Xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa tháng 3/2016

Theo customs.gov.vn

1. Đánh giá chung

Theo số liệu thống kê sơ bộ phổ biến ngày 14/04/2016 của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước trong tháng 3/2016 đạt 29,61 tỷ USD, tăng 45,2% so với tháng trước (do tháng trước có số ngày nghỉ lễ nhiều). Trong đó, tổng trị giá xuất khẩu là 15,12 tỷ USD, tăng 49,7% và tổng trị giá nhập khẩu là 14,49 tỷ USD, tăng 40,8% so với tháng 2/2016. Xét về số tuyệt đối, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước tăng 9,22 tỷ USD so với tháng trước, trong đó xuất khẩu tăng hơn 5 tỷ USD và nhập khẩu tăng 4,2 tỷ USD.

Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong tháng 3 thặng dư gần 624 triệu USD, qua đó nâng mức thặng dư thương mại trong quí I năm 2016 đạt 1,36 tỷ USD.

Trong 3 tháng đầu năm 2016, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam sơ bộ đạt 76,17 tỷ USD, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2015, trong đó trị giá xuất khẩu là 38,77 tỷ USD, tăng 6,6% và trị giá nhập khẩu là 37,4 tỷ USD, giảm 4%.

Biểu đồ 1: Kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóatrong quí I giai đoạn 2010-2016

Xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa tháng 3/2016 - Ảnh 1

Nguồn: Tổng cục hải quan

2. Xuất nhập khẩu theo loại hình doanh nghiệp

Khu vực các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trong 3 tháng/2016 là 49,77 tỷ USD, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 65,3% trong tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước. Trong khi đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của khối các doanh nghiệp trong nước đạt 26,4 tỷ USD, giảm 2,8% và chỉ chiếm 34,7%.

Biểu đồ 1: 10 nhóm hàng xuất khẩu, nhập khẩu lớn nhấtQuí I/2016 so với Quí I/2015 của các doanh nghiệp FDI

Xuất khẩu

Xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa tháng 3/2016 - Ảnh 2

Nhập khẩu

Xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa tháng 3/2016 - Ảnh 3

Nguồn: Tổng cục Hải quan

Xuất khẩu hàng hóa của khối các doanh nghiệp trong nước suy giảm 2,2% trong quý I/2016, trong khi khối các doanh nghiệp FDI tăng 10,8%.

Trong 3 tháng/2016, tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của khối các doanh nghiệp trong nước là 11,49 tỷ USD. Mặc dù xuất khẩu hàng nông sản tăng nhưng không bù đắp đủ phần giảm mạnh của nhóm hàng dầu thô, giảm tới 446 triệu USD. Do đó, trị giá xuất khẩu của khối này giảm 2,2%, tương ứng giảm 260 triệu USD.

Trị giá xuất k​hẩu của khối các doanh nghiệp FDI trong 3 tháng/2016 đạt gần 27,28 tỷ USD, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm trước, tương đương tăng 2,65 tỷ USD về số tuyệt đối (riêng xuất khẩu nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện đã tăng hơn 1,6 tỷ USD).

Nhập khẩu hàng hóa trong quý I/2016 của khối doanh nghiệp FDI và khối doanh nghiệp trong nước đều giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước.

Trị giá nhập khẩu của khối doanh nghiệp FDI trong quý I/2016 là 22,49 tỷ USD, giảm 4,5% tương ứng giảm 1,06 tỷ USD. Riêng nhập khẩu nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ và phụ tùng giảm tới 1,44 tỷ USD. Tuy nhiên, khối doanh nghiệp này cũng tăng nhập khẩu ở một số nhóm hàng như: máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện tăng 699 triệu USD; kim loại thường khác tăng 218 triệu USD.

Trị giá nhập khẩu hàng hóa của khối các doanh nghiệp trong nước trong 3 tháng/2016 là 14,92 tỷ USD, giảm 3,3% (tương ứng giảm 512 triệu USD). Trong đó, giảm ở 2 nhóm hàng phương tiện vận tải & phụ tùng và xăng dầu các loại với mức giảm lần lượt là 434 triệu USD và 420 triệu USD

3. Thị trường xuất nhập khẩu hàng hóa

Trong quý đầu của năm 2016, tổng trị giá trao đổi hàng hóa của Việt Nam với châu Mỹ đạt 13,35 tỷ USD, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2015. Đây là châu lục đạt mức tăng trưởng cao nhất trong quý I năm nay.

Xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam với châu Á và tiếp tục chiếm tỷ trọng cao nhất (64,7%) trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước, nhưng trị giá xuất nhập khẩu trong quý I/2016 với thị trường này lại giảm 1,8% so với quý I/2015, đạt trị giá là 49,26 tỷ USD.

Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với các châu lục khác lần lượt là: Châu Âu: 11,17 tỷ USD, tăng 4,6%; châu Đại Dương: 1,39 tỷ USD, tăng 0,2% và châu Phi: 1,02 tỷ USD, giảm 6,3% so với cùng kỳ năm 2015.

Bảng 1: Kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu theo châu lục, khối nướcvà một số thị trường lớn quí I/2016

Khu vực/thị trường

Xuất khẩu

Nhập khẩu

Kim ngạch
(triệu USD)

So với quý I/2015
(%)

Kim ngạch
(triệu USD)

So với quý I/2015
(%)

Châu Á

18.575

1,8

30.685

-3,9

ASEAN

4.011

-13,0

5.391

-5,9

Trung Quốc

4.197

19,2

10.663

-5,9

Hàn Quốc

2.444

35,5

6.846

4,1

Nhật Bản

3.248

-0,1

3.162

-12,1

Châu Âu

8.432

9,5

2.733

-8,1

EU

7.616

11,3

2.241

-14,2

Châu Đại dương

716

-9,6

671

13,3

Châu Mỹ

10.320

16,0

3.027

-4,3

Hoa Kỳ

8.338

17,3

1.740

-4,1

Châu Phi

726

-2,6

289

-14,5

Tổng cả nước

38.769

6,6

37.405

-4,0

Nguồn: Tổng cục Hải quan

4. Các nhóm mặt hàng xuất khẩu chính

4.1. Điện thoại các loại & linh kiện: Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng điện thoại các loại & linh kiện trong tháng 3/2016 đạt 3,57 tỷ USD, tăng 46,2% so với tháng trước, qua đó nâng tổng trị giá xuất khẩu nhóm hàng này trong 3 tháng/2016 lên 8,27 tỷ USD, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2015.

Những đối tác chính nhập khẩu điện thoại các loại & linh kiện của Việt Nam trong 3 tháng qua là Tiểu Vương Quốc Arập thống nhất: 1,12 tỷ USD, tăng 17,3%; Hoa Kỳ: 1,09 tỷ USD, tăng 107%; Hàn Quốc: 540 triệu USD, tăng gấp hơn 3 lần; Đức: 450 triệu USD, tăng 4,7%...

4.2. Hàng dệt may: Trong quý I/2016, xuất khẩu nhóm hàng này của Việt Nam đạt 5,12 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, xuất khẩu của doanh nghiệp có vốn hoàn toàn trong nước đạt hơn 2 tỷ USD, tăng 6,4%; xuất khẩu của doanh nghiệp FDI đạt 3,08 tỷ USD, tăng 6,7%.

Trong 3 tháng qua, hàng dệt may của Việt Nam xuất sang thị trường Hoa Kỳ đạt 2,53 tỷ USD, tăng 7,4%; sang EU đạt 692 triệu USD, tăng 7,3%; sang Nhật Bản đạt 640 triệu USD, tăng 1,1% và sang Hàn Quốc đạt 531 triệu USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2015.

4.3. Máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện: Trong tháng 3/2016, xuất khẩu nhóm hàng máy vi tính sản phẩm điện & linh kiện đạt 1,42 tỷ USD, tăng 36,3% so với tháng trước. Qua đó, nâng tổng trị giá xuất khẩu nhóm hàng này trong quý I/2016 lên 3,73 tỷ USD, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2015.

Trong 3 tháng qua, EU là đối tác lớn nhất nhập khẩu nhóm hàng này của Việt Nam. Cụ thể, xuất sang EU đạt 921 triệu USD, tăng 21%; xuất sang Trung Quốc đạt 612 triệu USD, tăng 10,6%; xuất sang Hàn Quốc đạt 275 triệu USD, gấp 2 lần; xuất sang Nhật Bản đạt 133 triệu USD, tăng 15,2%. Trong khi đó, xuất sang Hoa Kỳ 585 triệu USD, giảm 8,2%; xuất sang Hồng Kông 357 triệu USD, 14%.

Tính chung, trị giá máy vi tính sản phẩm điện tử & linh kiện xuất khẩu sang 4 thị trường này đạt 2,88 tỷ USD, chiếm 77% tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước.

4.4. Giày dép các loại: Trong tháng 3 xuất khẩu giày dép các loại đạt hơn 918 triệu USD tăng 43,1% so với tháng trước, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu trong quý I/2016 của nhóm hàng này đạt mức 2,79 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2015.

Trong đó, thị trường Hoa Kỳ và EU là 2 thị trường chính nhập khẩu nhóm hàng này của Việt Nam với kim ngạch và tốc độ tăng lần lượt là 946 triệu USD (tăng 11,6%) và 899 triệu USD (tăng 8,6%). Tính chung trị giá giầy dép xuất khẩu sang 2 thị trường chính đạt 1,84 tỷ USD, chiếm 66% tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước.

4.5. Máy móc, thiết bị, dụng cụ & phụ tùng: Trong tháng 3/2016, xuất khẩu đạt hơn 824 triệu USD, tăng 47,1% so với tháng trước, qua đó nâng tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này trong quí I/2016 đạt 2,11 tỷ USD và tăng 16% so với cùng kỳ năm 2015.

Trong 3 tháng/2016, xuất khẩu nhóm hàng này sang Hoa Kỳ đạt hơn 474 triệu USD, tăng 43,6%; sang Nhật Bản đạt gần 350 triệu USD, tăng 4,3%; sang Trung Quốc đạt hơn 198 triệu USD, tăng 47,2% so với 3 tháng/2015.

4.7. Hàng thủy sản: Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tháng 3/2016 đạt 534 triệu USD, tăng 62,6% so với tháng trước, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này trong quý I/2016 lên 1,41 tỷ USD, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước.

Trong quý I/2016, các thị trường chính nhập khẩu hàng thủy sản của Việt Nam là Hoa Kỳ đạt 295 triệu USD, tăng 15,3%; EU đạt 245 triệu USD, giảm 0,2%; Nhật Bản đạt 195 triệu USD, tăng 3,1%; Trung Quốc đạt 123 triệu USD, tăng 36,4%; Hàn Quốc đạt 112 triệu USD, giảm 3,1% so với quý I/2015.

Xuất khẩu thủy sản quý I/2016 tăng cao ở thị trường Hoa Kỳ, Nhật Bản và Trung Quốc, trong khi đó suy giảm nhẹ ở thị trường Liên minh châu Âu (EU 27), Hàn Quốc.

4.8. Gỗ & sản phẩm gỗ: Xuất khẩu trong tháng đạt 583 triệu USD, tăng 79,2% so với tháng 2/2016, nâng kim ngạch xuất khẩu trong 3 tháng đầu năm của mặt hàng này đạt mức 1,52 tỷ USD, tăng nhẹ 0,4% so với cùng kỳ năm 2015.

Trong 3 tháng/2016, nhóm hàng gỗ & sản phẩm gỗ xuất sang Hoa Kỳ đạt hơn 596 triệu USD, tăng 8,9%; sang Nhật Bản đạt 241 triệu USD tăng 6%; sang Trung Quốc đạt 170 triệu USD giảm 22,7% so với cùng kỳ năm 2015.

4.9. Cà phê: Lượng cà phê xuất khẩu trong tháng 3/2016 là hơn 181 nghìn tấn, trị giá đạt 303,6 triệu USD, tăng 52,3% về lượng và 52,1% về trị giá so với tháng 2/2016, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này trong quí I/2016 lên 477,6 nghìn tấn, tăng 29,9% và trị giá đạt 810,6 triệu USD tăng 6,1% so với 3 tháng/2015.

Trong quí đầu tiên của năm 2016, xuất khẩu cà phê sang EU đạt 222,6 nghìn tấn, tăng 12,4%; sang Hoa Kỳ đạt 63,2 nghìn tấn, tăng 47,4%; sang Nhật Bản là 24 nghìn tấn, tăng 29,3% so với cùng kỳ năm 2015.

4.10. Gạo: Lượng gạo xuất khẩu của cả nước tháng 3/2016 đạt hơn 589 nghìn tấn với trị giá đạt 263,5 triệu USD, tăng 24,1% về lượng và 31,5% về trị giá so với tháng 2/2016. Với kết quả đạt được trong tháng 2 đã đưa kim ngạch xuất khẩu gạo trong 3 tháng/2016 đạt 1,55 triệu tấn, với trị giá đạt hơn 680 triệu USD, tăng tương ứng 38,1% về lượng và 38,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2015.

Xuất khẩu gạo của Việt Nam trong quí I/2016 chủ yếu sang Trung Quốc với 474,4 nghìn tấn tăng 42,2% so với mức xuất khẩu cùng kỳ năm 2015; sang Inđônêxia với 350,7 nghìn tấn; sang Philippin với 190,7 nghìn tấn…

4.11. Túi xách, ví, va li, mũ và ô dù: Trong tháng 3 xuất khẩu mặt hàng này đạt 279 triệu USD, tăng 54,1% so với tháng 2/2016, đưa kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này trong 3 tháng đầu năm 2016 đạt hơn 736 triệu USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2015.

Hoa Kỳ vẫn là đối tác chính nhập khẩu túi xách, ví, vali mũ và ô dù của Việt Nam trong quí I/2016 với 290 triệu USD, tăng 8,3% so với 3 tháng/2015; tiếp theo là EU với trị giá gần 192 triệu USD, tăng 12,2%...

4.12. Dầu thô: Lượng xuất khẩu trong tháng là 666 nghìn tấn, tăng 4%, trị giá là 203 triệu USD, tăng 21,9% so với tháng trước. Tính đến hết tháng 3/2016, lượng dầu thô xuất khẩu của cả nước đạt 1,82 triệu tấn, giảm 17,4% và kim ngạch đạt 498 triệu USD, giảm 47,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung xuất khẩu dầu thô giảm 446 triệu USD, trong đó do giá giảm là 282 triệu USD và lượng giảm là 164 triệu USD.

Lượng dầu thô xuất khẩu sang Trung Quốc Quí I tăng cao đột biến, với 1,2 triệu tấn, đạt 323 triệu USD, tăng tới 253% về lượng và 130,5% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả này, Trung Quốc trở thành thị trường lớn nhất nhập khẩu dầu thô của Việt Nam trong quý I/2016.

5. Các nhóm mặt hàng nhập khẩu chính

5.1. Máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện: Trị giá nhập khẩu nhóm hàng này trong tháng là 2,46 tỷ USD, tăng 28,4% so với tháng trước. Tính đến hết quý I/2016, cả nước nhập khẩu 6,35 tỷ USD; trong đó nhập khẩu của khu vực FDI là 5,89 tỷ USD, tăng 13,5% và nhập khẩu của khu vực doanh nghiệp trong nước là gần 463 triệu USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước.

Hàn Quốc tiếp tục là đối tác lớn nhất cung cấp nhóm hàng này cho Việt Nam với trị giá nhập khẩu là gần 2,1 tỷ USD, tăng 42,2%; tiếp theo là các thị trường: Trung Quốc: 1,23 tỷ USD, tăng 3,9%; Đài Loan: 715 triệu USD, tăng 33,5%; Nhật Bản: 566 triệu USD, tăng 4%... so với cùng kỳ năm 2015.

5.2. Máy móc, thiết bị, dụng cụ & phụ tùng: Trị giá nhập khẩu nhóm hàng này trong tháng 3 là gần 2,3 tỷ USD, tăng 46,4% so với tháng trước, nâng trị giá nhập khẩu trong quý I/2016 lên 5,97 tỷ USD, giảm 13,9% so với cùng kỳ năm trước; trong đó khối các doanh nghiệp FDI nhập khẩu 3,29 tỷ USD, giảm 30,5% và khối các doanh nghiệp trong nước nhập khẩu 2,68 tỷ USD, tăng 21,7%.

Trung Quốc tiếp tục là thị trường lớn nhất cung cấp nhóm hàng này cho Việt Nam trong quý I/2016 với trị giá là 1,9 tỷ USD, giảm 12,9%; tiếp theo là các thị trường: Hàn Quốc: 1,14 tỷ USD, giảm 22,4%; Nhật Bản: 915 triệu USD, giảm 32%; Đài Loan: 321 triệu USD, giảm 5,7%…

5.3. Nhóm hàng nguyên, phụ liệu dệt may, da, giày (gồm bông, xơ, sợi dệt, vải các loại và nguyên phụ liệu dệt may, da giày khác): trong tháng nhập khẩu nhóm hàng này đạt 1,59 tỷ USD, tăng 56% so với tháng trước. Hết tháng 3/2016, kim ngạch nhập khẩu của nhóm hàng nguyên phụ liệu dệt, may, gia dày đạt hơn 4 tỷ USD, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2015.

Trong 3 tháng đầu năm 2016, Trung Quốc vẫn là đối tác chính cung cấp nhóm mặt hàng cho Việt Nam với 1,62 tỷ USD, tăng 6,9%; tiếp theo là các thị trường Hàn Quốc: 595 triệu USD, giảm 0,7%; Đài Loan: 521 triệu USD, giảm 2,9%...so với quí I/2015.

5.4. Điện thoại các loại và linh kiện: Nhập khẩu nhóm hàng này trong tháng 3 đạt 884,7 triệu USD, tăng 15,8% so với tháng trước, nâng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này trong quí I/2016 đạt 2,4 tỷ USD, giảm 7,4% so với tháng 3 tháng/2015.

Trung Quốc tiếp tục là thị trường dẫn đầu cung cấp điện thoại các loại & linh kiện cho Việt Nam trong 3 tháng/2016 với trị giá nhập khẩu là 1,5 tỷ USD giảm 20,7%, tiếp theo là Hàn Quốc với 771 triệu USD, tăng 39,9% so với cùng kỳ năm 2015. Tính chung kim ngạch nhập khẩu nhóm mặt hàng này từ 2 thị trường trên chiếm 94,8% nhập khẩu nhóm mặt hàng này từ tất cả các thị trường.

5.5. Sắt thép các loại: Lượng nhập khẩu trong tháng 3 đạt 1,94 triệu tấn với trị giá đạt gần 697 triệu USD, tăng 43,4% về lượng và 47,1% về trị giá so với tháng tháng trước. Trong 3 tháng đầu năm 2016, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này của cả nước đạt 4,72 triệu tấn, tăng 64,5% so với cùng kỳ năm 2015.

Sắt thép các loại nhập khẩu vào Việt Nam trong quí I/2016 từ Trung Quốc là 2,9 triệu tấn, tăng 70,5%, từ Nhật Bản là 743,3 nghìn tấn, tăng 50,8% và từ Hàn Quốc là 429 nghìn tấn, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2015…

5.6. Chất dẻo nguyên liệu: Lượng chất dẻo nguyên liệu nhập khẩu về trong tháng là 392 nghìn tấn với trị giá là 513 triệu USD, tăng 63,7% về lượng và tăng 59,9% về trị giá so với tháng trước. Tính đến hết quý I/2016, tổng lượng chất dẻo nguyên liệu nhập khẩu của cả nước lên đến 968 nghìn tấn với trị giá gần 1,29 tỷ USD.

Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất là thị trường lớn nhất cung cấp nhóm hàng này cho Việt Nam trong quý I/2016 với 201 nghìn tấn, tăng 7,9%; tiếp theo là các thị trường: Hàn Quốc: 168 nghìn tấn, giảm 9,2%; Đài Loan: 135 nghìn tấn, tăng 8,3%…

5.7. Xăng dầu các loại: Lượng nhập khẩu trong tháng 3 là gần 1,15 triệu tấn, trị giá là 406 triệu USD, tăng 22,9% về lượng và tăng 38,1% về trị giá so với tháng trước.

Tính đến hết quý I/2016, tổng lượng xăng dầu nhập khẩu của cả nước là hơn 2,8 triệu tấn. Đơn giá nhập khẩu bình quân giảm tới 39,5% so với cùng kỳ năm trước nên trị giá nhập khẩu là 935 triệu USD.

Trong quý I/2016, Việt Nam nhập khẩu xăng dầu chủ yếu từ các thị trường: Singapo: 1,39 triệu tấn, tăng 30,4%; Malaisia: 451 nghìn tấn, gấp 3,4 lần; Trung Quốc: 306 nghìn tấn, giảm 31,1%; Thái Lan: 274 nghìn tấn, tăng 6,2%… so với cùng kỳ năm trước.

5.8. Kim loại thường khác: Trong tháng 3/2016, lượng nhập khẩu mặt hàng này đạt gần 170 nghìn tấn với trị giá đạt hơn 418 triệu USD, tăng 56,8% về lượng và 50,4% về trị giá so với tháng trước đó. Tính đến hết tháng 3, cả nước nhập khẩu 431,5 nghìn tấn mặt hàng này, tăng 81,9% so với cùng kỳ năm 2015.

Nhập khẩu kim loại thường trong 3 tháng đầu năm từ Trung Quốc là hơn 184 nghìn tấn tăng gấp 3,7 lần so với 3 tháng/2015, nhập khẩu từ Hàn Quốc là 82,3 nghìn tấn, tăng 20,1% và từ Ốt-xtrây-lia là hơn 47 nghìn tấn, tăng 92%,…

5.9. Sản phẩm từ chất dẻo: Trong tháng sản phẩm từ chất dẻo nhập khẩu ở mức 390,5 triệu USD, tăng 41,1% so với tháng trước, đưa kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này của cả nước trong 3 tháng/2016 đạt 983,6 triệu USD, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước.

Việt Nam nhập khẩu mặt hàng sản phẩm từ chất dẻo từ Trung Quốc trong 3 tháng đầu năm 2016 là 315,5 triệu USD, tăng 34,2% so với cùng kỳ năm 2015; Hàn Quốc là hơn 311 triệu USD, tăng 13,3%; Nhật Bản là hơn 142 triệu USD, giảm 4,7%...

5.10. Ô tô nguyên chiếc: Lượng xe ô tô nguyên chiếc nhập khẩu trong tháng 3 là hơn 8,5 nghìn chiếc, trị giá 208 triệu USD, tăng 50,8% về lượng và tăng 46,9% về trị giá so với ….

Diễn biến ngược lại so với quý I/2015, lượng nhập khẩu ô tô nguyên chiếc trong quý I/2016 là hơn 19,7 nghìn chiếc, giảm 21,2% với trị giá nhập khẩu là 486 triệu USD, giảm 16,8%. Lượng nhập khẩu giảm diễn ra ở hầu hết các loại xe, trừ ô tô tải. Cụ thể: lượng nhập khẩu ô tô tải là 9,86 nghìn chiếc, tăng 16%; ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống là gần 6,9 nghìn chiếc, giảm 37,6%; ô tô loại khác: hơn 3 nghìn chiếc, giảm 45,6%.

Trong quý I/2016, Thái Lan vượt qua Hàn Quốc trở thành thị trường dẫn đầu cung cấp ô tô cho Việt Nam với hơn 7,8 nghìn chiếc, tăng 64,5%; tiếp theo là Hàn Quốc: 3,56 nghìn chiếc, giảm 41%; Trung Quốc: 2,26 nghìn chiếc, giảm 58%...

TỔNG QUAN SỐ LIỆU THỐNG KÊ HẢI QUAN

VỀ XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU HÀNG HOÁ THÁNG 3 NĂM 2016

Stt

Chỉ tiêu

Số sơ bộ

(A)

(B)

(C)

I

Xuất khẩu hàng hoá (XK)

1

I.1

Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá tháng 3/2016 (Triệu USD)

15.117

2

I.2

Tăng/giảm kim ngạch xuất khẩu của tháng 3/2016 so với tháng 2/2016 (%)

49,7

3

I.3

Tăng/giảm kim ngạch xuất khẩu của tháng 3/2016 so với tháng 3/2015 (%)

13

4

I.4

Tổng kim ngạch xuất khẩu 3 tháng/2016 (Triệu USD)

38.769

5

I.5

Tăng/giảm kim ngạch xuất khẩu 3 tháng/2016 so với cùng kỳ năm 2015 (%)

6,6

II

Nhập khẩu hàng hoá (NK)

6

II.1

Tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hoá tháng 3/2016 (Triệu USD)

14.493

7

II.2

Tăng/giảm kim ngạch nhập khẩu của tháng 3/2016 so với tháng 2/2016 (%)

40,8

8

II.3

Tăng/giảm kim ngạch nhập khẩu của tháng 3/2016 so với tháng 3/2015 (%)

-0,6

9

II.4

Tổng kim ngạch nhập khẩu 3 tháng/2016 (Triệu USD)

37.405

10

II.5

Tăng/giảm kim ngạch nhập khẩu 3 tháng/2016 so với cùng kỳ năm 2015 (%)

-4,0

III

Tổng kim ngạch XNK hàng hoá (XK+NK)

11

III.1

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá tháng 3/2016 (Triệu USD)

29.610

12

III.2

Tăng/giảm kim ngạch xuất nhập khẩu của tháng 3/2016 so với tháng 2/2016 (%)

45,2

13

III.3

Tăng/giảm kim ngạch xuất nhập khẩu của tháng 3/2016 so với tháng 3/2015 (%)

28,3

14

III.4

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 3 tháng/2016 (Triệu USD)

76.174

15

III.5

Tăng/giảm kim ngạch xuất nhập khẩu 3 tháng/2016 so với cùng kỳ năm 2015 (%)

1,1

IV

Cán cân Thương mại hàng hoá (XK-NK)

16

IV.1

Cán cân thương mại tháng 3/2016 (Triệu USD)

624

17

IV.2

Cán cân thương mại 3 tháng/2016 (Triệu USD)

1.364