Tình hình thương mại, giá cả, du lịch 8 tháng đầu năm 2013

Theo gso.gov.vn

Bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Tám tăng 0,7% so với tháng trước và tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung tám tháng năm nay, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 1705,9 nghìn tỷ đồng, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2012, nếu loại trừ yếu tố giá thì tăng 5,1%. Trong tổng mức hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tám tháng, kinh doanh thương nghiệp đạt 1310,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 77% tổng mức và tăng 11,6%; khách sạn nhà hàng đạt 205,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 12% và tăng 15%; dịch vụ đạt 173,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,2% và tăng 14,9%; du lịch đạt 16,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 1% và tăng 6,7%.

Xuất, nhập khẩu hàng hóa

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng Tám ước tính đạt 11,5 tỷ USD, giảm 0,9% so với tháng trước và tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2012. Tính chung tám tháng, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 84,8 tỷ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Khu vực kinh tế trong nước đạt 28,7 tỷ USD, tăng 3,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 56,1 tỷ USD, tăng cao ở mức 21,6%. Giá cả các mặt hàng nông sản có xu hướng giảm phần nào làm ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu nói chung.

Trong tám tháng năm nay, một số mặt hàng đạt mức kim ngạch xuất khẩu tăng cao là: Điện thoại các loại và linh kiện đạt 13,1 tỷ USD, tăng 76,2% so với cùng kỳ năm trước; hàng dệt may đạt 11,5 tỷ USD, tăng 17,3%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 6,8 tỷ USD, tăng 42,2%; giày dép đạt 5,5 tỷ USD, tăng 16,1%; túi xách, ví, va li, mũ, ô dù đạt 1,3 tỷ USD, tăng 25,7%; sắt thép đạt 1,2 tỷ USD, tăng 13,9%; rau quả đạt 721 triệu USD, tăng 33,8%. Một số mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch tăng khá so với cùng kỳ năm trước như: Gỗ và sản phẩm gỗ tăng 12,6%; hạt điều tăng 12,1%; sản phẩm từ chất dẻo tăng 10,9%. Kim ngạch một số mặt hàng giảm so với cùng kỳ năm trước là: Xăng dầu giảm 39,3%; than đá giảm 26,3%; sắn và sản phẩm của sắn giảm 23,7%; cà phê giảm 21,8%; cao su giảm 14,3%; gạo giảm 14,2%; dầu thô giảm 10,7%.

Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng Tám ước tính đạt 11,8 tỷ USD, tăng 5,2% so với tháng trước và tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2012. Tính chung tám tháng, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu đạt 85,4 tỷ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Khu vực kinh tế trong nước đạt 37,1 tỷ USD, tăng 4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 48,3 tỷ USD, tăng nhanh ở mức 25,1%. Điều này cho thấy sản xuất của khu vực trong nước còn gặp nhiều khó khăn. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu vấn là nguyên, nhiên vật liệu và hàng gia công lắp ráp.

Trong tám tháng năm nay, một số mặt hàng đạt mức kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ năm trước như: Máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 11,8 tỷ USD, tăng 9,6%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 11,5 tỷ USD, tăng 41,6%; vải đạt 5,5 tỷ USD, tăng 20,2%; điện thoại các loại và linh kiện đạt 5,2 tỷ USD, tăng 71,3%; sắt thép đạt 4,5 tỷ USD, tăng 10%; chất dẻo đạt 3,7 tỷ USD, tăng 17%; nguyên phụ liệu dệt, may, giày dép đạt 2,5 tỷ USD, tăng 20,4%; thức ăn gia súc và nguyên phụ liệu đạt 2,1 tỷ USD, tăng 41,5%; kim loại thường khác đạt 1,9 tỷ USD, tăng 16%; sản phẩm hóa chất đạt 1,8 tỷ USD, tăng 11,3%; sản phẩm chất dẻo đạt 1,6 tỷ USD, tăng 20,6%; ô tô đạt 1,4 tỷ USD, tăng 6,1%, trong đó ô tô nguyên chiếc đạt 408 triệu USD, tăng 5,7%; tân dược đạt 1,2 tỷ USD, tăng 7,1%; phương tiện vận tải khác và phụ tùng đạt 1,2 tỷ USD, tăng 20,5%; phân bón đạt 1,1 tỷ USD, tăng 6,4%; giấy các loại đạt 861 triệu USD, tăng 12,5%; bông đạt 775 triệu USD, tăng 32,1%. Một số mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu giảm so với cùng kỳ năm trước như: Xăng dầu đạt 4,6 tỷ USD, giảm 27,4%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 908 triệu USD, giảm 4,6%; cao su đạt 456 triệu USD, giảm 16,3%; thủy sản đạt 419 triệu USD, giảm 6,4%; lúa mỳ đạt 360 triệu USD, giảm 35,3%.

Tháng Tám nhập siêu ước tính 300 triệu USD, bằng 2,6% kim ngạch hàng hóa xuất khẩu. Nhập siêu tám tháng năm 2013 là 577 triệu USD,  bằng 0,7% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 8,4 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu 7,8 tỷ USD.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI)

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 8/2013 tăng 0,83% so với tháng trước. Chỉ số giá tháng này tăng chủ yếu do ảnh hưởng của việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế của thành phố Hà Nội, làm chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế cả nước tăng 4,11% so với tháng trước, đóng góp vào mức tăng chung của CPI là 0,23%. Ngoài ra, giá xăng dầu được điều chỉnh tăng trong tháng Sáu và tháng Bảy vừa qua làm chỉ số giá nhóm xăng dầu tăng 2,5% so với tháng trước, đóng góp vào mức tăng chung CPI là 0,1%. Các nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng cao hơn mức tăng chung là: Thuốc và dịch vụ y tế tăng cao với 4,11% (Dịch vụ y tế tăng 5,09%); giao thông tăng 1,11%; giáo dục tăng 0,9% (Dịch vụ giáo dục tăng 0,86%); nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,88%. Các nhóm hàng hóa và dịch vụ còn lại có chỉ số giá tăng thấp hơn mức tăng chung hoặc giảm gồm: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,54% (Lương thực tăng 0,7%; thực phẩm tăng 0,62%); may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,44%; hai nhóm đồ uống và thuốc lá và văn hóa, giải trí và du lịch đều tăng 0,27%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,22%; bưu chính viễn thông giảm 0,02%.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 8/2013 tăng 3,53% so với tháng 12/2012 và tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân tám tháng đầu năm nay tăng 6,90% so với bình quân cùng kỳ năm 2012.

Chỉ số giá vàng tháng 8/2013 tăng 0,32% so với tháng trước; giảm 20,17% so với tháng 12/2012; giảm 13,43% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 8/2013 tăng 0,06% so với tháng trước; tăng 1,59% so với tháng 12/2012; tăng 1,63% so với cùng kỳ năm 2012.

Vận tải hành khách và hàng hóa

Vận tải hành khách tám tháng ước tính đạt 1974,1 triệu lượt khách, tăng 4,9% và 83 tỷ lượt khách.km, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2012, bao gồm: Vận tải trung ương đạt 23,5 triệu lượt khách, tăng 3,2% và 19,4 tỷ lượt khách.km, tăng 4,1%; vận tải địa phương đạt 1950,6 triệu lượt khách, tăng 4,9% và 63,6 tỷ lượt khách.km, tăng 4,4%. Vận tải hành khách đường bộ tám tháng ước tính đạt 1853,8 triệu lượt khách, tăng 5,1% và 60,4 tỷ lượt khách.km, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước; đường hàng không đạt 11,3 triệu lượt khách, tăng 5,8% và 17,5 tỷ lượt khách.km, tăng 6,3%; đường sắt đạt 8,5 triệu lượt khách, giảm 1,2% và 3,1 tỷ lượt khách.km, giảm 0,5%; đường biển đạt 3,2 triệu lượt khách, tăng 4,5% và 162 triệu lượt khách.km, tăng 4,2%.

Vận tải hàng hóa tám tháng ước tính đạt 657,5 triệu tấn, tăng 3,5% và 130,9 tỷ tấn.km, giảm 2,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vận tải trong nước đạt 637,2 triệu tấn, tăng 3,9% và 59,7 tỷ tấn.km, tăng 4,2%; vận tải ngoài nước đạt 20,3 triệu tấn, giảm 7,3% và 71,2 tỷ tấn.km, giảm 8,1%. Vận tải hàng hoá địa phương tám tháng đạt 619,2 triệu tấn, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước và 59,4 tỷ tấn.km, tăng 3,5%. Vận tải hàng hoá đường bộ đạt 496,7 triệu tấn, tăng 4,2% và 29,9 tỷ tấn.km, tăng 5,4%; đường sông đạt 117,2 triệu tấn, tăng 4,7% và 25,3 tỷ tấn.km, tăng 3,8%; đường biển đạt 39 triệu tấn, giảm 6,6% và 72,8 tỷ tấn.km, giảm 7,8%; đường sắt đạt 4,4 triệu tấn, giảm 4,3% và 2,5 tỷ tấn.km, giảm 5,1%.

Khách quốc tế đến Việt Nam

Khách quốc tế đến nước ta tám tháng năm nay ước tính  đạt 4875,4 nghìn lượt người, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến với mục đích du lịch, nghỉ dưỡng đạt 2987,6 nghìn lượt người, tăng 10,8%; đến vì công việc 815 nghìn lượt người, tăng 5,8%; đến thăm thân nhân đạt 812,8 nghìn lượt người tăng 5,1%.

Một số quốc gia và vùng lãnh thổ có lượng khách đến nước ta tám tháng năm nay tăng so với cùng kỳ năm trước là: Nga 189,3 nghìn lượt người, tăng 63,1%; Trung Quốc 1189,3 nghìn lượt người, tăng 33,1%; In-đô-nê-xi-a 48,9 nghìn lượt người, tăng 25,6%; Thái Lan 174,6 nghìn lượt người, tăng 24,2%; Niu-di-lan 20,6 nghìn lượt khách, tăng 21,9%; Ôx-trây-li-a 214,1 nghìn lượt khách, tăng 12,7%; Ma-lai-xi-a 212,2 nghìn lượt người, tăng 11,9%. Một số nước có lượng khách đến nước ta lớn nhưng giảm so với cùng kỳ năm trước là: Mỹ 299 nghìn lượt người, giảm 3,5%; Pháp 146,3 nghìn lượt người, giảm 7,7%; Canada 71,8 nghìn lượt người, giảm 12,7%; Philippin 64,6 nghìn lượt người, giảm 1,9%; Đức 52 nghìn lượt người, giảm 28,4%.