Dự báo mỗi năm tăng thêm gần 740 nghìn người tham gia bảo hiểm thất nghiệp

Thu An

Dự báo giai đoạn 2019 - 2021, số người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tăng thêm bình quân 1,2 triệu người/năm, thêm khoảng 90.300 người hưởng chế độ hưu trí mỗi năm và số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp tăng bình quân mỗi năm gần 740.000 người.

Dự báo giai đoạn 2019 - 2021, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp tăng bình quân mỗi năm gần 740.000 người.
Dự báo giai đoạn 2019 - 2021, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp tăng bình quân mỗi năm gần 740.000 người.

Đây là thông tin đưa ra tại buổi công bố Báo cáo xu hướng lao động và xã hội Việt Nam năm 2019 và Bản tin chắt lọc chính sách lao động và xã hội năm 2019, do Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) tổ chức ngày 26/2/2020 tại Hà Nội.

Đánh giá xu hướng lao động và xã hội đến năm 2021 có thể thấy, quy mô dân số cả nước sẽ tiếp tục tăng với tốc độ bình quân 1,07%/năm trong giai đoạn 2019 - 2021. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của dân số từ 15 tuổi trở lên giảm nhẹ (76,06% năm 2019 và 75,48% năm 2021).

Quy mô lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên tăng lên 55,76 triệu người năm 2019 và 56,62 triệu người năm 2021. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp/chứng chỉ đạt 23,14% năm 2019 và 25,82% năm 2021.

Báo cáo cũng khuyến nghị, thực hiện tốt Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH, chú trọng công tác tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân về chính sách BHXH, bảo hiểm y tế; hoàn thiện chính sách BHXH; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về BHXH; nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, bảo hiểm thất nghiệp.

Cùng với đó, rà soát, sửa đổi các chính sách giảm nghèo theo hướng giảm dần chính sách hỗ trợ cho không, tăng chính sách hỗ trợ cho vay, có điều kiện; tách nhóm đối tượng BHXH ra khỏi nhóm đối tượng thụ hưởng chính sách giảm nghèo, từ đó có cơ sở để thiết kế và thực hiện chính sách giảm nghèo một cách có hiệu quả.

Đồng thời, nghiên cứu điều chỉnh tăng mức chuẩn trợ giúp xã hội thường xuyên và đột xuất phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và căn cứ chuẩn nghèo áp dụng cho từng thời kỳ; tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh mở rộng diện đối tượng hưởng, ưu tiên hỗ trợ đối với các nhóm yếu thế vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số; đa dạng hóa các loại hình trợ giúp xã hội và tăng cường các dịch vụ phúc lợi xã hội.