Đổi mới phương thức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội

Nhật Nam

Nhằm thích ứng với bối cảnh của đại dịch COVID-19, thời gian qua, ngành Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam đã chủ động đổi mới phương thức thanh tra, kiểm tra với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để thu hồi nợ đọng BHXH, đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

8 tháng năm 2021, toàn ngành BHXH Việt Nam đã thực hiện thanh tra, kiểm tra tại 5.423 đơn vị.
8 tháng năm 2021, toàn ngành BHXH Việt Nam đã thực hiện thanh tra, kiểm tra tại 5.423 đơn vị.

Đã thực hiện thanh tra, kiểm tra tại trên 5.400 đơn vị

Đánh giá về kết quả công tác thanh tra, kiểm tra, ông Trần Đức Long - Vụ trưởng Vụ Thanh tra - Kiểm tra (BHXH Việt Nam) cho biết, đại dịch COVID-19 bùng phát trong thời gian qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thực hiện nhiệm vụ chung của toàn ngành BHXH Việt Nam nói chung và hoạt động thanh tra, kiểm tra nói riêng.

Tuy nhiên, với sự nỗ lực vượt khó của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, ngành BHXH Việt Nam đã đạt được kết quả tích cực trong công tác thanh tra, kiểm tra. Cụ thể, 8 tháng năm 2021, toàn Ngành đã thực hiện thanh tra, kiểm tra tại 5.423 đơn vị, đạt 32,01% kế hoạch.

Trong đó, cơ quan BHXH các cấp đã thực hiện thanh tra chuyên ngành đóng tại 2.036 đơn vị, đạt 35,7% kế hoạch; kiểm tra tại 2.818 đơn vị; thanh tra, kiểm tra liên ngành tại 569 đơn vị, đạt 17,4% kế hoạch.

Cùng với thực hiện thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch, cơ quan BHXH các cấp đã thực hiện 1.165 cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất tại 1.596 đơn vị, trong đó riêng thanh tra chuyên ngành đóng tại 1.214 đơn vị...

Theo BHXH Việt Nam, đến nay, các địa phương thực hiện thanh tra, kiểm tra đạt tỷ lệ trên 60% kế hoạch có thể kể tới như: Bình Thuận, Cao Bằng, Điện Biên, Lào Cai, Ninh Bình, Ninh Thuận, Quảng Ninh, Tây Ninh và Yên Bái.

Tuy nhiên, bên cạnh các tỉnh đạt tỷ lệ cao ở trên, có 9 tỉnh, thành phố có tỷ lệ thực hiện thanh tra, kiểm tra đạt dưới 20% kế hoạch; 15 tỉnh chưa thực hiện kiểm tra đơn vị sử dụng lao động; 25 tỉnh, thành phố chưa thực hiện kiểm tra cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; 30 tỉnh chưa thực hiện phối hợp thanh tra, kiểm tra liên ngành…

Qua thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, bảo hiểm y tế đã phát hiện 7.735 người lao động thuộc đối tượng phải tham gia, nhưng chưa tham gia hoặc đóng thiếu thời gian với số tiền truy thu đóng là 47.322,5 triệu đồng.

Trong thời gian thực hiện thanh tra, kiểm tra, tỷ lệ thu hồi nợ BHXH, bảo hiểm y tế toàn Ngành đạt 44,5% số tiền nợ cho thấy, hiệu quả tích cực khi cơ quan BHXH thực hiện thanh tra chuyên ngành. Đặc biệt, qua công tác thanh tra, kiểm tra, nhiều địa phương đã phát hiện và kiến nghị thu hồi về Quỹ BHXH, bảo hiểm y tế số tiền lớn. Riêng công tác chi trả chế độ BHXH, yêu cầu thu hồi về Quỹ BHXH là 4.725,6 triệu đồng, do thanh toán các chế độ BHXH không đúng quy định.

Về chi trả chế độ bảo hiểm thất nghiệp, cơ quan BHXH các cấp đã yêu cầu thu hồi về Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp với số tiền là 874,6 triệu đồng, do thanh toán, chi trả trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp không đúng quy định.

BHXH các tỉnh, thành phố đã kiểm tra việc thực hiện chính sách bảo hiểm y tế tại 133 cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế và kiến nghị thu hồi về Quỹ Bảo hiểm y tế với số tiền là 25.184 triệu đồng chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế không đúng quy định…

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thanh tra, kiểm tra

Trên cơ sở kết quả đạt được, thời gian tới, BHXH Việt Nam sẽ xem xét, ban hành quyết định điều chỉnh kế hoạch thanh tra, kiểm tra chuyên ngành và thanh tra, kiểm tra liên ngành năm 2021; hướng dẫn BHXH các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện; phối hợp với các đơn vị có liên quan tập trung nghiên cứu nâng cấp, hoàn thiện giai đoạn 2 phần mềm “Quản lý hoạt động thanh tra-kiểm tra 1.0” để xử lý, phân tích cơ sở dữ liệu.

Cùng với đó, BHXH Việt Nam đề nghị BHXH các tỉnh, thành phố tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thanh tra, kiểm tra; phối hợp với các đơn vị công nghệ thông tin, giám định bảo hiểm y tế trong việc cung cấp và khai thác cơ sở dữ liệu trên hệ thống các phần mềm nghiệp vụ, để chủ động rà soát, phân tích phục vụ các đoàn thanh tra, kiểm tra.

BHXH các tỉnh, thành phố đẩy mạnh công tác giám sát hoạt động các đoàn thanh tra, kiểm tra thông qua ghi nhật ký thanh tra, báo cáo những nội dung kết quả đã thực hiện, những phản ánh về vướng mắc để xin ý kiến chỉ đạo kịp thời, qua đó hạn chế những tiêu cực trong thực hiện nhiệm vụ.

BHXH các tỉnh, thành phố cũng cần quan tâm, bảo đảm trang bị cơ sở vật chất và các điều kiện cần thiết khác, để cán bộ làm công tác thanh tra-kiểm tra đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ như: Máy tính xách tay, thiết bị mạng không dây…

Định hướng công tác thanh tra, kiểm tra của ngành BHXH Việt Nam trong thời gian tới, ông Lê Hùng Sơn - Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, các địa phương cần tập trung theo dõi dữ liệu Ngành để phát hiện những đơn vị, cá nhân có dấu hiệu, hành vi trục lợi chính sách BHXH, bảo hiểm y tế để có biện pháp xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

“BHXH Việt Nam sẽ xem xét, phân vùng và giảm số lượng thanh tra, kiểm tra tương ứng căn cứ từng địa phương thực hiện biện pháp giãn cách xã hội. Việc khai thác dữ liệu của Ngành phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm tra, các địa phương cần tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin theo hướng dẫn của BHXH Việt Nam để đưa ra những giải pháp, phương pháp phù hợp với đặc điểm của địa phương mình”, ông Lê Hùng Sơn nhấn mạnh.

8 tháng năm 2021, toàn ngành BHXH Việt Nam đã thực hiện thanh tra, kiểm tra tại 5.423 đơn vị, đạt 32,01% kế hoạch. Trong đó, cơ quan BHXH các cấp đã thực hiện thanh tra chuyên ngành đóng tại 2.036 đơn vị, đạt 35,7% kế hoạch; kiểm tra tại 2.818 đơn vị; thanh tra, kiểm tra liên ngành tại 569 đơn vị, đạt 17,4% kế hoạch. 

Qua thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, bảo hiểm y tế đã phát hiện 7.735 người lao động thuộc đối tượng phải tham gia, nhưng chưa tham gia hoặc đóng thiếu thời gian với số tiền truy thu đóng là 47.322,5 triệu đồng.