Bảo hiểm y tế hướng tới nâng cao chất lượng, phục vụ toàn dân
Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đang nỗ lực để hướng tới mục tiêu bảo hiểm y tế bao phủ toàn dân, quản lý tốt nguồn Quỹ BHYT, đảm bảo quyền lợi người tham gia và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế đáp ứng sự hài lòng của người bệnh.
Thẻ bảo hiểm y tế - người đồng hành thầm lặng
Anh Nguyễn Văn Tuyên (26 tuổi, huyện Ứng Hoà, TP. Hà Nội) mắc bệnh Hemophilia (tan máu bẩm sinh) và đã điều trị tại Trung tâm Hemophilia - Viện Huyết học và truyền máu Trung ương từ 9 tháng tuổi. Mỗi đợt điều trị đều tốn hàng trăm triệu đồng. Gần đây, bệnh của anh đã chuyển sang thể kháng thuốc nên thời gian từng đợt điều trị sẽ dài thêm và chi phí cũng tăng lên. Đợt điều trị gần nhất trong tháng 6/2019, tổng chi phí hết 1,04 tỷ đồng.
Có thể thấy, chi phí điều trị bệnh của anh Tuyên là rất lớn, đặc biệt nếu cộng dồn trong 26 năm qua. Với điều kiện kinh tế khó khăn, thu nhập chính từ làm ruộng, chăn nuôi và cửa hàng tạp hoá nhỏ của mẹ, nếu không được quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả 100% chi phí điều trị thì anh và gia đình đã bỏ cuộc từ lâu.
Một trường hợp khác là anh Ngô Công Thủy (24 tuổi, huyện Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) mắc căn bệnh bạch cầu mãn tính dòng tủy (một dạng của ung thư máu). Hàng tháng anh Thủy đến khám lấy thuốc theo đơn về uống - một loại thuốc rất đắt tiền. Mỗi viên thuốc Glivec điều trị bệnh này có giá 500.000 đồng, mỗi ngày phải uống 4 viên. Một tháng, anh Thủy phải uống 120 viên với tổng số tiền 60 triệu đồng. Anh Thủy đã điều trị căn bệnh này nhiều năm nay.
Sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học, anh Thủy từng nghĩ không cần tham gia BHYT nhưng may sao, người mẹ lo xa đã dành dụm tiền tham gia BHYT cho cả gia đình. Giờ đây, tấm thẻ BHYT đã trở thành người đồng hành thân thiết, giúp anh có niềm tin để chống chọi với căn bệnh.
Sau thời gian điều trị, sức khoẻ của anh Thủy dần ổn định. Hiện, anh Thủy đã có công việc với mức lương 5 triệu đồng/tháng, số tiền lương chỉ đủ mua 10 viên thuốc. Nhưng nhờ có thẻ BHYT, anh có thể yên tâm chữa bệnh, dành số tiền lương lo toan cuộc sống hàng ngày.
Trên đây chỉ là 2 trong hàng nghìn bệnh nhân đang điều trị ở Viện Huyết học và truyền máu Trung ương được hưởng những lợi ích từ tấm thẻ BHYT. Bác sỹ Nguyễn Thị Mai, Giám đốc Trung tâm điều trị Hemophilia cho biết: “Trung tâm hiện đang điều trị cho hơn 1.000 bệnh nhân. Điều trị hemophilia dài ngày và chi phí tốn kém, trung bình khoảng 400 - 500 triệu đồng/năm/bệnh nhân. Nếu bệnh nhân nặng, ở thể kháng thuốc có thể lên tới cả tỷ đồng và người bệnh phải điều trị cả cuộc đời. Đây là số tiền không hề nhỏ ngay cả với cả những người giàu, nhưng nếu tham gia BHYT, người bệnh sẽ được chi trả từ 80 - 100% chi phí điều trị”.
TS. Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học và truyền máu Trung ương khẳng định, BHYT có vai trò vô cùng quan trọng, nhất là với những bệnh nhân không may mắc phải bệnh hiểm nghèo. Hiện nay, các cơ sở y tế ngày càng áp dụng những phác đồ điều trị, máy móc tiên tiến, hiện đại; chất lượng khám chữa bệnh tăng lên đồng nghĩa với chi phí cũng cao hơn. Do đó, nếu không có BHYT, người bệnh rất khó đủ điều kiện tiếp cận, thụ hưởng.
Với bệnh nhân ở Viện Huyết học và truyền máu Trung ương, nếu không có thẻ BHYT, hầu hết người bệnh khó có thể điều trị được một, hai đợt hóa chất và sử dụng các dịch vụ, loại thuốc đắt tiền.
Nghiên cứu tăng hỗ trợ với một số đối tượng
Mặc dù thẻ BHYT có vai trò quan trọng đối với người dân, nhất là bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo nhưng vẫn còn 10 triệu người dân Việt Nam chưa tham gia BHYT. Thống kê của BHXH Việt Nam cho biết, tính đến hết tháng 5/2019, toàn quốc có 84,5 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 89% dân số, vượt 0,9% so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1167/QĐ-TTg và 9% so với chỉ tiêu tại Nghị quyết số 21-NQ/TW.
Dự kiến đến cuối năm 2019, Việt Nam sẽ đạt tỷ lệ 90% dân số tham gia BHYT. Hiện tại, dù đang vượt mục tiêu về bao phủ BHYT tại Nghị quyết số 21-NQ/TW, nhưng vẫn còn 11% dân số với khoảng 10 triệu người chưa tham gia BHYT.
Theo Phó tổng giám đốc BHXH Phạm Lương Sơn, nguyên nhân chưa tham gia BHYT ở mỗi nhóm đối tượng có sự khác biệt nhất định, nhưng tổng thể chung vẫn liên quan đến vấn đề chi phí. Từ kết quả khảo sát thực tiễn, đối tượng cận nghèo ở nước ta vẫn còn tâm lý trông chờ, mong được ưu đãi, hỗ trợ nhiều hơn; thậm chí muốn được xét là đối tượng nghèo để cấp miễn phí thẻ BHYT. Một hộ cận nghèo có 4 - 5 khẩu mà cùng tham gia BHYT thì tổng số tiền phải đóng là khá lớn so với thu nhập của gia đình họ.
Theo thống kê, sinh viên thường tham gia BHYT đầy đủ ở năm học đầu tiên và giảm dần ở các năm học tiếp sau. Chỉ riêng TP. Hà Nội và TP.HCM đã có khoảng 300.000 sinh viên chưa tham gia BHYT. Nguyên nhân do điều kiện kinh tế của sinh viên thường khó khăn hơn khi phải tự trang trải cuộc sống, học hành và tâm lý tuổi trẻ, chưa nghĩ đến bảo vệ sức khỏe bản thân...
Đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình thời gian qua tăng nhanh nhưng chưa tương xứng với tiềm năng. Nhiều người chỉ lựa chọn tham gia BHYT khi ốm đau, bệnh nặng. Mặt khác, tại một số địa phương chưa có sự quan tâm thỏa đáng của các cấp, các ngành với việc phát triển đối tượng tham gia BHYT...
Để đạt được kết quả như mong muốn, cần có những giải pháp quyết liệt và đồng bộ từ tất cả các bên, từ cơ quan hoạch định chính sách, cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan tổ chức thực hiện đến các cơ sở khám, chữa bệnh và người tham gia BHYT.
“Thời gian tới, BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai nhiều nhóm giải pháp gồm: Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT; đổi mới hình thức và nội dung tuyên truyền gần gũi, phù hợp với từng nhóm đối tượng theo địa lý, trình độ, văn hóa, kinh tế xã hội”, ông Phạm Lương Sơn cho biết.
Cũng theo ông Phạm Lương Sơn, để tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia, BHXH Việt Nam tiếp tục triển khai nhiều ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động của BHXH Việt Nam; đơn giản hóa các thủ tục hành chính; mở rộng hệ thống đại lý thu để người dân tham gia BHYT thêm thuận lợi. Đồng thời đề xuất, nghiên cứu tăng hỗ trợ mức đóng BHYT đối với một số nhóm đối tượng đặc biệt.
Để đảm bảo hoạt động của quỹ BHYT, BHXH Việt Nam sẽ tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thu đóng BHYT đối với các doanh nghiệp để ngăn ngừa tình trạng trốn đóng, nợ đóng BHYT, ảnh hưởng đến quyền lợi khám chữa bệnh BHYT của người lao động. Tăng cường công tác giám định BHYT; bảo vệ quyền lợi của người bệnh; ngăn ngừa và phòng chống các hành vi lạm dụng, trục lợi BHYT; đảm bảo nguồn quỹ BHYT được sử dụng an toàn, hiệu quả.
Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế và các bộ, ngành có liên quan xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện chính sách BHYT; đặc biệt là công tác khám chữa bệnh nhằm mang lại sự hài lòng cho người cho bệnh.