Xuất, nhập khẩu hàng hóa 7 tháng đầu năm 2018

Theo gso.gov.vn

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu thực hiện tháng 6/2018 đạt 19.845 triệu USD, cao hơn 245 triệu USD so với số ước tính, trong đó hàng dệt may cao hơn 245 triệu USD; điện thoại và linh kiện cao hơn 120 triệu USD; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng cao hơn 58 triệu USD; sắt thép cao hơn 45 triệu USD; xăng dầu cao hơn 27 triệu USD; thủy sản cao hơn 14 triệu USD; điện tử, máy tính và linh kiện thấp hơn 13 triệu USD; rau quả và hạt điều cùng thấp hơn 24 triệu USD; phương tiện vận tải và phụ tùng thấp hơn 37 triệu USD; gạo thấp hơn 59 triệu USD; giày dép thấp hơn 95 triệu USD.

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 7/2018 ước tính đạt 19,50 tỷ USD, giảm 1,7% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 5,85 tỷ USD, giảm 2,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 13,65 tỷ USD, giảm 1,2%.

Một số mặt hàng xuất khẩu trong tháng Bảy có kim ngạch giảm: Điện tử máy tính và linh kiện giảm 7,5%; sắt thép giảm 8,7%; hóa chất giảm 9,2%; xăng dầu giảm 14,4%; gạo giảm 18,1%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng giảm 19%. 

Một số mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch tăng: Than đá tăng 59,4%; dầu thô tăng 40,9%; hàng dệt may tăng 5,6%; điện thoại và linh kiện tăng 5,4%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng Bảy tăng 10,2%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 10%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 10,3%.

Một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ năm trước: Hàng dệt may tăng 18,3%; điện thoại và linh kiện tăng 14%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 10,2%.

Tính chung 7 tháng năm 2018, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 133,69 tỷ USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 39,03 tỷ USD, tăng 18,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 94,66 tỷ USD (chiếm 70,8% tổng kim ngạch xuất khẩu), tăng 14%.

Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm trước: Điện thoại và linh kiện đạt 26,1 tỷ USD, tăng 15,8%; hàng dệt may đạt 16,5 tỷ USD, tăng 16,2%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 15,7 tỷ USD, tăng 14,8%; giày dép đạt 9,1 tỷ USD, tăng 8,9%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 9 tỷ USD, tăng 27,1%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 4,8 tỷ USD, tăng 13,4%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 4,6 tỷ USD, tăng 15,2%.

Bên cạnh đó, một số mặt hàng nông sản, thủy sản cũng tăng khá: Thủy sản đạt 4,7 tỷ USD, tăng 8,1%; rau quả đạt 2,3 tỷ USD, tăng 14,6%; gạo đạt 2 tỷ USD, tăng 31,5% (lượng tăng 14,2%); hạt điều đạt 2 tỷ USD, tăng 6,5% (lượng tăng 9,4%).

Một số mặt hàng nông sản tuy có lượng xuất khẩu tăng nhưng kim ngạch vẫn tiếp tục giảm so với cùng kỳ năm trước do giá xuất khẩu bình quân giảm: Cà phê đạt 2,2 tỷ USD, giảm 4,5% (lượng tăng 12,2%); cao su đạt 1 tỷ USD, giảm 9,7% (lượng tăng 11,3%); hạt tiêu đạt 520 triệu USD, giảm 35,7% (lượng tăng 4,5%).

Dầu thô tính chung 7 tháng tiếp tục giảm mạnh về cả lượng và kim ngạch xuất khẩu so với cùng kỳ năm trước: Kim ngạch xuất khẩu dầu thô đạt 1,3 tỷ USD, giảm 25,3% (lượng giảm 46,4%).

Về thị trường hàng hóa xuất khẩu 7 tháng, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 25,5 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó điện thoại và linh kiện tăng 18,4%; hàng dệt may tăng 11,5%.

Tiếp đến là EU đạt 24,2 tỷ USD, tăng 12,9%, trong đó điện tử, máy tính và linh kiện tăng 20,1%; điện thoại và linh kiện tăng 19,8%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 18,8%.

Trung Quốc đạt 19,5 tỷ USD, tăng 24,7%, trong đó điện thoại và linh kiện tăng 193,6%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 26,7%; rau quả tăng 10,8%. Thị trường ASEAN đạt 14,2 tỷ USD, tăng 16,2%, trong đó gạo tăng 199,2%; sắt thép tăng 51,9%; hàng dệt may tăng 34,6%.

Nhật Bản đạt 10,4 tỷ USD, tăng 10,2%, trong đó hàng dệt may tăng 22,8%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 3,4%. Hàn Quốc đạt 10,2 tỷ USD, tăng 31,9%, trong đó điện tử, máy tính và linh kiện tăng 59,2%; điện thoại và linh kiện tăng 28%; hàng dệt may tăng 21,8%.

Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu thực hiện tháng 6/2018 đạt 19.046 triệu USD, thấp hơn 654 triệu USD so với số ước tính, trong đó rau quả thấp hơn 21 triệu USD; sợi dệt thấp hơn 28 triệu USD; hóa chất thấp hơn 33 triệu USD; chất dẻo thấp hơn 35 triệu USD; kim loại thường thấp hơn 40 triệu USD; sản phẩm chất dẻo thấp hơn 45 triệu USD; sắt thép thấp hơn 77 triệu USD; nguyên phụ liệu dệt may, giày dép thấp hơn 88 triệu USD; vải thấp hơn 162 triệu USD; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng thấp hơn 197 triệu USD; ô tô cao hơn 102 triệu USD; điện tử, máy tính và linh kiện cao hơn 66 triệu USD; điện thoại và linh kiện cao hơn 26 triệu USD.

Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng Bảy ước tính đạt 19,8 tỷ USD, tăng 4% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 8,2 tỷ USD, tăng 1,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 11,6 tỷ USD, tăng 5,9%.

Kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng tăng so với tháng trước: Kim loại thường tăng 67,3%; rau quả tăng 33,9%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 7%; sắt thép tăng 7%; hóa chất tăng 5,4%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 4,2%.

So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu tháng 7/2018 tăng 13,5%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 12,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 14,4%.

Kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng tăng so với cùng kỳ năm trước: Kim loại thường tăng 89,2%; sắt thép tăng 50,1%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 9,1%.

Tính chung 7 tháng, kim ngạch hàng hoá nhập khẩu ước tính đạt 130,63 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 54,16 tỷ USD, tăng 12,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 76,47 tỷ USD, tăng 8,5%.

Kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng tăng so với cùng kỳ năm trước: Điện tử, máy tính và linh kiện đạt 23,1 tỷ USD, tăng 13,5%; vải đạt 7,4 tỷ USD, tăng 14,9%; sắt thép đạt 5,9 tỷ USD, tăng 11,6%; xăng dầu đạt 5,4 tỷ USD, tăng 36,4%; chất dẻo đạt 5,1 tỷ USD, tăng 18,8%; kim loại thường đạt 4,3 tỷ USD, tăng 26,4%; nguyên phụ liệu dệt, may, giày dép đạt 3,3 tỷ USD, tăng 3,7%; hóa chất đạt 2,9 tỷ USD, tăng 27,1%.

Về thị trường hàng hóa nhập khẩu 7 tháng, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 35,8 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn tăng: Xăng dầu tăng 101,4%; vải tăng 18,8%; điện thoại và linh kiện tăng 6,6%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 5,1%; sắt thép tăng 11,8% (lượng giảm 12,4%).

Tiếp theo là thị trường Hàn Quốc với kim ngạch nhập khẩu đạt 26,5 tỷ USD, tăng 0,2%, trong đó sắt thép tăng 24,8%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 17,9%; điện thoại và linh kiện giảm 15,9%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng giảm 37%.

ASEAN đạt 18,1 tỷ USD, tăng 13,5%, trong đó xăng dầu tăng 23,3%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 17,4%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 14,4%. Nhật Bản đạt 10,4 tỷ USD, tăng 12,8%, trong đó điện tử, máy tính và linh kiện tăng 27,2%; sắt thép tăng 19,6%; vải tăng 18,1%.

EU đạt 7,5 tỷ USD, tăng 9,8%, trong đó vải tăng 27,1%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 16,2%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 7,6%. Hoa Kỳ đạt 7 tỷ USD, tăng 25,7%, trong đó thức ăn gia súc tăng 109,1%; bông tăng 21,5%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 8,2%.

Cán cân thương mại hàng hóa thực hiện tháng Sáu xuất siêu 799 triệu USD. Tháng Bảy ước tính nhập siêu 300 triệu USD. Tính chung 7 tháng cán cân thương mại hàng hóa vẫn duy trì xuất siêu với 3,1 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 15,1 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 18,2 tỷ USD.

Điều chú ý là tình hình chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc ngày càng căng thẳng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa của nước ta trong thời gian tới. Do đó, Việt Nam cần theo dõi sát tình hình và chủ động có giải pháp ứng phó để hạn chế tác động bất lợi.