Xây dựng, đầu tư phát triển 9 tháng năm 2015

Theo gso.gov.vn

Hoạt động xây dựng và đầu tư từ đầu năm có nhiều cải thiện và đạt kết quả khá. Một số yếu tố chủ yếu tác động thúc đẩy tăng trưởng hoạt động này trong những tháng qua: Công tác xúc tiến đầu tư được tăng cường; giá xăng, dầu giảm nên giá thành nguyên, vật liệu xây dựng ổn định tạo thuận lợi cho các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án; chính sách tài chính, tiền tệ tiếp tục phát huy tác dụng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn, mở rộng và phát triển sản xuất kinh doanh. Những thuận lợi đó góp phần thúc đẩy việc thu hút và giải ngân vốn đầu tư, tác động đến tăng trưởng toàn nền kinh tế.

Hoạt động xây dựng

Giá trị sản xuất xây dựng 9 tháng theo giá hiện hành ước tính đạt 660,9 nghìn tỷ đồng, bao gồm: Khu vực Nhà nước đạt 58 nghìn tỷ đồng, chiếm 8,8%; khu vực ngoài Nhà nước 561,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 84,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài 41,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 6,3%. Trong tổng giá trị sản xuất, giá trị sản xuất xây dựng công trình nhà ở đạt 266,5 nghìn tỷ đồng; công trình nhà không để ở đạt 106,5 nghìn tỷ đồng; công trình kỹ thuật dân dụng đạt 214,8 nghìn tỷ đồng; hoạt động xây dựng chuyên dụng đạt 73,1 nghìn tỷ đồng.

Giá trị sản xuất xây dựng 9 tháng theo giá so sánh 2010 ước tính đạt 524,4 nghìn tỷđồng, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2014, bao gồm: Khu vực Nhà nước đạt 47,2 nghìn tỷđồng, tăng 3,7%; khu vực ngoài Nhà nước đạt 444,1 nghìn tỷđồng, tăng 10,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 33,1 nghìn tỷđồng, tăng 7%. Trong tổng giá trị sản xuất, giá trị sản xuất xây dựng công trình nhà ở đạt 209,8 nghìn tỷ đồng, tăng 11,3%; công trình nhà không để ở đạt 84,8 nghìn tỷ đồng, giảm 4,5%; công trình kỹ thuật dân dụng đạt 170,6 nghìn tỷ đồng, tăng 21%; hoạt động xây dựng chuyên dụng đạt 59,2 nghìn tỷ đồng, giảm 3,9%.

Đầu tư phát triển

Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện 9 tháng năm 2015 theo giá hiện hành ước tính đạt 909,5 nghìn tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước và bằng 31,9% GDP, bao gồm: Vốn khu vực Nhà nước đạt 355,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 39,1% tổng vốn và tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước; vốn khu vực ngoài Nhà nước đạt 345,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 37,9% và tăng 8,8%; vốn khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 209 nghìn tỷ đồng, chiếm 23% và tăng 10,1%.

Trong vốn đầu tư của khu vực Nhà nước, vốn từ ngân sách Nhà nước thực hiện 9 tháng ước tính đạt 153,1 nghìn tỷđồng, bằng 72,7% kế hoạch năm và tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2014, gồm có:

- Vốn trung ương quản lýđạt 30,5 nghìn tỷ đồng, bằng 74,9% kế hoạch năm và tăng 0,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vốn đầu tư thực hiện của Bộ Giao thông Vận tải là 5057 tỷ đồng, bằng 73,6% và tăng 9,4%; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 2195 tỷ đồng, bằng 76,8% và giảm 5,1%; Bộ Xây dựng 1269 tỷ đồng, bằng 81,9% và giảm 4,2%; Bộ Y tế 1210 tỷ đồng, bằng 76,5% và tăng 61,2%; Bộ Giáo dục và Đào tạo 589 tỷ đồng, bằng 69,2% và tăng 22,7%; Bộ Tài nguyên và Môi trường 487 tỷ đồng, bằng 70,9% và giảm 3,1%; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch 391 tỷ đồng, bằng 66,7% và tăng 6%; Bộ Công Thương 289 tỷ đồng, bằng 67,1% và tăng 12,9%; Bộ Khoa học và Công nghệ 235 tỷ đồng, bằng 79,5% và tăng 14,1%; Bộ Thông tin và Truyền thông 147 tỷ đồng, bằng 81,5% và giảm 7,8%.

- Vốn địa phương quản lý đạt 122,6 nghìn tỷ đồng, bằng 72,2% kế hoạch năm và tăng 5,2% so với cùng kỳ năm 2014, trong đó: Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh đạt 84,5 nghìn tỷ đồng, bằng 69,1% và tăng 6,2%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện đạt 30,9 nghìn tỷ đồng, bằng 77,3% và tăng 3,8%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã đạt gần 7,2 nghìn tỷ đồng, bằng 96,8% và giảm 0,6%. Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước của một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương như sau: Hà Nội đạt 16043 tỷ đồng, bằng 79,6% kế hoạch năm và giảm 5,2% so với cùng kỳ năm trước; thành phố Hồ Chí Minh 12073 tỷ đồng, bằng 62,6% và tăng 4,8%; Nghệ An 3640 tỷ đồng, bằng 76,3% và tăng 5,4%; Bình Dương 3603 tỷ đồng, bằng 72,6% và tăng 23,1%; Vĩnh Phúc 3378 tỷ đồng, bằng 64,5% và tăng 19,5%; Quảng Ninh 3241 tỷ đồng, bằng 45,6% và tăng 27,8%.

Đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến thời điểm 20/9/2015 thu hút 1432 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 11,04 tỷ USD, tăng 24,3% về số dự án và tăng 44,5% về số vốn so với cùng kỳ năm 2014. Đồng thời có 461 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký tăng vốn với số vốn tăng thêm đạt 6118,7 triệu USD. Như vậy tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới và vốn cấp bổ sung đạt 17,16 tỷ USD, tăng 53,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong 9 tháng năm nay có một số dự án quy mô lớn được cấp phép: Dự án Nhà máy điện Duyên Hải 2 tại Trà Vinh với số vốn đăng ký mới đạt 2,4 tỷ USD; Dự án Công ty Samsung Display Việt Nam tại Bắc Ninh với số vốn tăng thêm 3 tỷ USD. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 9 tháng năm nay ước tính đạt 9,7 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2014.

Trong 9 tháng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký đạt 11369,5 triệu USD, chiếm 66,3% tổng vốn đăng ký; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 2619,2 triệu USD, chiếm 15,3%; ngành kinh doanh bất động sản đạt 1810,2 triệu USD, chiếm 10,5%; các ngành còn lại đạt 1358 triệu USD, chiếm 7,9%.

Cả nước có 47 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép mới trong 9 tháng, trong đó Trà Vinh có số vốn đăng ký lớn nhất với 2526,8 triệu USD, chiếm 22,9% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là thành phố Hồ Chí Minh 2192,9 triệu USD, chiếm 19,9%; Đồng Nai 1298,3 triệu USD, chiếm 11,8%; Bình Dương 810,6 triệu USD, chiếm 7,3%; Hà Nội 514,2 triệu USD, chiếm 4,7%; Tây Ninh 422,8 triệu USD, chiếm 3,8%; Hải Phòng 309,2 triệu USD, chiếm 2,8%; Vĩnh Phúc 271,4 triệu USD, chiếm 2,5%.

Trong số 56 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư cấp mới tại Việt Nam trong 9 tháng, Ma-lai-xi-a là nhà đầu tư lớn nhất với 2426,6 triệu USD, chiếm 22% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Hàn Quốc 1975,7 triệu USD, chiếm 17,9%; Vương quốc Anh 1267,6 triệu USD, chiếm 11,5%; Đài Loan 757,6 triệu USD, chiếm 6,9%; Quần đảo Virgin thuộc Anh 660,9 triệu USD, chiếm 6%; Thổ Nhĩ Kỳ 660,3 triệu USD, chiếm 6%; Đặc khu Hành chính Hồng Công (TQ) 596,4 triệu USD, chiếm 5,4%; Nhật Bản 554,2 triệu USD, chiếm 5%; Xin-ga-po 368,6 triệu USD, chiếm 3,3%.