Mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội: Gỡ “nút thắt” về chính sách

Theo Nguyễn Bình/daibieunhandan.vn

“Đến thời điểm này có thể nói là chúng ta khó mà đạt được mục tiêu về số lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) cũng như tăng diện bao phủ của bảo hiểm xã hội đã được đề ra trong Nghị quyết của Trung ương”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi nêu rõ tại Hội thảo do Ủy ban tổ chức sáng 13/12. Nhiều giải pháp đã được đưa ra tại Hội thảo nhưng điều quan trọng nhất, theo các đại biểu, vẫn là phải gỡ được những “nút thắt” về chính sách, pháp luật để phù hợp hơn với yêu cầu thực tiễn.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Doanh nghiệp sẽ tìm cách “lách” luật

Không khó để các đại biểu - đại diện cho các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan dân cử, các chuyên gia, những người trực tiếp tham gia thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội - tham dự Hội thảo “Giải pháp mở rộng diện bao phủ của chính sách BHXH đối với lao động khu vực phi chính thức” đồng ý với nhau về những nguyên nhân dẫn đến việc khó đạt được các mục tiêu phát triển BHXH. Bởi lẽ, những hạn chế cả về mặt chính sách, pháp luật và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH đều đã bộc lộ khá rõ nét trong thời gian qua.

Nguyên nhân đầu tiên về mặt chính sách được Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Trường Giang chỉ ra là bởi Luật Bảo hiểm xã hội chưa bao phủ hết đối tượng có khả năng tham gia BHXH.

Cụ thể là, nhóm đối tượng là chủ hộ kinh doanh cá thể hiện có tới trên 5 triệu, trong đó, có khoảng 3,7 triệu hộ có đăng ký kinh doanh nhưng lại không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc. Vì thế, giải pháp đầu tiên, theo ông Giang là phải rà soát, mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với các nhóm chủ hộ kinh doanh, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý, điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương, người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt.

Nhưng, từ thực tế hoạt động của doanh nghiệp, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam Phạm Anh Tuấn chỉ thẳng, nếu không phải là doanh nghiệp nhà nước, bị kiểm tra, giám sát rất chặt thì doanh nghiệp sẽ tìm cách “lách” luật để giảm số lượng lao động phải đóng BHXH bắt buộc.

Bởi lẽ, lực lượng lao động hiện nay biến động rất lớn, nay vào mai ra, nếu doanh nghiệp cứ phải đóng BHXH bắt buộc cho người lao động với mức phí như hiện nay (khoảng 21,5% tính trên mức lương tối thiểu nhân với hệ số) thì với các doanh nghiệp tư nhân, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ là rất khó khăn.

Trong khi đó, ngay cả khi mở rộng tối đa diện tham gia BHXH bắt buộc như đề xuất trên đây thì theo Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang Trần Văn Lâm, cũng mới chỉ là giải pháp tạm thời, có thể làm tăng thêm được số lượng người tham gia BHXH, nhưng “không thể đạt được mục tiêu bao trùm của BHXH. Khó nhất vẫn là việc làm thế nào để người lao động tham gia BHXH tự nguyện”, ông Lâm nói.

Chính sách quá khó khăn, nhiều thủ tục?

“Tại sao các loại hình bảo hiểm của thị trường phát triển rất tốt còn BHXH của chúng ta lại bị tắc?” Đặt câu hỏi này, TS. Nguyễn Thế Huệ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu người cao tuổi Việt Nam cho rằng, “tắc” không phải vì người lao động không muốn tham gia mà bởi vì ngại chính sách quá khó khăn, nhiều thủ tục, chưa phải là thông thoáng nhất, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người tham gia BHXH.

Rõ ràng, có những chính sách của chúng ta cũng chưa đi vào cuộc sống, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang Trần Văn Lâm bày tỏ sự đồng thuận với TS. Nguyễn Thế Huệ. Ông Lâm cho rằng, chính sách BHXH hiện nay, người dân cũng thấy là có lợi ích nên tham gia, nhưng vẫn ngần ngại vì “lợi ích quá xa vời”, không chắc chắn.

Nghĩa vụ thì thường trực tháng nào cũng phải đóng, phải tham gia 20 năm mới được hưởng lương hưu trong khi rủi ro của cuộc đời thì khôn lường, có khi vừa cầm sổ hưu, chưa kịp hưởng lương hưu đã không may mất đi. Thực tế, đã có rất nhiều người lao động dù đã có thời gian tham gia BHXH rất dài, thậm chí đến 18, 19 năm nhưng vẫn rời khỏi hệ thống và chấp nhận hưởng BHXH một lần thay vì hưởng lương hưu.

Nhiều bất cập khác về chính sách cũng được các đại biểu chỉ ra. Đó là, chính sách BHXH tự nguyện chưa thật sự hấp dẫn khi chỉ có 2 chế độ là lương hưu và tử tuất. Nhiều người dân, nhiều doanh nghiệp phản ánh muốn tham gia nhiều chế độ BHXH hơn, phù hợp với điều kiện thực tế và mong muốn của họ hơn nhưng chính sách hiện nay vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu này.

Cùng với đó là sự thiếu kết nối, hỗ trợ lẫn nhau giữa các chế độ BHXH. Trong khi ở nhiều nước, chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) thực sự hỗ trợ người lao động không bị rời khỏi hệ thống BHXH qua các chính sách hỗ trợ rất cụ thể.

Ví dụ, lao động tuổi trung niên dễ bị sa thải thì Quỹ BHTN có thể hỗ trợ một phần tiền lương để doanh nghiệp giảm áp lực về tài chính khi sử dụng lao động có năng suất cao bằng lao động trẻ; miễn hoặc giảm một phần chi phí đóng BHXH bằng cách trích từ Qũy BHTN để đóng thay cho doanh nghiệp để doanh nghiệp tiếp tục sử dụng lao động, người lao động tiếp tục có việc làm và tiếp tục nằm trong hệ thống BHXH, tiếp tục đóng góp cho doanh nghiệp, xã hội và bảo đảm thu nhập của bản thân.

Tiếc là, “hệ thống chính sách BHXH của nước ta lại chưa có các quy định như vậy”, ông Phạm Trường Giang cho biết. Nhiều đại biểu cũng lưu ý, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang dẫn đến những thay đổi trong quan hệ, thị trường lao động, một bộ phận lao động không đáp ứng được yêu cầu về trình độ chuyên môn kỹ thuật có nguy cơ lớn bị mất việc làm thì việc thiết kế các chính sách bảo đảm sự kết nối và hỗ trợ lẫn nhau giữa các chế độ BHXH như vậy là hết sức quan trọng.

Theo ông Phạm Trường Giang, đã đến lúc cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chính sách BHXH theo hướng tăng tính hấp dẫn, linh hoạt của chế độ BHXH tự nguyện. Cần có sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho nông dân, người nghèo, người thu nhập thấp, người lao động ở khu vực phi chính thức để mở rộng diện bao phủ.

Nghiên cứu, thiết kế các gói BHXH tự nguyện ngắn hạn, linh hoạt để người lao động có nhiều sự lựa chọn tham gia và thụ hưởng; mở rộng các chế độ BHXH tự nguyện, tạo điều kiện chuyển đổi thuận lợi giữa BHXH tự nguyện và BHXH bắt buộc.

Nhiều giải pháp khác nhằm duy trì và hạn chế đối tượng tham gia BHXH rời khỏi hệ thống cũng được các đại biểu đưa ra như sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống còn 15 năm, hướng tới còn 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm tham gia BHXH thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH.

Cùng với đó là sửa đổi, bổ sung các quy định về BHXH một lần, có quy định phù hợp để giảm tình trạng hưởng BHXH một lần theo hướng tăng quyền lợi nếu bảo lưu thời gian tham gia BHXH để hưởng chế độ hưu trí, giảm quyền lợi nếu hưởng BHXH một lần…

Những giải pháp này cần được nghiên cứu, đánh giá tác động kỹ lưỡng để tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về BHXH. Dù giải pháp nào được lựa chọn thì điều quan trọng nhất vẫn là phải tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người tham gia BHXH. Thiết kế chính sách, các chế độ BHXH phải thực sự xuất phát từ nhu cầu thực tế, phù hợp với mong muốn và điều kiện tham gia của người dân.