BHXH TP. Hà Nội:

Dấu ấn 25 năm hình thành và phát triển sự nghiệp an sinh xã hội

Thu An

Bằng sự nỗ lực hoạt động với tinh thần không ngại khó, không ngại khổ, không ngừng đổi mới, sáng tạo, trong hành trình 25 năm xây dựng, phát triển, BHXH TP. Hà Nội luôn triển khai hiệu quả nhiệm vụ phát triển đối tượng tham gia; không ngừng cải tiến quy trình, nâng cao chất lượng phục vụ. Những kết quả này là “trái ngọt”an sinh toàn ngành BHXH TP.Hà Nội thu được sau 25 năm bền bỉ vun trồng.

Tạo nền tảng an sinh bền vững

BHXH TP. Hà Nội được thành lập theo Quyết định số 15/QĐ-TCCB ngày 15/6/1995 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam. Đến tháng 1/2003, BHXH TP. Hà Nội tiếp nhận toàn bộ chức năng, nhiệm vụ thực hiện chính sách BHYT. Từ 01/8/2008 đến nay, BHXH TP.Hà Nội được thành lập và điều chỉnh mở rộng theo Nghị quyết số 15/2008/QH12 ngày 29/5/2008 của Quốc hội khóa XII về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội. 

Sau 25 năm hình thành và phát triển, đến nay, toàn Thành phố có hơn 1,7 triệu người tham gia BHXH, chiếm khoảng 37% lực lượng lao động trong độ tuổi (cả nước là hơn 32%), tăng hơn 1,4 triệu người so với năm 1995. Trong đó, số người tham gia BH thất nghiệp đạt hơn 1,6 triệu người, chiếm khoảng 34% lực lượng lao động trong độ tuổi. Việc tham gia BH thất nghiệp giúp người lao động (NLĐ) được thụ hưởng nhiều quyền lợi như trợ cấp thất nghiệp, tư vấn, giới thiệu việc làm hoặc hỗ trợ đào tạo nghề trong thời gian không may bị mất việc làm, để sớm trở lại thị trường lao động.

Chính sách BHXH tự nguyện hướng tới người nông dân, lao động làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức cũng từng bước đi vào đời sống. Đến tháng 5/2020 đã có hơn 37.000 người tham gia BHXH tự nguyện, tăng hơn 34.000 người so với năm 2008. Đặc biệt, đối tượng tham gia BHYT được mở rộng và tăng với tốc độ rất nhanh, nếu như năm 1995 có 552.308 người được cấp thẻ BHYT, bằng 13,9% dân số thì đến 31/12/2019, số người tham gia BHYT tăng lên 6,99 triệu người, mở rộng diện bao phủ BHYT đạt 88,3 % (tăng 6,4 triệu người, tăng 1.266% so với năm 1995). Năm 2020, BHXH Thành phố phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu bao phủ BHYT được giao 90,1%, giúp người dân có điều kiện để chăm sóc sức khỏe, giảm chi phí khám chữa bệnh (KCB). 

Tổng số thu từ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cũng tăng liên tục, từ 116,7 tỷ đồng năm 1995, tăng lên 43.277,8 tỷ đồng vào năm 2019 (tăng trên 43.000 tỷ đồng, tăng 371 lần). Năm 2020, BHXH Thành phố được giao chỉ tiêu số thu BHXH, BHYT, BHTN là 48.379 tỷ đồng, hết tháng 5/2020, tổng số tiền thu BHXH, BHYT, BHTN là 17.735 tỷ đồng, tăng 1.127 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019. Số đơn vị trốn đóng, nợ đóng BHXH, BHYT giảm dần, đến cuối năm 2019, tỷ lệ nợ BHXH phải tính lãi 1,98% so với kế hoạch thu, thấp nhất so với các năm trước đây.

Để thực hiện KCB BHYT cho người dân, BHXH TP. Hà Nội đã ký hợp đồng với 191 cơ sở y tế với 658 điểm kết nối dữ liệu từ tuyến Trung ương đến tuyến y tế cơ sở có đủ điều kiện để tổ chức KCB; đồng thời, tổ chức KCB BHYT ở đa số trạm y tế xã, phường, thị trấn. Đặc biệt, từ năm 2003 đến nay, BHXH TP. Hà Nội đã đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT theo đúng quy định của Điều lệ BHYT và sau này là Luật BHYT. Số lượt người được KCB theo chế độ BHYT tăng nhanh qua từng năm: năm 1995 có 1,6 triệu lượt người KCB BHYT, năm 2019 là 12 triệu lượt người. Chỉ tính riêng số lượt khám KCB BHYT phát sinh trong 5 tháng đầu năm 2020, có tới 3.854.578 lượt KCB BHYT, với tổng chi phí 6,343 tỷ đồng, trong đó có 3.328.038 lượt KCB ngoại trú và 526.540 lượt KCB nội trú.

Qua đó cho thấy, Hà Nội đã có hàng trăm triệu lượt người có thẻ BHYT được bảo đảm quyền lợi khi đi KCB với tổng chi phí do Quỹ BHYT chi trả lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng. Trong đó, hàng nghìn bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo như ung thư, tim mạch, bệnh mạn tính có chi phí điều trị lớn đều đã được cơ quan BHXH thực hiện thanh toán đầy đủ đúng quy định, góp phần quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân...

“Những kết quả trên là “trái ngọt” an sinh toàn ngành BHXH TP. Hà Nội thu được sau 25 năm bền bỉ vun trồng”, ông Nguyễn Đức Hòa - Giám đốc BHXH TP. Hà Nội cho biết.

Đồng bộ các giải pháp thực hiện tốt nhiệm vụ được giao

Để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, thời gian tới, BHXH TP. Hà Nội tập trung triển khai các giải pháp sau:

Một là, chú trọng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trên tất cả các lĩnh vực hoạt động nghiệp vụ, lấy cải cách hành chính làm khâu đột phá, nhằm nâng cao hiệu quả công tác, nâng cao chất lượng phục vụ đối tượng tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT… Các thủ tục liên quan đến việc giải quyết chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp đều được niêm yết công khai tại tất cả các trụ sở của BHXH thành phố, BHXH các quận, huyện, thị xã và các cơ sở KCB BHYT.

Hai là, triển khai là ứng dụng công nghệ thông tin trong giao dịch hồ sơ điện tử để nâng cao chất lượng cải cách thủ tục hành chính, cũng như các hoạt động nghiệp vụ. Đồng thời, chú trọng xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung, kịp thời đưa ra các phân tích, dự báo mang tính chuyên sâu.

Ba là, tiến hành các hoạt động thanh tra, kiểm tra liên ngành việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN của các đơn vị, DN. Thường xuyên cử cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra đi tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ; chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch thanh tra chuyên ngành, nhất là thanh tra đột xuất tại các đơn vị nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN; kiên quyết xử lý đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm, đối với những trường hợp chây ỳ, cố tình không tham gia BHXH, không nộp tiền BHXH cho NLĐ, chuyển hồ sơ sang cơ quan Công an để điều tra, khởi tố theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Sau 25 năm hình thành và phát triển, đến nay, toàn Thành phố có hơn 1,7 triệu người tham gia BHXH, chiếm khoảng 37% lực lượng lao động trong độ tuổi (cả nước là hơn 32%), tăng hơn 1,4 triệu người so với năm 1995. Trong đó, số người tham gia BH thất nghiệp đạt hơn 1,6 triệu người, chiếm khoảng 34% lực lượng lao động trong độ tuổi. Việc tham gia BH thất nghiệp giúp người lao động (NLĐ) được thụ hưởng nhiều quyền lợi như trợ cấp thất nghiệp, tư vấn, giới thiệu việc làm hoặc hỗ trợ đào tạo nghề trong thời gian không may bị mất việc làm, để sớm trở lại thị trường lao động.