Bảo hiểm tiền gửi thúc đẩy sự phát triển ổn định và bền vững của hoạt động ngân hàng

PH-BHTG

Trong quá trình hội nhập và phát triển, với mục tiêu củng cố niềm tin và bảo vệ lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần bảo đảm sự phát triển ổn định, an toàn và lành mạnh hệ thống ngân hàng, Bảo hiểm Tiền gửi (BHTG) Việt Nam đã chính thức được thành lập vào năm 1999. Sau 21 năm hoạt động, BHTG Việt Nam đã khẳng định được vai trò quan trọng đối với nền kinh tế nói chung và các tổ chức tham gia BHTG, người gửi tiền nói riêng.

Sự xuất hiện của BHTG phản ánh tính trách nhiệm xã hội của hoạt động ngân hàng.
Sự xuất hiện của BHTG phản ánh tính trách nhiệm xã hội của hoạt động ngân hàng.

Việc một ngân hàng bị đổ vỡ và vai trò của BHTG trong xử lý đổ vỡ là vấn đề lớn đối với mọi nền kinh tế và dành được sự quan tâm sâu sắc của các Chính phủ, các tổ chức BHTG trên thế giới.

Hoạt động ngân hàng đảm bảo duy trì tính ổn định, an toàn, còn trách nhiệm xã hội đòi hỏi xử lý rủi ro phát sinh từ hoạt động ngân hàng một cách có trách nhiệm và hiện thực; tính minh bạch đối với khách hàng và đối tác có liên quan về quản trị và dịch vụ cung ứng, luôn đảm trách nhiệm vụ cốt lõi là “xương sống” của nền kinh tế.

Sự xuất hiện của BHTG phản ánh tính trách nhiệm xã hội của hoạt động ngân hàng, được cụ thể hóa bằng mức độ trách nhiệm trực tiếp đối với người gửi tiền và gián tiếp đối với sự phát triển ổn định và bền vững của hoạt động ngân hàng. Các nội dung cơ bản của chính sách BHTG cho phép ngân hàng thực hiện trách nhiệm với người gửi tiền - đối tượng tin tưởng trao tài chính của mình cho ngân hàng kinh doanh.

Điều kiện tham gia BHTG, loại tiền gửi được bảo hiểm, phí bảo hiểm, hạn mức chi trả bảo hiểm tiền gửi, quy trình, thủ tục chi trả, hoạt động giám sát, kiểm tra của tổ chức BHTG, phổ cập chính sách BHTG, và tổ chức BHTG tham gia giải quyết khó khăn cho ngân hàng huy động tiền gửi là những nội dung cốt lõi của chính sách BHTG. Mức độ thực hiện các nội dung này phản ánh mức độ đáp ứng tiêu chí đạo đức và trách nhiệm xã hội của hoạt động ngân hàng, xét trên góc độ người gửi tiền.

Tham gia BHTG là điều kiện bắt buộc đối với tất cả các ngân hàng có huy động tiền gửi. Quy định này loại bỏ rủi ro chọn nhầm đối tượng trong tham gia BHTG. Thông thường, ngân hàng hoạt động an toàn, lợi nhuận ổn định sẽ có khuynh hướng không muốn tham gia BHTG để giảm chi phí.

Ngược lại, ngân hàng hoạt động với độ rủi ro cao hơn, uy tín trên thị trường đang trong quá trình củng cố và xây dựng, mong muốn tham gia BHTG để cải thiện hình ảnh, tăng cường niềm tin từ cộng đồng, tăng khả năng huy động tiền gửi. Với quy định bắt buộc các ngân hàng có huy động tiền gửi phải tham gia BHTG, hai loại ngân hàng này đều bình đẳng về trách nhiệm tham gia BHTG.

Trong thời gian qua, BHTG Việt Nam luôn đồng hành cùng với hoạt động của hệ thống các TCTD từ khi các tổ chức này được cấp phép hoạt động đến khâu chi trả và xử lý tài sản của TCTD bị đóng cửa. BHTG Việt Nam cũng đã triển khai đầy đủ các hoạt động BHTG theo quy định của Nghị định 89, 109 và Luật BHTG có hiệu lực từ năm 2013, dần khẳng định vị thế và vai trò trong việc nâng cao niềm tin công chúng, góp phần vào sự phát triển an toàn của hệ thống ngân hàng, ngày càng trở thành công cụ hữu hiệu của NHNN trong việc đảm bảo an toàn hệ thống.

Tính đến thời điểm hiện tại, BHTG Việt Nam đang bảo vệ cho hơn 5 triệu tỷ đồng tiền gửi của người gửi tiền tại 1.282 tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi trên cả nước. Tiến hành giám sát thường xuyên, liên tục và thực hiện các cuộc kiểm tra định kỳ đối với các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, trong đó tập trung theo dõi đối với các quỹ tín dụng nhân dân yếu kém, đặc biệt là các quỹ tín dụng nhân dân được Ngân hàng Nhà nước đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt.

Tham gia trực tiếp hoặc phối hợp với NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố trong việc xây dựng phương án xử lý các QTDND yếu kém, đồng thời đề xuất kiến nghị với NHNN một số nội dung theo thẩm quyền nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền trong quá trình xử lý pháp nhân các QTDND.

Thời gian qua, BHTG Việt Nam đã có những đóng góp tích cực trong việc theo dõi, kiểm tra chuyên sâu và đề xuất phương án xử lý đối với các QTDND yếu kém với vai trò và nhiệm vụ mới được giao theo quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD năm 2017 nhằm tham gia sâu hơn vào quá trình tái cơ cấu các TCTD theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước.

BHTG Việt Nam thực hiện tốt công tác quản lý thu phí bảo hiểm tiền gửi, đầu tư nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi đảm bảo an toàn và hiệu quả, góp phần nâng cao năng lực tài chính để đảm nhiệm tốt chức năng nhiệm vụ được giao.

Từ nguồn vốn được cấp ban đầu là 1.000 tỷ đồng, tính đến ngày 31/09/2020, tổng tài sản của BHTG Việt Nam đạt gần 67 nghìn tỷ đồng, Quỹ Dự phòng nghiệp vụ đạt hơn 62 nghìn tỷ đồng từ nguồn vốn tự tích lũy của BHTG Việt Nam, sẵn sàng chi trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền khi cần thiết và tham gia có hiệu quả vào quá trình tái cơ cấu hệ thống các TCTD thông qua hoạt động hỗ trợ tài chính.

Có thể nói, tổ chức BHTG có vai trò quan trọng không chỉ đối với hệ thống ngân hàng mà còn với cả nền kinh tế. Cùng sự đồng hành của tổ chức BHTG, hệ thống ngân hàng – huyết mạch của nền kinh tế sẽ phát triển ngày càng an toàn, bền vững, đồng thời quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền luôn được đảm bảo.

Tính đến thời điểm hiện tại, BHTG Việt Nam đang bảo vệ cho hơn 5 triệu tỷ đồng tiền gửi của người gửi tiền tại 1.282 tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi trên cả nước. Tiến hành giám sát thường xuyên, liên tục và thực hiện các cuộc kiểm tra định kỳ đối với các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, trong đó tập trung theo dõi đối với các quỹ tín dụng nhân dân yếu kém, đặc biệt là các quỹ tín dụng nhân dân được Ngân hàng Nhà nước đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt.