Tình hình thương mại, giá cả, du lịch 5 tháng đầu năm 2013

Theo Tổng Cục Thống kê

Thương mại, giá cả, dịch vụ

Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5/2013 ước tính đạt 215,5 nghìn tỷ đồng, tăng 0,8% so với tháng trước và tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2012. Tính chung năm tháng đầu năm, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 1065,9 nghìn tỷ đồng, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá thì tăng 4,8%. Trong tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm tháng đầu năm, kinh doanh thương nghiệp đạt 820,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 77% và tăng 11,5%; khách sạn nhà hàng đạt 127,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 12% và tăng 16,8%; dịch vụ đạt 108,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,1% và tăng 10,6%; du lịch đạt 9,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,9% và tăng 5%.

Xuất, nhập khẩu hàng hóa

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng Năm ước tính đạt 10,8 tỷ USD, tăng 7,6% so với tháng trước và tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2012. Tính chung năm tháng đầu năm, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 49,9 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Khu vực kinh tế trong nước đạt 17,2 tỷ USD, tăng 2,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 32,7 tỷ USD, tăng 23,3%.

Trong năm tháng đầu năm, kim ngạch một số mặt hàng xuất khẩu đạt mức tăng cao là: Điện thoại các loại và linh kiện đạt 7,7 tỷ USD, tăng 103,1% so với cùng kỳ năm trước; hàng dệt may đạt 6,4 tỷ USD, tăng 16,7%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 3,9 tỷ USD, tăng 41,6%; túi xách, ví, va li, mũ, ô dù đạt 734 triệu USD, tăng 20,5%; hạt tiêu đạt 470 triệu USD, tăng 15,4%. Một số mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch tăng khá so với cùng kỳ năm trước là: Giày dép đạt 3,1 tỷ USD, tăng 11,4%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 2,2 tỷ USD, tăng 13%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 2 tỷ USD, tăng 12%; sắt thép đạt 718 triệu USD, tăng 10,5%; sản phẩm chất dẻo đạt 696 triệu USD, tăng 10,4%. Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng tăng thấp hoặc giảm so với cùng kỳ năm trước, đáng chú ý là có các mặt hàng nông sản và thủy sản: Dầu thô đạt 3 tỷ USD, tăng 2,6%; thủy sản đạt 2,3 tỷ USD, giảm 2,5%; máy móc, thiết bị dụng cụ phụ tùng khác đạt 2,1 tỷ USD, giảm 3,7%; cà phê đạt 1,5 tỷ USD, giảm 20,9%; gạo đạt 1,3 tỷ USD, giảm 5,3%; cao su đạt 760 triệu USD, giảm 26,7%; sắn và sản phẩm của sắn đạt 622 triệu USD, giảm 11,2%; than đá đạt 421 triệu USD, giảm 20,7%.

Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng Năm ước tính đạt 12 tỷ USD, tăng 9,4% so với tháng trước và tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung năm tháng đầu năm, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu đạt 51,9 tỷ USD, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm 2012, bao gồm: Khu vực kinh tế trong nước đạt 23,2 tỷ USD, tăng 7,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 28,7 tỷ USD, tăng 25,4%.

Trong năm tháng đầu năm, một số mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu tăng so với cùng kỳ năm 2012 là: Điện tử, máy tính và linh kiện đạt 7,1 tỷ USD, tăng 53,6%; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 7 tỷ USD, tăng 8,5%; vải đạt 3,3 tỷ USD, tăng 17,8%; sắt thép đạt 3 tỷ USD, tăng 16,3%; chất dẻo đạt 2,2 tỷ USD, tăng 16,1%;  nguyên phụ liệu dệt may giày, dép đạt 1,5 tỷ USD, tăng 18,7 %; thức ăn gia súc và nguyên phụ liệu đạt 1,1 tỷ USD, tăng 38,6%; sản phẩm chất dẻo đạt 969 triệu USD, tăng 20,8%; phương tiện vận tải khác và phụ tùng đạt 824 triệu USD, tăng 253,7%. Một số mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu giảm so với cùng kỳ năm trước là: Xăng dầu đạt 3 tỷ USD, giảm 21,4%; hóa chất đạt 1,2 triệu USD, giảm 2,2%; ôtô 855 triệu USD, giảm 0,5%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 561 triệu USD, giảm 5,2%; cao su đạt 312 triệu USD, giảm 16,3%.

Nhập siêu tháng Năm ước tính 1,2 tỷ USD, bằng 11,1% kim ngạch hàng hóa xuất khẩu. Nhập siêu năm tháng đầu năm nay là 1,9 tỷ USD, bằng 3,9% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu.

Chỉ số giá tiêu dùng

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 5/2013 giảm 0,06% so với tháng trước. Các nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giảm gồm: Giao thông giảm 0,57%;  nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,53%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,35% (Lương thực giảm 0,69%; thực phẩm giảm 0,45%); bưu chính viễn thông giảm 0,07%. Nhóm thuốc và dịch vụ y tế có chỉ số giá tăng 1,58% (Dịch vụ y tế tăng 1,92%), góp vào chỉ số giá chung cả nước 0,09%. Các nhóm hàng hóa và dịch vụ còn lại có chỉ số giá tăng nhẹ: Đồ uống và thuốc lá tăng 0,41%; may mặc, mũ nón, giày dép và thiết bị và đồ dùng gia đình cùng tăng 0,36%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,23%; giáo dục tăng 0,02%. Chỉ số giá tiêu dùng tháng này giảm chủ yếu do một số nguyên nhân sau: (1) Giá xăng dầu được điều chỉnh giảm hai đợt trong tháng Tư; (2) Giá các mặt hàng lương thực và thực phẩm tiếp tục giảm do tiêu dùng trong dân có phần chững lại vì lo ngại dịch bệnh trên gia súc, gia cầm.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 5/2013 tăng 2,35% so với tháng 12/2012 và tăng 6,36% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm tháng năm nay tăng 6,74% so với bình quân cùng kỳ năm 2012.

Chỉ số giá vàng tháng 5/2013 giảm 4,62% so với tháng trước; giảm 11,46% so với tháng 12/2012; giảm 5,83% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 5/2013 tăng 0,21% so với tháng trước; tăng 0,55% so với tháng 12/2012; tăng 0,59% so với cùng kỳ năm 2012.

Vận tải hành khách và hàng hóa

Vận tải hành khách năm tháng đầu năm ước tính đạt 1149,1 triệu lượt khách, tăng 3,7% và 50,2 tỷ lượt khách.km, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2012, bao gồm: Vận tải trung ương đạt 17,9 triệu lượt khách, tăng 1,3% và 13,5 tỷ lượt khách.km, tăng 2,2%; vận tải địa phương đạt 1131,2 triệu lượt khách, tăng 3,7% và 36,8 tỷ lượt khách.km, tăng 3,7%. Vận tải hành khách đường bộ năm tháng ước tính đạt 1048,9 triệu lượt khách, tăng 3,9% và 35,6 tỷ lượt khách.km, tăng 2,6%? so với cùng kỳ năm trước; đường sông đạt 85,9 triệu lượt khách, tăng 1,7% và 1,9 tỷ lượt khách.km, tăng 5,6%; đường hàng không đạt 6,8 triệu lượt khách, tăng 2,7% và 10,9 tỷ lượt khách.km, tăng 6%; đường biển đạt 2,6 triệu lượt khách, tăng 2,2% và 151,4 triệu lượt khách.km, tăng 2%; đường sắt đạt 4,8 triệu lượt khách, giảm 0,2% và 1,7 tỷ lượt khách.km, giảm 1,9%.

Vận tải hàng hóa năm tháng ước tính đạt 410,3 triệu tấn, tăng 1,5% và 79,1 tỷ tấn.km, giảm 3,1% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Vận tải trong nước đạt 396,6 triệu tấn, tăng 1,9% và 34,7 tỷ tấn.km, tăng 1,1%; vận tải ngoài nước đạt 13,7 triệu tấn, giảm 8,9% và 44,5 tỷ tấn.km, giảm 6,2%. Vận tải hàng hoá đường bộ đạt 318 triệu tấn, tăng 3% và 22,4 tỷ tấn.km, tăng 1,2%; đường sông đạt 72,8 triệu tấn, giảm 1,6% và 5,9 tỷ tấn.km, giảm 2,4%; đường biển đạt 16,7 triệu tấn, giảm 9,7% và 49 tỷ tấn.km, giảm 5%; đường sắt đạt 2,7 triệu tấn, giảm 5,5% và 1,6 tỷ tấn.km, giảm 7%.

Khách quốc tế đến Việt Nam

Trong năm tháng đầu năm 2013, số khách quốc tế đến nước ta ước tính đạt trên 2,9 triệu lượt người, giảm 1,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến bằng đường hàng không đạt 2,4 triệu lượt người, giảm 3,4%, khách đến bằng đường bộ 461,7 nghìn lượt người, tăng 9% và khách đến bằng đường biển đạt 99 nghìn lượt người, tăng 4,1%. Khách quốc tế đến Việt Nam trong năm tháng đầu năm với mục đích du lịch, nghỉ dưỡng đạt 1,8 triệu lượt người, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm 2012; khách đến vì công việc 500,5 nghìn lượt người, giảm 1,6%, thăm thân nhân đạt 494,3 nghìn lượt người, giảm 5,4%.

Trong năm tháng đầu năm nay, một số quốc gia và vùng lãnh thổ có lượng khách đến nước ta tăng so với cùng kỳ năm trước là: Trung Quốc 696,1 nghìn lượt người, tăng 15,4%;  Hàn Quốc 331,2 nghìn lượt người, tăng 2,5%; Ôx-trây-li-a 139,9 nghìn lượt người, tăng 7,5%; Nga 136,8 nghìn lượt người, tăng 57,8%; Ma-lai-xi-a 127,4 nghìn lượt người, tăng 9,4%; Thái Lan 109,7 nghìn lượt người, tăng 23,9%. Một số nước có số lượng khách lớn đến nước ta nhưng giảm so với cùng kỳ năm trước là: Nhật Bản 250,8 nghìn lượt người, giảm 0,6%; Hoa Kỳ 194,3 nghìn lượt người, giảm 6,9%; Đài Loan 148,2 nghìn lượt người, giảm 22,6%; Cam-pu-chia 126,8 nghìn lượt người, giảm 11,2%.