Đảm bảo quyền lợi của người lao động khi doanh nghiệp bị phá sản

Lê Hà

Việc đảm bảo quyền lợi cho người lao động trong trường hợp doanh nghiệp phá sản, rút giấy phép kinh doanh hoặc có chủ là người nước ngoài bỏ trốn mà còn nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp vẫn là bài toán khó cần có các giải pháp đồng bộ để giải quyết triêt để tình trạng này…

Không để ảnh hưởng tới quyền lợi của người lao động

Để đảm bảo quyền lợi của người lao động, pháp luật về bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đã cho phép các doanh nghiệp (DN) đang còn hoạt động chậm đóng các loại bảo hiểm, có thể giải quyết quyền lợi cho những người lao động đủ điều kiện hưởng các chế độ bảo hiểm đó hoặc thôi việc, chuyển đơn vị; quy định về ưu tiên giải quyết các khoản tiền chậm đóng các loại bảo hiểm đó khi DN giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động. Tuy nhiên, thực tế không phải là khoản thanh toán được ưu tiên đầu tiên (sau chi phí phá sản, nợ bảo đảm ngân hàng, nợ lương, trợ cấp thôi việc ...).

Nhiều giải pháp đảm bảo quyền lợi cho người lao động đã được thực hiện.
Nhiều giải pháp đảm bảo quyền lợi cho người lao động đã được thực hiện.

Mặt khác, hầu hết các DN giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động, DN có chủ là người nước ngoài bỏ trốn tài sản được thế chấp tại các ngân hàng, khi thanh lý tài sản, sau khi trừ tiền nợ ngân hàng còn rất ít hoặc không còn để nộp tiền chậm đóng các loại bảo hiểm nên ảnh hưởng đến quyền, lợi ích chính đáng của người lao động.

Theo Báo cáo 193/BC-CP của Chính phủ về việc đảm bảo quyền lợi của người lao động theo quy định tại khoản 7 Điều 10 Luật BHXH, tính đến ngày 31/10/2018, số nợ BHXH, BHYT, BHTN phải tính lãi là 6.760 tỷ đồng. Riêng đối với DN đã giải thể, phá sản, rút giấy phép kinh doanh, chủ bỏ trốn, tính đến tháng 9/2018 là 2.270 DN với số BHXH phải tính lãi khoảng 147 tỷ đồng; ảnh hưởng đến quyền lợi của khoảng 17.728 người lao động.

Trước thực trạng trên, nhằm giải quyết một phần khó khăn, đảm bảo quyền lợi của người lao động, Luật BHXH năm 2014 đã sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung tăng tính tuân thủ pháp luật, hạn chế tình trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH. Đồng thời, thực hiện quy định tại khoản 7 Điều 10 Luật BHXH, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã triển khai nhiều biện pháp.

Xác nhận sổ BHXH tại thời điểm đã đóng để đảm bảo quyền lợi của người lao động.
Xác nhận sổ BHXH tại thời điểm đã đóng để đảm bảo quyền lợi của người lao động.

Trong đó, có quy định cho phép các DN đang gặp khó khăn còn chậm đóng tiền BHXH, BHTN được đóng riêng cho từng lao động để kịp thời giải quyết các chế độ BHXH hoặc ghi nhận quá trình đóng BHXH cho người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc để giải quyết chế độ BHTN, tiếp tục tham gia BHXH ở các đơn vị mới.

Tăng tính tuân thủ trong thời gian tham gia BHXH bắt buộc, yêu cầu DN tham gia BHXH đầy đủ cho người lao động; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, công tác thanh tra, kiểm tra về BHXH, tập trung thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm đối với các đơn vị, DN cố tình trốn đóng, nợ BHXH theo Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 02/4/2015 về tăng cường thực hiện chính sách BHXH, BHYT, Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 26/12/2016 về tăng cường thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp phát triển đối tượng tham gia BHXH…

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có nhiều văn bản gửi Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, BHXH Việt Nam và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị đôn đốc, chỉ đạo triển khai nghiêm túc các quy định của Luật BHXH, trong đó, tập trung vào các giải pháp mở rộng diện bao phủ BHXH, tăng cường tính tuân thủ pháp luật, hạn chế tình trạng trốn đóng, chậm đóng BHXH.

Bên cạnh đó, Công đoàn các cấp cũng thực hiện một số giải pháp: Hỗ trợ người lao động có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền 14,107 tỷ đồng; tạm ứng tiền ngân sách Công đoàn đóng tiền BHXH cho người lao động với tổng số tiền số tiền 1.368 tỷ đồng. Người lao động đã được thanh toán 98,879 tỷ đồng tiền nợ lương, BHXH, trợ cấp.

Đặc biệt, các cấp Công đoàn cũng đã làm đơn yêu cầu Tòa án tuyên bố phá sản đối với 8 DN; khởi kiện tranh chấp lao động theo ủy quyền của người lao động và hỗ trợ người lao động làm đơn khởi kiện 1.407 vụ tranh chấp lao động cá nhân; kiến nghị UBND cấp tỉnh, thành phố chỉ đạo BHXH thực hiện chốt sổ BHXH cho người lao động; tổ chức giới thiệu việc làm mới cho người lao động.

Tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, tác động của tình trạng DN phá sản, chủ DN bỏ trốn đến quyền lợi của người lao động là rất nặng nề, trước hết người lao động mất việc làm, DN nợ lương, BHXH. Tình trạng này đang diễn ra rất phức tạp trong thời gian qua và dự báo còn phức tạp hơn trong thời gian tới.

Nhằm giải quyết một phần khó khăn, đảm bảo quyền lợi của người lao động, Luật BHXH năm 2014 đã sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung tăng tính tuân thủ pháp luật, hạn chế tình trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH. Đồng thời, thực hiện quy định tại khoản 7 Điều 10 Luật BHXH, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã triển khai nhiều biện pháp.

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu phát biểu tại Hội thảo “Phòng ngừa và giải quyết quyền lợi của người lao động tại các doanh nghiệp phá sản, có chủ bỏ trốn”.
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu phát biểu tại Hội thảo “Phòng ngừa và giải quyết quyền lợi của người lao động tại các doanh nghiệp phá sản, có chủ bỏ trốn”.

Trong đó, có quy định cho phép các DN đang gặp khó khăn còn chậm đóng tiền BHXH, BHTN được đóng riêng cho từng lao động để kịp thời giải quyết các chế độ BHXH hoặc ghi nhận quá trình đóng BHXH cho người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc để giải quyết chế độ BHTN, tiếp tục tham gia BHXH ở các đơn vị mới.

Để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ, ông Hiểu cho biết, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã kiến nghị với Chính phủ cần bổ sung vào luật những quy định pháp lý để giải quyết tình trạng chủ DN bỏ trốn, nhằm đảm bảo quyền lợi của người lao động.

Ông Young-mo - Chuyên gia về quan hệ lao động của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho rằng, trên thực tế một DN chuẩn bị phá sản luôn có những dấu hiệu báo trước, với việc hoạt động kinh doanh bất bình thường. Tuy nhiên, các giải pháp tại Việt Nam hiện nay mới chỉ tập trung vào giải quyết hậu phá sản là chính, chưa chú ý nhiều đến việc chuẩn bị cho người lao động trước khi quá trình phá sản của DN diễn ra.

“Các quy định của pháp luật về DN phá sản tại Việt Nam vẫn đang bị bỏ ngỏ. Một DN sắp ngừng hoạt động thường có những dấu hiệu không tốt cảnh báo, do đó cần có giải pháp ứng phó ngay tại thời điểm quá trình phá sản chưa diễn ra, nên vai trò của công đoàn trong những giai đoạn này là cực kỳ quan trọng”- chuyên gia ILO nhấn mạnh.