động của Bộ Tài chính thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP.