Xuất, nhập khẩu hàng hóa 7 tháng năm 2015

Theo gso.gov.vn

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu thực hiện tháng 6/2015 đạt 14,3 tỷ USD, cao hơn 25 triệu USD so với số ước tính. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng Bảy ước tính đạt 14,5 tỷ USD, tăng 1,2% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 4,5 tỷ USD, tăng 4,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 10 tỷ USD, giảm 0,1%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng Bảy tăng 10,8%, trong đó khu vực kinh tế trong nước giảm 0,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 16,5%.

Tính chung 7 tháng, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 92,3 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2014, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 27,6 tỷ USD, giảm 1,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 64,7 tỷ USD, tăng 15,1%. Một số mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Điện thoại các loại và linh kiện đạt 17,1 tỷ USD, tăng 28,2%; hàng dệt may đạt 12,6 tỷ USD, tăng 9,9%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 8,7 tỷ USD, tăng 57,8%; giày dép đạt 7,1 tỷ USD, tăng 22,3%; máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng đạt 4,5 tỷ USD, tăng 10,3%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 3,8 tỷ USD, tăng 10,4%; túi xách, vali, mũ, ô dù đạt 1,7 tỷ USD, tăng 16,6%; hạt điều đạt 1,4 tỷ USD, tăng 28,2%; sắn và sản phẩm của sắn đạt 937 triệu USD, tăng 38,5%.

Một số mặt hàng xuất khẩu giảm cả về lượng và kim ngạch so với cùng kỳ năm trước: Cà phê giảm 33,2% về lượng và giảm 33% về kim ngạch; gạo giảm 3,5% và giảm 8,7%; than đá giảm 73,1% và giảm 60,6%; dầu thô giảm 0,3% và giảm 47,1%; xăng dầu giảm 4,8% và giảm 40,2%; sắt thép giảm 9,3% và giảm 15,7%. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 3,6 tỷ USD, giảm 15% so với cùng kỳ năm trước; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 3,1 tỷ USD, giảm 9,9%.

Về thị trường hàng hóa xuất khẩu trong 7 tháng, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước tính đạt 18,9 tỷ USD, tăng 19,1% so với cùng kỳ năm 2014; tiếp đến là EU đạt 17,8 tỷ USD, tăng 13,2%; ASEAN đạt 10,7 tỷ USD, giảm 2,4%; Trung Quốc đạt 9,3 tỷ USD, tăng 8,3%; Nhật Bản đạt 7,9 tỷ USD, giảm 6,5%; Hàn Quốc đạt 4,3 tỷ USD tăng 17,5%.

Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu thực hiện tháng 6/2015 đạt 14,5 tỷ USD, thấp hơn 535 triệu USD so với số ước tính, trong đó hàng điện tử máy tính và linh kiện thấp hơn 202 triệu USD; vải thấp hơn 182 triệu USD; chất dẻo thấp hơn 56 triệu USD; thức ăn gia súc và nguyên phụ liệu thấp hơn 40 triệu USD.

Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng Bảy ước tính đạt 14,8 tỷ USD, tăng 2,3% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 6,3 tỷ USD, tăng 1,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 8,5 tỷ USD, tăng 2,7%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu trong tháng tăng 14,8%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 9,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 19,4%.

Kim ngạch hàng hoá nhập khẩu 7 tháng ước tính đạt 95,6 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 39 tỷ USD, tăng 7,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 56,6 tỷ USD, tăng 23,1%. Một số mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu 7 tháng tăng mạnh: Ô tô đạt 3,4 tỷ USD, tăng 87,9% (ô tô nguyên chiếc tăng 154,4%); máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 16,6 tỷ USD, tăng 35,1%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 13,1 tỷ USD, tăng 34,5%; điện thoại các loại và linh kiện đạt 6,1 tỷ USD, tăng 35%; sản phẩm chất dẻo đạt 2,1 tỷ USD, tăng 23%; sắt thép đạt 4,7 tỷ USD, tăng 15,1%.

Về thị trường hàng hóa nhập khẩu 7 tháng, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước tính đạt 28,8 tỷ USD, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là Hàn Quốc 16,2 tỷ USD, tăng 31,7%; ASEAN 14,1 tỷ USD, tăng 5,3%; Nhật Bản 8,5 tỷ USD, tăng 23,9%; EU 5,3 tỷ USD, tăng 6,6%; Hoa Kỳ 4,4 tỷ USD, tăng 20%.

Nhập siêu tháng 7/2015 ước tính 300 triệu USD. Nhập siêu 7 tháng năm nay ước tính 3,4 tỷ USD[3], tương đương 3,7% kim ngạch hàng hóa xuất khẩu, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 11,4 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu 8 tỷ USD.