Bảo hiểm Xã hội TP. Hà Nội: Kiên quyết giảm nợ đọng

Theo Bích Thủy/daibieunhandan.vn

Hết quý I, tỷ lệ doanh nghiệp (DN) nợ đọng bảo hiểm xã hội (BHXH) trên địa bàn TP. Hà Nội thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Để đạt được kết quả trên, BHXH TP. Hà Nội đã phối hợp với các ngành có liên quan áp dụng nhiều biện pháp quyết liệt thu nợ cũ và không để nợ mới phát sinh.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tăng cường thanh tra, kiểm tra

Theo Giám đốc BHXH TP. Hà Nội Nguyễn Đức Hòa, để các DN thực hiện đóng BHXH và trả nợ BHXH đúng theo quy định của pháp luật, liên ngành gồm BHXH và Công an; Liên đoàn Lao động; Sở Lao động, Thương binh và Xã hội; Thanh tra; Sở Y tế và Cục Thuế TP. Hà Nội đã ký Quy chế phối hợp số 1460 ngày 21/6/2017, Kế hoạch số 610 ngày 16/3/2018 về bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp các chế độ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) của người lao động trên địa bàn năm 2018.

Thực hiện chương trình phối hợp, BHXH TP. Hà Nội cùng các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tại các đơn vị sử dụng lao động. Năm 2018 đã thực hiện thanh tra, kiểm tra 4.913 cuộc (tăng 2.435 cuộc, tăng 98,2% so với năm 2017), tổng số tiền nợ 1.029 tỷ đồng, thu hồi được 581,5 tỷ đồng (đạt 56,5%), trong đó thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT, BHTN tại 1.092 đơn vị (tăng 752 cuộc, tăng 221,1%), số tiền thu hồi 156/362 tỷ đồng đạt 43,2%; Thanh tra Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, UBND, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, BHXH TP. Hà Nội đã xử phạt vi phạm hành chính 65 đơn vị với tổng số tiền 6,24 tỷ đồng.

BHXH thành phố còn thực hiện gửi trên 115.761 lượt văn bản đôn đốc thu nợ đến các đơn vị nợ BHXH, số tiền các đơn vị đã nộp trên 900 tỷ đồng. Giao kế hoạch giảm nợ BHXH, BHYT, BHTN đến từng cán bộ, viên chức, yêu cầu tăng cường đôn đốc nợ trực tiếp tại đơn vị.

“Một trong những biện pháp nhằm giảm nợ BHXH mà BHXH thành phố đang áp dụng và có thể là “thuốc đặc trị” đối với các DN nợ đọng BHXH kéo dài là công khai danh sách các DN nợ BHXH trên các phương tiện thông tin đại chúng. Cùng với biện pháp trên, sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố, sự phối hợp tích cực, hiệu quả của liên ngành đã kéo số nợ BHXH trên địa bàn TP. Hà Nội xuống thấp nhất trong vòng 10 năm qua, ở mức là 979,2 tỷ đồng.

Giảm tỷ lệ nợ xuống dưới 2%

Theo BHXH Hà Nội, hiện trên địa bàn thành phố đang có nhiều DN thực sự gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, hoạt động cầm chừng, chậm thanh tra quyết toán với chủ đầu tư dẫn đến số tháng nợ BHXH, BHYT, BHTN kéo dài, số tiền nợ lớn. 

Một trong những khó khăn trong quá trình thu BHXH đang gặp phải là nhận thức về trách nhiệm và quyền lợi tham gia BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động của chủ sử dụng lao động còn hạn chế, nhất là khu vực ngoài nhà nước, do vậy chủ sử dụng lao động thường xuyên tìm cách trốn đóng, chậm đóng tiền BHXH, BHYT, BHTN; ý thức chấp hành pháp luật của người lao động còn hạn chế, không dám đấu tranh để đòi hỏi quyền lợi chính đáng của mình với chủ sử dụng lao động, dẫn đến quyền lợi của người lao động không được bảo đảm; một số người lao động còn thỏa thuận với người sử dụng lao động để không đóng BHXH, BHYT.

Trước thực trạng trên, từ nay đến cuối năm 2019, BHXH TP. Hà Nội tiếp tục tập trung đôn đốc thu nợ ngay từ những ngày đầu năm, kiên quyết không để phát sinh tăng nợ; thực hiện giao chỉ tiêu giảm nợ đến từng viên chức quản lý thu, thu nợ. Hàng tháng căn cứ vào kết quả giảm nợ được giao để đánh giá thi đua.