Tình hình xuất nhập khẩu hàng hoá tháng 12 và 12 tháng năm 2012

Theo Tổng cục Hải quan

I. Đánh giá chung

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 12 đạt 20,2 tỷ USD, giảm nhẹ 0,4% so với tháng trước. Trong đó xuất khẩu đạt 10,36 tỷ USD, tăng 0,1% và nhập khẩu là 9,86 tỷ USD, giảm 1%. Cán cân thương mại hàng hoá tháng 12 thặng dư gần 500 triệu USD.

Như vậy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước năm 2012 đạt gần 228,37 tỷ USD, tăng 12,1% so với năm 2011, trong đó xuất khẩu đạt 114,57 tỷ USD, tăng 18,2% và nhập khẩu là 113,79 tỷ USD, tăng 6,6%. Cán cân thương mại hàng hoá cả nước xuất siêu 780 triệu USD (trong khi năm 2011 nhập siêu 9,84 tỷ USD).

Tổng trị giá hàng hóa xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong năm qua là 124 tỷ USD, tăng 28,2% và chiếm 54% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. Trong đó, xuất khẩu đạt 64,05 tỷ USD, tăng 33,8% và nhập khẩu là 59,94 tỷ USD, tăng 22,7% so với cùng kỳ năm trước.

II. Một số nhóm hàng xuất khẩu chính

Gạo: lượng gạo xuất khẩu của cả nước trong tháng 12 là 518 nghìn tấn, giảm 13,8%, trị giá đạt 245 triệu USD, giảm 16,2% so với tháng trước. Tính đến hết năm 2012, lượng xuất khẩu đạt hơn 8 triệu tấn, tăng 12,7% và trị giá đạt 3,67 tỷ USD, tăng nhẹ 0,4% so với năm 2011.

Năm 2012, Trung Quốc là thị trường lớn nhất nhập khẩu gạo của Việt Nam với hơn 2 triệu tấn, tăng gấp gần 6 lần năm trước và chiếm 26% tổng lượng xuất khẩu gạo của cả nước. Tiếp theo là Philippin: 1,1 triệu tấn, tăng 14,2%; In đô nê xi a: 930 nghìn tấn, giảm 50,6%; Ma lai xi a: 765 nghìn tấn, tăng 44,2%; Bờ Biển Nga: 480 nghìn tấn, tăng 64,4%,..

Cà phê: trong tháng, lượng cà phê xuất khẩu của cả nước đạt 162,5 nghìn tấn, tăng 33,3%, trị giá đạt 330 triệu USD, tăng 26,1% so với tháng 11/2012.  Tổng lượng cà phê xuất khẩu cả nước năm 2012 là 1,73 triệu tấn và trị giá đạt hơn 3,67 tỷ USD, tăng 37,8% về lượng và 33,4% về trị giá so với năm trước.

Hạt điều: lượng hạt điều xuất khẩu trong tháng là 18,3 nghìn tấn, giảm 6,2% đạt trị giá 113 triệu USD, giảm 8,4% so với tháng trước. Như vậy, cả năm, lượng hạt điều xuất khẩu đạt 221 nghìn tấn, tăng 24,7% và trị giá là 1,47 tỷ USD, giảm 0,2% so với năm 2011. Hoa Kỳ vẫn là thị trường dẫn đầu về tiêu thụ điều của Việt Nam, đạt 61 nghìn tấn, tăng 26,8% và chiếm gần 1/3 lượng điều xuất khẩu.

Cao su: trong tháng 12, lượng cao su xuất khẩu đạt 117 nghìn tấn, tăng 29,6% so với tháng trước và đạt trị giá là 208 triệu USD, tăng 25,6%. Do đơn giá bình quân cao su xuất khẩu năm 2012 giảm tới 29,4% so với năm 2011 nên dù lượng tăng cao (đạt hơn 1 triệu tấn, tăng 25,3%) nhưng kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt đạt 2,86 tỷ USD, giảm 11,6% so với năm trước.

Các đối tác chính nhập khẩu cao su trong năm 2012 là Trung Quốc: 493 nghìn tấn, giảm 1,8%; Malaixia: 200 nghìn tấn, tăng gấp 2,5 lần; Ấn Độ: 72 nghìn tấn, tăng 166%;…so với năm 2011.

Sắn & sản phẩm từ sắn: trong tháng, lượng sắn và sản phẩm từ sắn xuất khẩu đạt 324 nghìn tấn, tăng 28% đạt trị giá là 117 triệu USD, tăng 19,8%. Tính đến hết năm 2012, xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước đạt 4,23 triệu tấn, tăng 57,7% và trị giá là 1,35 tỷ USD, tăng 40,8%.

Trung Quốc là thị trường chính nhập khẩu sắn & sản phẩm từ sắn của Việt Nam với lượng đạt 3,76 triệu tấn, tăng 54,4% so với năm trước và chiếm 88,9% tổng lượng xuất khẩu nhóm hàng này.

Thủy sản: xuất khẩu trong tháng là 494 triệu USD, giảm 7,4% so với tháng trước, nâng tổng trị giá xuất khẩu cả năm 2012 lên 6,09 tỷ USD giảm 0,3% so với năm 2011

Đối tác dẫn đầu nhập khẩu hàng thuỷ sản của Việt Nam trong năm 2012 là Hoa Kỳ với 1,17 tỷ USD, tăng 0,7%. Tiếp theo là EU: 1,13 tỷ USD, giảm 16,7%; Nhật Bản: 1,08 tỷ USD, tăng 6,8% và Hàn Quốc đạt 510 triệu USD, tăng 4%;…

Dầu thô: lượng xuất khẩu trong tháng là 613 nghìn  tấn, giảm 31,8%, trị giá là 525 triệu USD, giảm 30,2% so với tháng trước. Tính đến hết tháng 12/2012, lượng dầu thô xuất khẩu của cả nước đạt 9,28 triệu tấn, tăng 12,7% và trị giá đạt 8,23 tỷ USD, tăng 13,6% (tương đương tăng 987 triệu USD) so với năm 2011.  Các đối tác chính nhập khẩu dầu thô trong năm qua là Nhật Bản với 2,76 triệu tấn, tăng 51,9%; Ôxtrâylia:1,81 triệu tấn, tăng 26,3%; Trung Quốc: 1,13 triệu tấn, giảm 9,8%;…

Than đá: lượng xuất khẩu trong tháng đạt 1,6 triệu tấn, giảm 11,2% so với tháng trước. Tính cả năm 2012, lượng xuất khẩu than đá của cả nước là 15,2 triệu tấn, giảm 11,4% với trị giá là 1,24 tỷ USD, giảm 24,1% so với cùng kỳ năm 2011.

Trong năm 2012, lượng xuất khẩu than đá của Việt Nam sang các thị trường chính đều giảm so với cùng kỳ năm trước. Trung Quốc tiếp tục là đối tác lớn nhất nhập khẩu than đá của Việt Nam với 12,1 triệu tấn, giảm 9,9% và chiếm tới 80% tổng lượng xuất khẩu mặt hàng này của cả nước, tiếp theo là thị trường Hàn Quốc: 1,07 triệu tấn, giảm 29,9% và Nhật Bản: 1,05 triệu tấn, giảm 23,5% so với năm 2011…

Hàng dệt may: xuất khẩu trong tháng đạt 1,35 tỷ USD, tăng 8,4% so với tháng trước, qua đó nâng trị giá xuất khẩu nhóm hàng này trong năm 2012 lên 15,09 tỷ USD, tăng 7,5% so với năm 2011.

Trong năm 2012, Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc tiếp tục là 4 đối tác lớn nhất của hàng dệt may Việt Nam. Tổng kim ngạch hàng dệt may xuất sang 4 thị trường này đạt 12,96 tỷ USD, chiếm tới 86% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của cả nước.

Biểu đồ 1: Xuất khẩu hàng dệt may sang các thị trường chính

năm 2011 và năm 2012

Tình hình xuất nhập khẩu hàng hoá tháng 12 và 12 tháng năm 2012 - Ảnh 1

Nguồn: Tổng cục Hải quan

Điện thoại các loại & linh kiện: trong tháng, xuất khẩu nhóm hàng này là 1,37 tỷ USD, tăng 6,9% so với tháng trước, nâng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này cả năm 2012 lên 12,72 tỷ USD, tăng 98,8% so với năm 2011.

Biểu đồ 2: Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện theo tháng năm 2010 – 2012

Tình hình xuất nhập khẩu hàng hoá tháng 12 và 12 tháng năm 2012 - Ảnh 2

Nguồn: Tổng cục Hải quan

Những đối tác chính nhập khẩu điện thoại các loại & linh kiện của Việt Nam trong năm qua là EU với 5,66 tỷ USD, tăng 93% và chiếm 44,5% tổng trị giá xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước. Tiếp theo là Hoa Kỳ gần 1,5 tỷ USD, tăng gấp 3 lần; Nga: 771 triệu USD, tăng 43,8%; Hồng Kông:530 triệu USD, giảm 19,8%;…so với năm 2011.

Giày dép các loại:  kim ngạch xuất khẩu trong tháng đạt 736 triệu USD, tăng 3,9% so với tháng trước. Tính đến hết năm 2012, xuất khẩu nhóm hàng này đạt 7,26 tỷ USD, tăng 10,9% so với năm 2012.

Giày dép của Việt Nam năm 2012 chủ yếu được xuất sang các thị trường như EU đạt 2,65 tỷ USD, tăng 1,6%; Hoa Kỳ đạt 2,24 tỷ USD, tăng 17,6%; Nhật Bản đạt 328 triệu USD, tăng 31,9%; Trung Quốc đạt 301 triệu USD, tăng 19,1%;…so với năm 2011.

III. Một số nhóm hàng nhập khẩu chính

Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng: trong tháng, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này là 1,34 tỷ USD, tăng 1,1% so với tháng trước, nâng tổng kim ngạch nhập khẩu năm 2012 lên 16,04 tỷ USD tăng 3,2% so với năm 2011, trong đó khối các doanh nghiệp FDI đạt 8,57 tỷ USD, tăng 30% và khối các doanh nghiệp trong nước đạt 7,47 tỷ USD, giảm 14,6%.

Tính đến hết năm 2012, Việt Nam nhập khẩu nhóm hàng này từ Trung Quốc là 5,19 tỷ USD, tăng nhẹ 0,2% so với năm 2011; Nhật Bản: 3,37 tỷ USD, tăng 20,4%; EU: 2,05 tỷ USD, giảm 15,2%; Hàn Quốc: 1,74 tỷ USD; tăng 38,9%; Đài Loan: 866 triệu USD, giảm 3,6%; Hoa Kỳ: 745 triệu USD, giảm 12,1%;…

Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện: trong tháng 12/2012, kim ngạch nhập khẩu đạt 1,2 tỷ USD, giảm 0,9% so với tháng trước, nâng tổng trị giá nhập khẩu nhóm hàng này năm 2012 lên 13,1 tỷ USD, tăng 67% về số tương đối và tăng 5,26 tỷ USD về số tuyệt đối so với năm 2011. Khối các doanh nghiệp FDI nhập khẩu gần 11,58 tỷ USD, tăng 78% và khối các doanh nghiệp trong nước nhập khẩu 1,53 tỷ USD, tăng 4,1%.

Trong năm 2012, Việt Nam nhập khẩu nhóm hàng này có xuất xứ chủ yếu từ: Trung Quốc: gần 3,34 tỷ USD, tăng 41,2%; Hàn Quốc: 3,29 tỷ USD, tăng mạnh 71,4%; Nhật Bản: 1,69 tỷ USD, tăng 47,0%; Singapore: gần 1,03 tỷ USD, tăng 142%; Hoa Kỳ: 985 triệu USD, tăng 148%;… so với năm 2011.

Điện thoại các loại và linh kiện: kim ngạch nhập khẩu trong tháng đạt 565 triệu USD, tăng 11,9% so với tháng trước. Tính đến hết năm 2012, cả nước nhập khẩu 5,04 tỷ USD, tăng 85,3% so với  năm 2011.

Việt Nam nhập khẩu nhóm hàng này trong năm 2012 chủ yếu từ các thị trường: Trung Quốc: 3,43 tỷ USD, tăng 96,4% và chiếm 68% kim ngạch nhập khẩu của cả nước; Hàn Quốc: 1,33 tỷ USD, tăng 78,8%; Singapore: 76,4 triệu USD ; Đài Loan: 59,5 triệu USD, tăng 36,1%; …so với  năm 2011.

- Xăng dầu các loại: tháng 12/2012, lượng xăng dầu nhập khẩu của cả nước là 562 nghìn tấn, giảm 20,2% so với tháng trước, trị giá là 536 triệu USD, giảm 20,9%. Tính đến hết năm 2012, tổng lượng xăng dầu nhập khẩu của cả nước là  9,2 triệu tấn, giảm 13,8% so với năm 2011 với trị giá gần 8,96 tỷ USD, giảm 9,3%.

Trong năm 2012, Việt Nam nhập khẩu xăng dầu chủ yếu từ các thị trường: Singapore: 3,78 triệu tấn, giảm 14%; Đài Loan: 1,29 triệu tấn, giảm 7,4%; Trung Quốc: 1,25 triệu tấn, giảm 5,3%; Hàn Quốc: 933 nghìn tấn, giảm 16,8%; Cô oét: hơn 705 nghìn tấn, giảm 11,3%;… so với năm trước.

Ô tô nguyên chiếc: trong tháng lượng ôtô nguyên chiếc nhập khẩu là 2,98 nghìn chiếc, tăng 7,7% so với tháng trước. Tính đến hết  năm 2012 lượng nhập khẩu ô tô nguyên chiếc của cả nước là 27,4 nghìn chiếc, giảm mạnh 49,8% so với năm 2011, trong đó lượng nhập khẩu xe dưới 9 chỗ là 13,7 nghìn chiếc, giảm 60,7%; xe tải là 9,9 nghìn chiếc, giảm 38,2%;  xe trên 9 chỗ là 163 chiếc, giảm 7,9% và ô tô loại khác là 3,66 nghìn chiếc tăng 4,2% .

Bảng 1: Lượng nhập khẩu ô tô các loại theo thị trường năm 2011 và 2012

                                                                       Đơn vị tính: Nghìn chiếc

Thị trường

Loại xe

Năm 2011

Năm 2012

Hàn Quốc

Ô tô dưới 9 chỗ

18,0

8,3

Ô tô tải

5,7

2,7

Ô tô loại khác

1,3

0,8

Ô tô trên 9 chỗ

0,2

0,1

Tổng cộng

25,0

11,8

Trung Quốc

Ô tô tải

4,2

2,8

Ô tô loại khác

0,9

0,8

Ô tô dưới 9 chỗ

0,4

0,3

Tổng cộng

5,5

3,9

Các thị trường khác

Ô tô dưới 9 chỗ

16,5

5,1

Ô tô tải

6,2

4,4

Ô tô loại khác

1,4

2,1

Ô tô trên 9 chỗ

0,0

0,1

Tổng cộng

24,1

11,7

Tổng cộng

54,6

27,4

Nguồn: Tổng cục Hải quan

- Nhóm hàng nguyên liệu, phụ liệu ngành dệt may, da, giày:  tháng 12/2012, nhập khẩu nhóm hàng này là 1,06 tỷ USD, giảm 9,4% so với tháng trước, nâng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này trong năm 2012 đạt gần 12,49 tỷ USD, tăng 1,8% so với năm 2011. Trong đó trị giá nhập khẩu vải là 7,04 tỷ USD, tăng 4,6%; nguyên phụ liệu dệt may da giày 3,16 tỷ USD, tăng 7,1%; xơ sợi dệt là gần1,41 tỷ USD, giảm 8,4% và bông là hơn 877 triệu USD, giảm 16,7%.

Trong năm qua, khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài nhập khẩu 7,81 tỷ USD, giảm nhẹ 0,9% và các doanh nghiệp trong nước nhập khẩu 4,67 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2011.

Biểu đồ 3: Kim ngạch nhập khẩu phân theo khối doanh nghiệp của nhóm hàng nguyên liệu, phụ liệu ngành dệt may, da, giày theo tháng trong năm 2012

Tình hình xuất nhập khẩu hàng hoá tháng 12 và 12 tháng năm 2012 - Ảnh 3

Nguồn: Tổng cục Hải quan

Các thị trường chính cung cấp nhóm hàng này cho Việt Nam trong năm 2012 là: Trung Quốc: 4,38 tỷ USD, tăng 10,7%; Hàn Quốc: 2,21 tỷ USD, tăng 4,7%; Đài Loan: 1,92 tỷ USD, giảm 4,6%; Nhật Bản: 850 triệu USD, tăng 15,4%; Hồng Kông: 577 triệu USD, giảm 2,9%; … so với năm 2011.

 Phân bón các loại: trong tháng, lượng phân bón nhập khẩu của cả nước là 295 nghìn tấn, giảm 10,6%, trị giá là 122 triệu USD, giảm 12,8% so với tháng trước.

Tính đến hết năm 2012, lượng phân bón nhập khẩu của cả nước là 3,96 triệu tấn, giảm 6,9%, trị giá là 1,69 tỷ USD, giảm 4,8% so với năm 2011. Trong đó nhập khẩu nhiều nhất là phân SA với 1,16 triệu tấn, tăng 30,1%; phân Kali là 839 nghìn tấn, giảm 11,4%; phân DAP là 759 nghìn tấn, tăng 21,7%; phân Ure là 504 nghìn tấn, giảm 55,4%; phân NPK: 341 nghìn tấn, tăng 9,4% và phân bón loại khác là 357 nghìn tấn, tăng 2,5% so với năm 2011.

Trong năm 2012, Việt Nam nhập khẩu phân bón chủ yếu có xuất xứ từ: Trung Quốc: 2,14 triệu tấn, giảm nhẹ 1,3%; Philippin: 326 nghìn tấn, tăng nhẹ 2,2%; Nhật Bản: 305 nghìn tấn, tăng 27,5%;  Bêlarút: 292 nghìn tấn, giảm 22,7%; …

 Sắt thép các loại: trong tháng, lượng sắt thép nhập khẩu là 605 nghìn tấn, giảm 9,4% so với tháng trước, trị giá nhập khẩu là 443 triệu USD, giảm 9,5%.

Tính đến hết năm 2012, tổng lượng nhập khẩu sắt thép của Việt Nam là 7,6 triệu tấn, tăng 3,0%, kim ngạch nhập khẩu là 5,97 tỷ USD, giảm 7,2%. Trong đó, lượng phôi thép nhập khẩu là 444 nghìn tấn, trị giá đạt 278 triệu USD, giảm 49,4% về lượng và giảm 51,8% về trị giá so với năm 2011.

Việt Nam nhập khẩu sắt thép trong năm qua chủ yếu có xuất xứ từ: Trung Quốc: 2,34 triệu tấn, tăng 40,3%; Nhật Bản: 2,16 triệu tấn, tăng 11,8%; Hàn Quốc với 1,46 triệu tấn, giảm 13,7%; … so với năm 2011.

Chất dẻo nguyên liệu: lượng nhập khẩu trong tháng 12/2012 là 231nghìn tấn, trị giá 403 triệu USD, tăng 9,3% về lượng và 5,3% về trị giá so với tháng trước.

Tính đến hết năm 2012, cả nước nhập khẩu gần 2,74 triệu tấn chất dẻo nguyên liệu, trị giá đạt 4,8 tỷ USD, tăng 7,1% về lượng và tăng nhẹ 0,9% về trị giá so với năm 2011.

Việt Nam nhập khẩu chất dẻo nguyên liệu chủ yếu từ các thị trường: Ả rập Xê út với gần 569 nghìn tấn, tăng 16%; Hàn Quốc: gần 516 nghìn tấn, tăng 17,1%; Đài Loan: 382 nghìn tấn, tăng 2,8%; Thái Lan: 298 nghìn tấn, tăng 11,8%;…so với năm 2011.

- Thức ăn gia súc và nguyên liệu: trong tháng 12/2012, cả nước nhập khẩu 234 triệu USD, giảm 7,1% so với tháng trước, nâng trị giá nhập khẩu nhóm hàng này của cả nước năm 2012 lên 2,46 tỷ USD, tăng 3,5%; trong đó nhập khẩu khô dầu đậu tương đạt 1,26 tỷ USD, giảm 1,8% so với năm 2011.

Tính đến hết năm 2012, Việt Nam nhập khẩu nhóm hàng này chủ yếu từ các thị trường: Achentina: 697 triệu USD, tăng 15%; Hoa Kỳ: 289 triệu USD, tăng 16,4%; Ấn Độ: 285 triệu USD, giảm 46%; Trung Quốc: 248 triệu USD, gấp 2,3 lần; … so với năm trước.