Còn nhiều dư địa phát triển bảo hiểm nông nghiệp

Minh Hà

Ông Bùi Gia Anh, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đã khẳng định như vậy khi nói về thị trường bảo hiểm nông nghiệp tại Việt Nam. Nhận định này hoàn toàn có cơ sở khi trong những năm qua, sản xuất nông nghiệp Việt Nam liên tục có những bước phát triển ấn tượng, tạo cơ hội cho bảo hiểm nông nghiệp phát triển...

Kết quả tích cực

Ông Nguyễn Quang Huyền, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) đã được thực hiện thí điểm trong giai đoạn 2011 - 2013 đối với cây trồng (cây lúa), vật nuôi (trâu, bò, gia cầm) và thủy sản (tôm, cá tra) tại 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Sau 3 năm thực hiện, chương trình thí điểm BHNN đã đạt được những kết quả tích cực. Cụ thể, trong giai đoạn triển khai đã có 236.396 hộ nông dân tham gia sản phẩm bảo hiểm cây lúa (gồm: 76,5% hộ nghèo; 16,8% hộ cận nghèo; 6,7% hộ thường); 60.133 hộ nông dân tham gia sản phẩm bảo hiểm vật nuôi (gồm: 84,1% hộ nghèo; 9,8% hộ cận nghèo; 6,1% hộ thường); 7.487 hộ nông dân tham gia bảo hiểm thủy sản (gồm: 27,4% hộ nghèo, 4% hộ cận nghèo, 68,6% hộ thường).

Trong thời gian thực hiện thí điểm BHNN, các doanh nghiệp bảo hiểm đã thực hiện bồi thường bảo hiểm kịp thời cho các hộ khi xảy ra tổn thất, do rủi ro thiên tai, dịch bệnh, góp phần giúp hộ dân ổn định đời sống và có điều kiện tiếp tục sản xuất kinh doanh.

Cụ thể, với sản phẩm bảo hiểm cây lúa, các doanh nghiệp bảo hiểm đã thực hiện bồi thường 17,4 tỷ đồng (tỷ lệ bồi thường 19%); Bảo hiểm vật nuôi có tổng số tiền bồi thường 19,5 tỷ đồng (tỷ lệ bồi thường 23,3%); Bảo hiểm thủy sản có tổng số tiền bồi thường 675,9 tỷ đồng (tỷ lệ bồi thường 309,8%).

Số liệu trên cho thấy, BHNN có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ, ổn định đời sống của người nông dân trong sản xuất nông nghiệp. Đây cũng là một trong những giải pháp giúp giảm gánh nặng hỗ trợ cho ngân sách nhà nước

Khuyến khích phát triển bảo hiểm nông nghiệp

Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, nhằm khuyến khích phát triển BHNN, ngày 18/4/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 58/2018/NĐ-CP về BHNN, tiếp đó, ngày 16/6/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 22/2019/QĐ-TTg về thực hiện chính sách hỗ trợ BHNN.

Cụ thể, theo Nghị định số 58/2018/NĐ-CP, BHNN được thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện thỏa thuận, không giới hạn tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm, đối tượng bảo hiểm, rủi ro được bảo hiểm và phạm vi địa bàn.

Đồng thời, chính sách hỗ trợ BHNN được thực hiện phù hợp với khả năng cân đối ngân sách trong từng thời kỳ, thông qua việc hỗ trợ phí BHNN cho một số tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp, đối tượng bảo hiểm, rủi ro được bảo hiểm và trong phạm vi địa bàn nhất định nhằm thực hiện chính sách an sinh xã hội và thực hiện các chương trình mục tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp của Chính phủ.

Về đối tượng bảo hiểm được hỗ trợ phí BHNN, Quyết định số 22/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, cá nhân sản xuất nông nghiệp thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo sẽ được hỗ trợ 90% phí BHNN; cá nhân sản xuất nông nghiệp khác được hỗ trợ 20% phí BHNN; tổ chức sản xuất nông nghiệp đáp ứng các điều kiện cụ thể về hợp tác, liên kết, quy mô lớn có ứng dụng công nghệ và các quy trình sản xuất tiên tiến hướng tới nền nông nghiệp sạch, công nghệ cao, thân thiện với môi trường được hỗ trợ 20% phí BHNN. 

Để giảm gánh nặng hỗ trợ cho ngân sách nhà nước, chính sách hỗ trợ BHNN sẽ được thực hiện phù hợp với khả năng cân đối ngân sách trong từng thời kỳ, thông qua việc hỗ trợ phí BHNN cho một số tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp, đối tượng bảo hiểm, rủi ro được bảo hiểm và trong phạm vi địa bàn nhất định, nhằm thực hiện chính sách an sinh xã hội và thực hiện các chương trình mục tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp của Chính phủ.

“BHNN còn nhiều dư địa phát triển bởi nền kinh tế Việt Nam trong thời gian qua tiếp tục phát triển ổn định. Trong đó, sản xuất nông nghiệp cũng có những bước phát triển ấn tượng, đây là yếu tố thuận lợi tạo cơ hội cho BHNN phát triển”, ông Bùi Gia Anh nhận định.