BHXH Việt Nam hướng dẫn hồ sơ giải quyết chế độ bệnh nghề nghiệp khi đã về hưu

My An

Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam vừa ban hành công văn hướng dẫn một số điểm mới về quy trình thực hiện giải quyết chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo Nghị định số 88/2020/NĐ-CP.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo đó, trong thời gian chờ sửa đổi, bổ sung quy trình giải quyết hưởng các chế độ BHXH, chi trả các chế độ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp ban hành kèm theo Quyết định 166/QĐ-BHXH cho phù hợp với Nghị định số 88/2020/NĐ-CP, BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tạm thời thực hiện theo các nội dung hướng dẫn cụ thể như sau:

Trường hợp người lao động phát hiện bị bệnh nghề nghiệp khi đã nghỉ hưu hoặc không còn làm việc trong các nghề, công việc có nguy cơ bị bệnh nghề nghiệp, hồ sơ gồm: Đơn đề nghị hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp của người lao động đối với người lao động đã nghỉ hưu hoặc thôi việc hoặc văn bản của người sử dụng lao động nơi người lao động đang làm việc đề nghị giải quyết chế độ bệnh nghề nghiệp đối với người lao động chuyển đến làm việc cho người sử dụng lao động khác; Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa;

Trường hợp thanh toán phí giám định y khoa thì có thêm hóa đơn, chứng từ thu phí giám định; bảng kê các nội dung giám định của cơ sở thực hiện giám định y khoa; Chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng theo quy định về việc trang cấp phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình (nếu có).

Về phân cấp giải quyết, chi trả và quản lý người hưởng, BHXH các tỉnh, thành phố thực hiện việc phân cấp giải quyết, chi trả và quản lý người hưởng theo Quyết định số 166/QĐ-BHXH phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.

Về nguyên tắc, khi phân cấp, BHXH tỉnh, thành phố phải quản lý được và phải chịu trách nhiệm đối với việc giải quyết các chế độ BHXH của BHXH cấp huyện.

Đối với BHXH huyện chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ giải quyết các chế độ BHXH thì chưa thực hiện phân cấp. Giám đốc BHXH tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch để đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho viên chức cấp huyện và sắp xếp lại nhân sự để đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ.