Cổ phiếu bảo hiểm có được "bảo hiểm"?

Theo Linh Đan/thoibaokinhdoanh.vn

Bảo hiểm được đánh giá là ngành có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển bởi thu nhập và đời sống của người dân ngày càng tăng, nhưng diễn biến trên thị trường chứng khoán của nhóm ngành này lại khá ảm đạm.

Điểm trừ của nhóm cổ phiếu bảo hiểm là tốc độ tăng trưởng lợi nhuận không theo kịp doanh thu. Nguồn: Internet
Điểm trừ của nhóm cổ phiếu bảo hiểm là tốc độ tăng trưởng lợi nhuận không theo kịp doanh thu. Nguồn: Internet

Theo thống kê của Thời báo Kinh Doanh, hiện đang có 9 doanh nghiệp (DN) ngành bảo hiểm đăng ký niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán (TTCK). Ngoại trừ cổ phiếu BVH của Tập đoàn Bảo Việt thì thanh khoản của những mã còn lại khá thấp.

Lý giải diễn biến này, các công ty chứng khoán (CTCK) nhìn nhận, do hoạt động kinh doanh tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường, các DN bảo hiểm, đặc biệt là bảo hiểm phi nhân thọ lâu nay vẫn theo đuổi chiến lược kinh doanh thận trọng nên không đạt được mức tăng trưởng đột biến, cũng như không duy trì được tốc độ tăng trưởng đều đặn ở mức cao.

Ngược dòng triển vọng

Bảo hiểm là một yếu tố cấu thành quan trọng của nền kinh tế, đóng vai trò dẫn vốn cho các thành phần kinh tế. Tương tự các ngành chứng khoán và ngân hàng, ngành bảo hiểm bảo đảm cho quá trình tái sản xuất và đời sống của xã hội được diễn ra bình thường.

Tuy nhiên, trên TTCK, diễn biến của cổ phiếu ngành này lại đang có xu hướng đi ngược lại với triển vọng.

Vừa qua, các nhà đầu tư không khỏi ngỡ ngàng trước đà giảm sâu của cổ phiếu BVH. Trong 10 phiên giao dịch gần nhất, BVH đã ghi nhận tới 7 phiên giảm giá, trong đó có 2 phiên giảm sàn.

Thị giá của BVH lao dốc từ mức 91.800 đồng/ cp xuống 72.800 đồng/cp, tương đương mức giảm 20,7%. Nguyên nhân được cho là đến từ việc Bảo Việt đưa lượng lớn cổ phiếu ESOP có mức giá 3x vào giao dịch.

Không gây bất ngờ như BVH, nhưng cổ phiếu PVI của CTCP PVI cũng ghi nhận tới 7 phiên giảm giá trong 10 phiên giao dịch gần đây, với tổng mức giảm là 10,5% từ mức giá 41.800 đồng/ cp xuống 37.400 đồng/ cp. Đáng chú ý, trong 10 phiên này, PVI chỉ tăng giá 1 phiên.

Tuy không có diễn biến giảm giá như PVI và BVH, nhưng cổ phiếu VNR của Tổng CTCP Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam (Vinare) lại có thanh khoản không ổn định, khối lượng giao dịch 10 phiên gần nhất chỉ đạt 1.737 đơn vị/phiên.

Các cổ phiếu bảo hiểm khác như PGI của Tổng CTCP Bảo hiểm Petrolimex (Pjico), BIC của Tổng CTCP Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam, PTI của Tổng CTCP Bảo hiểm Bưu điện… cũng có lượng giao dịch khá thấp, không có tính đột phá.

Theo nhận định của một số chuyên gia, việc nhà đầu tư ít quan tâm đến nhóm cổ phiếu bảo hiểm bởi đây là một ngành phải đối mặt với các rủi ro bất thường, khôn lường về thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn, hư hỏng, mất mát tài sản…, dẫn tới trách nhiệm bồi thường của hãng bảo hiểm.

Ngoài ra, sự phức tạp về việc ghi nhận các số liệu trên báo cáo tài chính khiến hoạt động kinh doanh chính khó đánh giá chính xác nên không hấp dẫn được dòng tiền đầu cơ vì sức bật trong ngắn hạn không đột biến.

Chờ làn gió mới

Ngày 28/2 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 242/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Cơ cấu lại TTCK và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025.

Theo đó, đối với ngành bảo hiểm, phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân về tổng tài sản, tổng số tiền đầu tư, tổng dự phòng nghiệp vụ, tổng nguồn vốn chủ sở hữu, tổng doanh thu tăng bình quân 20% đến năm 2020 và 15%/năm từ năm 2021 – 2025; đến năm 2020 có 11% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ và năm 2025 là 15%; doanh thu phí bảo hiểm bình quân GDP đến năm 2020 tối đa 3%, đến năm 2025 là 3,5%…

Việc cơ cấu lại TTCK và thị trường bảo hiểm được thực hiện theo hướng coi trọng phát triển cả về quy mô và chất lượng; phát triển và tăng khả năng cạnh tranh của các tổ chức tham gia thị trường, tạo sự liên thông với thị trường tiền tệ – tín dụng để phát triển cân bằng giữa các cấu phần của thị trường tài chính.

Bên cạnh đó, nhiều CTCK cũng dự báo, trong bối cảnh môi trường lãi suất được nhận định có lợi cho các DN bảo hiểm, lợi nhuận ngành sẽ được cải thiện do hoạt động đầu tư tài chính chiếm tỷ trọng lớn và danh mục đầu tư tập trung vào trái phiếu chính phủ, tiền gửi ngân hàng.

Theo CTCK KIS Việt Nam (KIS), điểm nhấn đầu tư thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư đối với các cổ phiếu ngành bảo hiểm sẽ tập trung ở các sự kiện có ảnh hưởng tới mô hình kinh doanh và cơ cấu nguồn vốn của DN như phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược, thoái vốn nhà nước, hay tiến hành cổ phần hóa, niêm yết.

Mới đây, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2019, ông Uông Đông Hưng, Chủ tịch HĐQT Tổng CTCP Bảo hiểm Quân đội (MIC, mã: MIG), cho biết DN này sẽ tiến hành làm các thủ tục để đưa cổ phiếu từ UPCoM lên sàn niêm yết chính thức HoSE trong quý III/2019.

Ban lãnh đạo công ty kỳ vọng, với việc niêm yết chính thức, cổ phiếu MIG có thể hấp dẫn được nhiều nhà đầu tư hơn, trong đó có các nhà đầu tư ngoại.

Như vậy, xét yếu tố cơ bản và dư địa tăng giá, nhóm cổ phiếu ngành bảo hiểm vẫn cho thấy được tiềm năng tăng trưởng, nhưng để có thể trở thành ý tưởng đầu tư của nhà đầu tư trong việc tái cơ cấu danh mục, lựa chọn cổ phiếu cho thời gian tới thì yếu tố quan trọng vẫn là phải được "bảo hiểm".