Hoa hồng hậu hĩnh, ngân hàng đổ xô vào bán bảo hiểm

Theo Thanh Hoa/thoibaokinhdoanh.vn

Khách hàng đến nhà băng để gửi tiết kiệm hay vay vốn được nhân viên ngân hàng "nhiệt tình" chào mời mua bảo hiểm đã không còn là chuyện lạ.

Một nhân viên ngân hàng cho biết, mỗi tháng phải đạt được doanh số bán bảo hiểm tối thiểu 60 triệu đồng . Nguồn: Internet.
Một nhân viên ngân hàng cho biết, mỗi tháng phải đạt được doanh số bán bảo hiểm tối thiểu 60 triệu đồng . Nguồn: Internet.

Hoa hồng hậu hĩnh nhờ bán bảo hiểm đã đóng góp phần quan trọng trong bức tranh lợi nhuận của các ngân hàng. Đó cũng chính là lý do thời gian qua, các ngân hàng ồ ạt ký kết hợp đồng phân phối độc quyền với các công ty bảo hiểm.

"Miếng bánh" hấp dẫn

Từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng dịch Covid-19, nhu cầu tín dụng sụt giảm mạnh. Vì vậy, để gia tăng lợi nhuận, các nhà băng đã cơ cấu lại nguồn thu từ phí, dịch vụ, trong đó đẩy mạnh bán bảo hiểm nhân thọ.

Theo tìm hiểu của Thời báo Kinh Doanh, tỷ lệ chiết khấu phí bảo hiểm nhân thọ khách hàng đóng trong năm đầu tiên cho các ngân hàng rất cao, có ngân hàng được hưởng đến 50%. Do vậy, ngân hàng đã dùng nguồn này để triển khai các chương trình khuyến mãi cho khách hàng cũng như thưởng cho nhân viên. Hình thức khuyến mãi phổ biến nhất là bán theo "combo" kiểu gửi tiết kiệm, vay vốn hay mở tài khoản thanh toán kèm mua bảo hiểm.

Khi đến quầy giao dịch ngân hàng để làm làm thủ tục gửi lại kỳ hạn mới cho khoản tiền tiết kiệm của mình tại một ngân hàng thương mại vừa đáo hạn, chị Ngô Cẩm Phương (Hà Nội) đã được nhân viên ngân hàng này tư vấn mua gói bảo hiểm nhân thọ vì ngân hàng bắt đầu triển khai gói mới với nhiều ưu đãi hấp dẫn, chẳng hạn như sẽ được nhận voucher du lịch giá trị tuỳ theo hợp đồng...

Không riêng khách hàng đến gửi tiền tiết kiệm, ngay cả người đi vay cũng được nhân viên ngân hàng nhiệt tình chào mời. Anh Nguyễn Tuấn Linh (Linh Đàm, Hà Nội) cho biết, khi đến một ngân hàng tìm hiểu thông tin về lãi suất vay vốn kinh doanh, anh được nhân viên ngân hàng này tư vấn: nếu mua thêm một sản phẩm bảo hiểm nhân thọ với mức phí khoảng 15 triệu đồng, năm đầu tiên vay vốn sẽ được hưởng lãi suất thấp hơn khoảng 0,5%/năm so với lãi suất hiện hành. Kèm theo dịch vụ đặc biệt là khi mua bảo hiểm cùng với khoản vay hay tiền gửi sẽ được ưu đãi lãi suất, lựa chọn tài khoản gửi số đẹp, phong thuỷ và phiếu giảm giá khi đi mua sắm.

“Nghe các ưu đãi kèm theo rất hấp dẫn, nhưng tôi còn phân vân vì hiện nay dịch bệnh đang ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh khiến tôi phải đi vay vốn để duy trì hoạt động, bây giờ còn gánh thêm khoản phí bảo hiểm nhân thọ bên cạnh lãi suất thì sẽ không kham nổi”, anh Linh kể lại.

Do đó, nhiều khách hàng không đọc kỹ điều khoản hợp đồng trước khi đặt bút ký, nên đã xảy ra tình trạng mất tiền oan do nhầm tưởng giống như gửi tiết kiệm và có thể rút tiền bất cứ lúc nào có nhu cầu.Theo tìm hiểu của Thời báo Kinh Doanh, khi mua bảo hiểm nhân thọ, khách hàng phải cam kết tham gia lâu dài, thấp nhất từ 10 năm trở lên. Vì vậy, trong điều khoản hợp đồng có quy định của ngân hàng là trong thời gian từ 1-3 năm đầu, khách hàng ngưng đóng phí bảo hiểm sẽ mất ít nhất 50% số tiền đã đóng.

Nhân viên “chạy theo” chỉ tiêu

Đặt kỳ vọng cao vào mảng bảo hiểm, nên thời gian qua, các ngân hàng đẩy mạnh tuyển dụng nhân sự phục vụ cho dịch vụ bán chéo các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ.

Theo thống kê của Navigos Search, trong quý II/2020, trong khi nhiều lĩnh vực có nhu cầu tuyển dụng lao động giảm mạnh thì tại các ngân hàng lại đi “ngược chiều”. Đơn cử, Vietcombank thông báo tuyển dụng với 353 chỉ tiêu, VietinBank với hơn 433 chỉ tiêu, BIDV: hơn 700 chỉ tiêu…

Việc tuyển dụng nhiều nhân sự sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng đạt được mục tiêu kinh doanh trong mảng bancassurance (phân phối bảo hiểm qua ngân hàng). Cụ thể, để tăng doanh thu từ bán bảo hiểm, các ngân hàng giao chỉ tiêu không chỉ cho nhân viên tín dụng mà cả với nhân viên giao dịch khách hàng tại các chi nhánh. Điều này gây áp lực không nhỏ cho nhân viên, gián tiếp tạo áp lực lên khách hàng. Nhiều khách hàng cảm thấy bị rơi vào thế chẳng đặng đừng, kiểu phải mua bảo hiểm mới được vay vốn.

Anh Nguyễn Văn Minh (Cầu Giấy, Hà Nội) phản ảnh, khi vay vốn mua ô tô, anh được nhân viên ngân hàng tư vấn mua bảo hiểm ô tô của một doanh nghiệp bảo hiểm đã liên kết với ngân hàng. “Nếu không mua bảo hiểm của ngân hàng bán thì ngân hàng chỉ cấp cho tôi giấy xác nhận thế chấp (dùng thay đăng ký xe) thời hạn 3 tháng/lần. Vì không muốn mất thời gian đi lại nhiều lần, nên tôi đã đồng ý mua bảo hiểm của ngân hàng để nhận được giấy xác nhận thế chấp có thời hạn một năm”, anh Minh cho hay.

Thực tế, do áp lực từ chỉ tiêu được giao để đảm bảo mức lương và thưởng, nhiều nhân viên tìm mọi cách để bán được bảo hiểm thay vì tư vấn đầy đủ cho khách hàng.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, trong bối cảnh xã hội ngày càng phát triển, khoản bảo hiểm nhân thọ kèm theo trên thực tế là bảo vệ khách hàng khi có rủi ro xảy ra thì vẫn có công ty bảo hiểm đứng ra để trả nợ thay. Tuy nhiên, đây là khoản bảo hiểm tự nguyện và ngân hàng chỉ nên khuyến khích thông qua việc ưu đãi lãi suất.

Theo thống kê của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, hiện doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới đến từ kênh bancassurance và kênh đại lý tư vấn bảo hiểm chiếm khoảng 90% tổng doanh thu phí mới toàn thị trường, trong đó bancassurance đóng góp khoảng 30%. Dự báo, tỷ lệ đóng góp của kênh này vào tổng doanh thu phí mới toàn thị trường sẽ còn tiếp tục tăng và có thể đạt 40% trong thời gian tới.