Tổng quan về tình hình kinh tế 11 tháng năm 2013

Theo ncseif.gov.vn

Sản xuất kinh doanh

Khu vực Công nghiệp và xây dựng: Điều kiện sản xuất đang dần được cải thiện, lượng đơn hàng mới đã tăng tháng thứ 2 liên tiếp với tốc độ tăng khá cao. Chỉ  số sản xuất công nghiệp phục hồi qua các quý: quý I tăng 4,5%, quý II tăng 5,2% và quý III tăng 6. Ước tính, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp trong 11 tháng đầu năm đã tăng khoảng 5,8%, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo duy trì tốc độ tăng trưởng cao hơn mặt bằng chung ở mức 6,8%. 

Khu vực Nông, lâm nghiệp và thủy sản: Tiếp tục giữ mức tăng trưởng ổn định tuy nhiên tốc độ tăng ở mức thấp so với cùng kỳ những năm gần đây. Do ảnh hưởng của thời tiết và dịch bệnh và giá cả thị trường vẫn còn ở mức thấp, chăn nuôi gia súc gia cầm chưa có dấu hiệu phục hồi. Ngành thủy sản tiếp tục duy trì mức tăng trưởng khá. Tính chung 11 tháng năm nay, tổng sản lượng thủy sản ước tính đạt 5427 nghìn tấn, tăng 1,19% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng khai khác chín tháng đạt 2563,4 nghìn tấn, tăng 3.1 % so với cùng kỳ năm trước.

Khu vực dịch vụ: Bước sang tháng 11 là thời điểm cận kề với Tết Nguyên Đán nên nhu cầu mua sắm của người dân với các mặt hàng bánh kẹo, hàng tiêu dùng, hàng điện tử... được dự báo sẽ tăng, đây là một thuận lợi cho doanh nghiệp các ngành này tăng doanh số bán hàng, giải quyết khó khăn về tiêu thụ và tồn kho, theo đó, dự báo tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng sẽ vẫn tiếp tục xu thế tăng, ước tính tăng khoảng 15,4% so với cùng kì năm trước.

Xét 11 tháng đầu năm 2013, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 2941,9 nghìn tỷ đồng, tăng 11.9% so với cùng kỳ năm trước. Trong tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 11 tháng, kinh doanh thương nghiệp đạt 1747,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 79,9% và tăng 11,4%; khách sạn nhà hàng đạt 297 nghìn tỷ đồng, chiếm 11% và tăng 17 %; dịch vụ đạt 241 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,1% và tăng 11,9%; du lịch đạt 25,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 1% và tăng 28%.

Giá cả 

Nhìn chung, trong 11 tháng đầu năm 2013 chỉ số giá tiêu dùng (CPI) có mức tăng thấp nhất trong 3 năm gần đây; đến hết quý III/2013 chỉ số giá tiêu dùng chỉ tăng 4,63% so với  tháng 12 năm trước. Nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng 3 quý đầu năm tăng thấp chủ yếu là do nhóm hàng hóa lương thực giảm mạnh (giảm -1,43%) và làm cho nhóm hàng ăn uống và dịch vụ tăng ở mức rất thấp (chỉ tăng khoảng 3% so với tháng 12 năm trước, và đây cũng là nhóm hàng hóa chiếm tỷ trọng cao trong rổ hàng hóa; riêng nhóm thuốc và dịch vụ y tế có mức tăng cao nhât từ trước đến nay (hết quý III tăng đến 18,7% so với tháng 12 năm trước).

Sang tháng 11, chỉ số giá tiêu dùng có xu hướng tăng như mọi năm. Ước 11 tháng chỉ số giá tiêu dùng tăng 5,5% so với tháng 12 năm trước.

Để tiếp tục duy trì ổn định vĩ mô và kiểm chế lạm phát sẽ tăng cao trong hai tháng cuối năm, chính phủ cần tiếp tục coi trọng các biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô, cần công bố lộ trình điều chỉnh giá cả các mặt hàng quan trọng đối với nền kinh tế như xăng dầu, điện, lãi suất, thuế để tăng tính minh bạch và giảm thiểu những rủi ro của môi trường kinh doanh.  

Xuất nhập khẩu

Tính đến hết nửa đầu tháng 11, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam đạt 11,29 tỷ USD, nâng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam đạt 228,74 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2012.

Về xuất khẩu

Nửa đầu tháng 11, tổng kim ngạch xuất khẩu Việt Nam đạt 5,74 tỷ USD, từ đó tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tính hết nửa đầu tháng 11 đạt 114,37 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2012.

Khu vực FDI tiếp tục là khu vực đóng góp chính vào tăng trưởng xuất khẩu 11 tháng 2013. Riêng nửa đầu tháng 11 năm 2013, kim ngạch xuất khẩu của khu vực này đạt 3,76 tỷ USD, chiếm 61,6% tổng kim ngạch xuất khẩu. Giá trị này tuy có thấp hơn mức xuất khẩu kỳ 2 tháng 10 nhưng vẫn giúp tổng kim ngạch xuất khẩu khu vực này tăng 28,5% so với cùng kỳ năm trước.

Khu vực trong nước vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Điều này được thể hiện rõ rệt qua kim ngạch xuất khẩu của các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như gạo và dầu thô. Tính đến hết tháng 11 năm 2013, tổng kim ngạch xuất khẩu dầu thô Việt Nam đạt 6,16 triệu USD, giảm 15,1% so với cùng kỳ năm trước trong khi kim ngạch xuất khẩu gạo chỉ đạt 2,66 triệu USD, giảm 18,1% so với cùng kỳ năm trước. 

Tuy nhiên, khu vực xuất khẩu  trong nước vẫn có những tín hiệu khả quan nhờ những phát triển của ngành dệt may. Kim ngạch xuất khẩu ngành đã tăng 25,2% so với cùng kỳ năm trước đóng góp lớn thứ 2 trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn còn nhiều bất ổn như hiện nay, kết quả trên đã cho thấy những cố gắng vượt bậc của ngành dệt may nói chung và của các doanh nghiệp nói riêng.

Về nhập khẩu

Nửa đầu tháng 11, tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam đạt mức 5,55 tỷ USD, giảm 17% so với nửa cuối tháng 10 nhưng nâng tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt nam từ đầu năm lên mức 114,37  tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước. 

FDI vẫn là khu vực nhập khẩu chính của nền kinh tế, trong đó sản phẩm nhập khẩu chủ yếu là các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của khu vực này. Trị giá nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI trong kỳ này đạt gần 3,2 tỷ USD, nâng tổng kim ngạch nhập khẩu của nhóm các doanh nghiệp này từ đầu năm đến hết ngày 15/11/2013 lên 65,1 tỷ USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 57,3% tổng trị giá nhập khẩu của Việt Nam.

Tuy nhiên, trong nửa tháng 11 hiện nay, kim ngạch nhập khẩu của khu vực này đang sụt giảm, cụ thể Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 248 triệu USD; điện thoại các loại và linh kiện giảm 135 triệu USD; xăng dầu các loại giảm 86 triệu USD.

Nhập khẩu  trong nước vẫn tiếp tục khó khăn nhưng đang có dấu hiệu phục hồi rõ nét hơn. Giá trị nhập khẩu của máy móc, thiết bị và phụ tùng đã có mức cải thiện đáng kể, đạt mức 16,05 triệu USD, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm trước.

Cán cân thương mại

Cán cân thương mại hàng hóa của Việt nam trong kỳ 1 tháng 11 thặng dự 196 triệu USD, và cán cân thương mại Việt Nam tính hết tháng 11 thâm hụt ở mức khá cân bằng chỉ 4 triệu USD.

Đầu tư

Thông thường, về cuối năm, số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có xu hướng gia tăng, tháng 10 năm 2013 cũng không nằm ngoài quy luật này với 4,23 tỷ USD, nâng tổng vốn FDI 10 tháng đầu năm 2013 vào VN lên 19,22 tỉ USD (vượt xa so với mục tiêu đề ra của cả năm là 14 tỉ USD), tăng 65,5% so với cùng kỳ năm 2012. Trong đó, vốn đăng ký mới đạt 13,1 tỉ USD, vốn đăng ký tăng thêm 6,1 tỉ USD. Tuy nhiên, vốn giải ngân FDI chưa có sự đột biến chỉ đạt khoảng 9,6 tỉ USD, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Vốn đầu tư FDI trong 10 tháng năm 2013 vẫn tập trung như công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng vốn đăng ký đạt 14,9 tỷ USD (chiếm 77,6% tổng số vốn FDI). Đáng chú ý, ngành sản xuất, phân phối điện khí, nước điều hòa chỉ với 3 dự án cấp mới và 3 dự án lượt dự án tăng vốn đã vươn lên vị trí thứ 2 với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 2,03 tỷ USD (chiếm 10,6% tổng số vốn FDI); các ngành còn lại đạt 2,3 tỷ USD (chiếm 11,8% tổng số vốn FDI).

Về vấn đề thu hút, sử dụng và quản lý hiệu quả dòng vốn FDI, ngày 29/8/2013 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 103/NQ-CP đã nêu lên những nội dung và những giải pháp cụ thể để thu hút, sử dụng và quản lý hiệu quả dòng vốn đầu tư nước ngoài trong thời gian tới, trong đó tập trung xử lý vào 60 đề án, giao các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện với thời hạn phải hoàn thành năm 2014 và có trên 50% đề án phải hoàn thành trong quý IV/2013.

Vì vậy, trong hơn 1 tháng sau đây, cần tổ chức thực hiện ráo riết, quyết liệt, bài bản hoàn thành đúng thời hạn Nghị quyết 103 nhằm thể hiện quyết tâm đổi mới của Chính phủ, nhanh chóng nâng cao hiệu quả thu hút FDI, nâng cao sức cạnh tranh của môi trường đầu tư Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho FDI phù hợp với thông lệ quốc tế.