Tình hình xây dựng và đầu tư phát triển năm 2013

Theo gso.gov.vn

Xây dựng

Hoạt động xây dựng cơ bản năm nay tăng mạnh, trong đó tăng cao nhất ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài do tập trung đẩy nhanh tiến độ đối với các công trình thuộc khu kinh tế trọng điểm quốc gia. Tiến độ xây dựng trong khu vực Nhà nước chậm hơn do ưu tiên cho những công trình chuyển tiếp từ năm trước nên giá trị sản xuất giảm. Đối với các doanh nghiệp ngoài Nhà nước, do gặp khó khăn về vốn nên kết quả tăng thấp.

Giá trị sản xuất xây dựng năm 2013 theo giá hiện hành ước tính đạt 770,4 nghìn tỷ đồng, bao gồm: Khu vực Nhà nước đạt 92,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 12%; khu vực ngoài Nhà nước 644,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 83,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài 33,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 4,4%. Giá trị sản xuất xây dựng năm 2013 chia theo loại công trình như sau: Công trình nhà ở đạt 333,3 nghìn tỷ đồng; công trình nhà không để ở đạt 128,2 nghìn tỷ đồng; công trình kỹ thuật dân dụng đạt 219,4 nghìn tỷ đồng; hoạt động xây dựng chuyên dụng đạt 89,5 nghìn tỷ đồng.

Giá trị sản xuất xây dựng năm 2013 theo giá so sánh 2010 ước tính đạt 626,9 nghìn tỷ đồng, tăng 6,2% so với năm 2012, bao gồm: Khu vực Nhà nước đạt 77,2 nghìn tỷ đồng, giảm 1,4%; khu vực ngoài Nhà nước đạt 521,2 nghìn tỷ đồng, tăng 6,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 28,5 nghìn tỷ đồng, tăng 34,3%.

Mặc dù đạt được một số kết quả nhất định nhưng hoạt động của ngành xây dựng trong năm vẫn còn những tồn tại và gặp khó khăn như: Chủ đầu tư thực hiện không đúng quy trình, thủ tục gây chậm chễ trong thanh toán công trình dẫn đến nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ thiếu vốn, không đủ sức cạnh tranh. Tiến độ giải ngân của một số dự án, công trình mặc dù có chuyển biến nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Thời tiết diễn biến phức tạp với mưa lớn kéo dài tại nhiều vùng trên cả nước ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng công trình.

Đầu tư phát triển

Trong công tác đầu tư, các ngành và các địa phương tiếp tục thực hiện Chỉ thị 1792/CT-TTg ngày 15 tháng 10 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ với mục tiêu quan trọng là bảo đảm đầu tư công hiệu quả, nhất là nguồn vốn ngân sách Nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ. Do đó, công tác quản lý nhà nước về đầu tư được tăng cường, tập trung vào quản lý tiến độ, chất lượng công trình, thanh quyết toán vốn đầu tư, xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản... nên đầu tư khu vực Nhà nước từng bước đạt hiệu quả hơn.

Ngay từ đầu năm, nguồn vốn ngân sách và vốn trái phiếu Chính phủ được phân bổ nhanh cho các Bộ, ngành và địa phương đã tạo điều kiện cho chủ đầu tư chủ động triển khai kế hoạch sớm. Đối với các dự án quan trọng, việc huy động mọi nguồn lực nhằm đẩy nhanh tiến độ công trình cũng được các Bộ, ngành và địa phương thực hiện tích cực.

Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện năm 2013 theo giá hiện hành ước tính đạt 1091,1 nghìn tỷ đồng, tăng 8% so với năm trước và bằng 30,4% GDP. Trong vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện năm 2013, vốn khu vực Nhà nước đạt 440,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 40,4% tổng vốn và tăng 8,4% so với năm trước; khu vực ngoài Nhà nước 410,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 37,6% và tăng 6,6%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 240,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 22% và tăng 9,9%.

Tình hình xây dựng và đầu tư phát triển năm 2013 - Ảnh 1

Trong vốn đầu tư thực hiện khu vực Nhà nước năm nay, vốn từ ngân sách Nhà nước ước tính đạt 205,7 nghìn tỷ đồng, bằng 101,5% kế hoạch năm và tăng 0,3% so với năm 2012, gồm có:

- Vốn trung ương quản lý đạt 41 nghìn tỷ đồng, bằng 102,2% kế hoạch năm và giảm 18,3% so với năm trước, trong đó vốn đầu tư thực hiện của Bộ Giao thông Vận tải là 7687 tỷ đồng, bằng 122,4% và giảm 1,2%; Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn 4378 tỷ đồng, bằng 100,1% và giảm 8,7%; Bộ Xây dựng 1326 tỷ đồng, bằng 75,3% và giảm 27%; Bộ Y tế 769 tỷ đồng, bằng 89,2% và giảm 28,5%; Bộ Giáo dục và Đào tạo 644 tỷ đồng, bằng 92,4% và giảm 29,8%; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch 491 tỷ đồng, bằng 98,1% và giảm 19,9%; Bộ Công Thương 319 tỷ đồng, bằng 117,4% và giảm 29,9%.

- Vốn địa phương quản lý đạt 164,7 nghìn tỷ đồng, bằng 101,3% kế hoạch năm và tăng 6,3% so với năm 2012. Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước của một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương như sau: Hà Nội đạt 26232 tỷ đồng, bằng 95,3% kế hoạch năm và tăng 26% so với năm 2012; TP. Hồ Chí Minh 17023 tỷ đồng, bằng 99,3% và tăng 10,3%; Đà Nẵng 5630 tỷ đồng, bằng 74,8% và giảm 29,6%; Thanh Hóa 4014 tỷ đồng, bằng 128% và tăng 1,1%; Quảng Ninh 4010 tỷ đồng, bằng 102,9% và tăng 3,9%; Bình Dương 3878 tỷ đồng, bằng 99,8% và tăng 16,6%; Vĩnh Phúc 3868 tỷ đồng, bằng 129,1% và giảm 3,1%.

Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài từ đầu năm đến thời điểm 15/12/2013 ước tính đạt 21,6 tỷ USD, tăng 54,5% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: 14,3 tỷ USD vốn đăng ký của 1275 dự án được cấp phép mới, tăng 70,5% (Số dự án tăng 0,7%) và 7,3 tỷ USD vốn đăng ký bổ sung của 472 lượt dự án được cấp phép từ các năm trước, tăng 30,8%. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện năm 2013 ước tính đạt 11,5 tỷ USD, tăng 9,9% so với năm 2012.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài năm nay tập trung chủ yếu vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với 16,6 tỷ USD, chiếm 76,9% tổng vốn đăng ký; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 2 tỷ USD, chiếm 9,4%; các ngành còn lại đạt 3 tỷ USD, chiếm 13,7%.

Trong năm 2013 cả nước có 50 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài cấp phép mới, trong đó Thái Nguyên có số vốn đăng ký lớn nhất với 3381,1 triệu USD, chiếm 23,7% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Bình Thuận 2029,6 triệu USD, chiếm 14,2%; Hải Phòng 1843,6 triệu USD, chiếm 12,9%; Bình Định 1019,7 triệu USD, chiếm 7,1%; thành phố Hồ Chí Minh 949 triệu USD, chiếm 6,6%; Đồng Nai 745,1 triệu USD, chiếm 5,2%; Bình Dương 714 triệu USD, chiếm 5%; Hải Dương 620,6 triệu USD, chiếm 4,3%...

Trong số 50 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư cấp phép mới vào Việt Nam năm nay, Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất với 3752,1 triệu USD, chiếm 26,3% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Singapore 3014,1 triệu USD, chiếm 21,1%; Trung Quốc 2276,6 triệu USD, chiếm 16%; Nhật Bản 1295 triệu USD, chiếm 9,1%; Liên bang Nga 1021,7 triệu USD, chiếm 7,2%; Đặc khu Hành chính Hồng Công (Trung Quốc) 604 triệu USD, chiếm 4,2%; Đài Loan 400 triệu USD, chiếm 2,8%.