Một số vấn đề trao đổi về chính sách hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp

Bài viết đăng trên Tạp chí Tài chính Kỳ 1 - Tháng 7/2020

Để đảm bảo người dân yên tâm sản xuất, ngày 26/6/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 22/2019/QĐ-TTg về thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp, cá nhân sản xuất nông nghiệp thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo sẽ được hỗ trợ 90% phí bảo hiểm nông nghiệp.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Việc hỗ trợ này sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân và các nhà đầu tư vào nông thôn, tạo điều kiện cho vùng nông thôn ngày càng phát triển. Bài viết này phân tích nhằm làm các quy định liên quan để người dân hiểu rõ các cơ chế chính sách Nhà nước ban hành.

Vai trò của bảo hiểm nông nghiệp

Bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) đóng vai trò quan trọng, thiết yếu cho người nông dân để hạn chế những thiệt hại do các rủi ro gây nên. Vì vậy, việc tham gia bảo hiểm là rất cần thiết đối với mọi người. BHNN thuộc nghiệp vụ bảo hiểm phi nhân thọ, đối tượng bảo hiểm là các rủi ro phát sinh trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và đời sống nông thôn, bao gồm những rủi ro gắn liền với: cây trồng, vật nuôi, vật tư, hàng hóa, nguyên liệu nhà xưởng.

Sản xuất nông nghiệp thường gặp các rủi ro bất ngờ như: thời tiết, thiên tai, dịch bệnh ở cây trồng và vật nuôi, biến động của giá nông phẩm và các nguyên liệu đầu vào do sự biến động khó đoán của thị trường; Rủi ro tài chính và hoạt động thương mại; Rủi ro thể chế… Rủi ro là khó tránh nhưng là yếu tố có khả năng quản lý được trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp.

Các sản phẩm nông nghiệp thay đổi từ năm này qua năm khác do tính chất khó dự đoán của thời tiết, sâu bệnh và các điều kiện thị trường đã làm hoa lợi và giá nông phẩm biến động. Những thay đổi trên làm cho thu nhập của nông dân trở nên bấp bênh, đời sống không ổn định (cả tinh thần và vật chất). Sự bấp bênh của thu nhập trong tương lai càng gây khó khăn cho người dân khi đưa ra quyết định sản xuất ngắn hạn và kế hoạch dài hạn có thể vì thiếu vốn hoặc lo lắng thiên tai, dịch bệnh nên người dân không dám đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp.

Những tổn thất nặng nề này có thể làm cho người nông dân chưa thanh toán được nợ nần trước mắt và trở thành những người không có khả năng chi trả do nợ nần dồn lại và kéo dài. Các tổ chức tài chính sẽ không dám cho người nông dân vay tiền vì rủi ro nợ xấu quá cao. Điều này đã bó buộc người nông dân, khiến họ không có khả năng sản xuất, đa dạng hóa và hiện đại hóa nông nghiệp.

Trước những rủi ro đó, BHNN đóng một vai trò hết sức quan trọng, giảm bớt những thiệt hại cho người nông dân trước những rủi ro ngoài ý muốn như: Góp phần hạn chế những rủi ro liên quan đến sản xuất, đảm bảo ổn định nguồn thu nhập của người nông dân; giúp người nông dân yên tâm sản xuất, gia tăng năng suất lao động; mang lại một nguồn vốn nhất định cho người nông dân…

BHNN đóng vai trò quan trọng, thiết yếu cho người nông dân để hạn chế những thiệt hại do các rủi ro gây nên. Vì vậy, việc tham gia BHNN là điều rất cần thiết đối với mọi người. BHNN thuộc nghiệp vụ bảo hiểm phi nhân thọ, đối tượng bảo hiểm là các rủi ro phát sinh trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và đời sống nông thôn, bao gồm những rủi ro gắn liền với: cây trồng, vật nuôi, vật tư, hàng hóa, nguyên liệu nhà xưởng.

Quy định về hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp

Quyết định số 22/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp đã quy định cụ thể mức hỗ trợ phí BHNN. Trong đó, cá nhân sản xuất nông nghiệp thuộc diện hộ nghèo (bao gồm cả hộ nghèo theo tiêu chí thu nhập và hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều), hộ cận nghèo theo quy định tại Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020 được hỗ trợ 90% phí BHNN.

Theo đó, hộ nghèo đối với khu vực nông thôn là hộ đáp ứng 1 trong 2 tiêu chí sau: Có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ đủ 700.000 đồng trở xuống; Có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 700.000 đồng đến 1.000.000 đồng và thiếu hụt từ 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản trở lên. Hộ nghèo đối với khu vực thành thị là hộ đáp ứng 1 trong 2 tiêu chí sau: Có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ đủ 900.000 đồng trở xuống; Có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 900.000 đồng đến 1.300.000 đồng và thiếu hụt từ 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.

Hộ cận nghèo đối với khu vực nông thôn là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 700.000 đồng đến 1.000.000 đồng và thiếu hụt dưới 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Hộ cận nghèo đối với khu vực thành thị là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 900.000 đồng đến 1.300.000 đồng và thiếu hụt dưới 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.

Đối với cá nhân sản xuất nông nghiệp thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ mức hỗ trợ phí BHNN là 90% để khuyến khích cá nhân tham gia bảo hiểm, vì quyền lợi của cá nhân trong quá trình sản xuất nông nghiệp, giúp loại bỏ những lo lắng do thiên tai, dịch bệnh có thể ảnh hưởng đến vật nuôi, cây trồng.

Các tổ chức sản xuất nông nghiệp có quy mô lớn theo Quyết định số 22/2019/QĐ-TTg quy định phí bảo hiểm có thể được Nhà nước hỗ trợ tối đa 20% phí BHNN. Điều kiện để các tổ chức sản xuất nông nghiệp được hỗ trợ phí bảo hiểm là phải có quy mô lớn áp dụng khoa học công nghệ và quy trình sản xuất tiên tiến, hướng tới nền nông nghiệp sạch, thân thiện với môi trường.

Tổ chức sản xuất nông nghiệp theo mô hình sản xuất hợp tác, liên kết, tập trung, quy mô lớn có ứng dụng khoa học công nghệ và các quy trình sản xuất tiên tiến vào sản xuất, hướng tới nền nông nghiệp sạch, công nghệ cao thân thiện với môi trường được hỗ trợ 20% phí BHNN khi đáp ứng đầy đủ các quy định sau:

Một là, DN được thành lập theo Luật DN hoặc hợp tác xã được thành lập theo Luật Hợp tác xã.

Hai là, có hợp đồng liên kết gắn với sản phẩm nông nghiệp là các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ BHNN đảm bảo quy định tại Điều 4,5 Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 5/7/2018 của Chính phủ.

Ba là, có sản phẩm nông nghiệp là các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ BHNN được chứng nhận đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm của cơ quan có thẩm quyền hoặc được công nhận là DN nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Bên cạnh đó, cá nhân sản xuất nông nghiệp không thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo cũng được hỗ trợ tối đa 20% phí BHNN.

Ngoài các nội dung trên, Quyết định số 22/2019/QĐ-TTg cũng quy định, đối tượng bảo hiểm được hỗ trợ phí BHNN gồm: Cây trồng (cây lúa); Vật nuôi (trâu, bò); Nuôi trồng thủy sản (tôm sú, tôm thẻ chân trắng). Đồng thời, quy định rõ các rủi ro được bảo hiểm hỗ trợ gồm: Rủi ro được bảo hiểm được hỗ trợ đối với cây lúa: Thiên tai: Bão, áp thấp nhiệt đới, lốc, sét, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, nước dâng, xâm nhập mặn, nắng nóng, hạn hán, rét hại, mưa đá, sương muối, động đất, sóng thần. Thiên tai phải được công bố hoặc xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền); Dịch bệnh bao gồm: Bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, lùn sọc đen, đạo ôn, bạc lá; dịch rầy nâu, sâu đục thân. Dịch bệnh phải được công bố hoặc xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Hỗ trợ bảo hiểm cũng được áp dụng đối với tôm sú, tôm thẻ chân trắng: Rủi ro Thiên tai như: Bão, áp thấp nhiệt đới, lốc, sét, mưa lớn, lũ, ngập lụt, sạt lở đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, nước dâng, xâm nhập mặn, nắng nóng, hạn hán, mưa đá, động đất, sóng thần. Thiên tai phải được công bố hoặc xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Không hỗ trợ cho các rủi ro dịch bệnh đối với tôm sú, tôm thẻ chân trắng.

Theo Nghị định số 58/2018/NĐ-CP ngày 18/4/2018 của Chính phủ về BHNN, DNBH triển khai chính sách hỗ trợ BHNN phải đáp ứng một số điều kiện, yêu cầu sau:

Một là, được triển khai nghiệp vụ BHNN theo Giấy phép thành lập và hoạt động, đáp ứng các yêu cầu về vốn, khả năng thanh toán theo quy định, có quy trình của doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) về khai thác, giám định, bồi thường BHNN, quy trình kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ theo quy định pháp luật; có chương trình tái BHNN bảo đảm an toàn, hiệu quả và phù hợp với quy định pháp luật.

Hai là, DNBH đứng đầu hoặc DNBH được chỉ định làm đầu mối thực hiện hợp đồng bảo hiểm có trụ sở chính hoặc chi nhánh đặt tại địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi triển khai chính sách hỗ trợ BHNN.

Hiện nay, BHNN đang được thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện thỏa thuận, không giới hạn tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm, đối tượng, rủi ro được bảo hiểm và phạm vi địa bàn, đã thu hút được khá nhiều hộ dân, cá nhân sản xuất nông nghiệp tham gia. Có 7 tỉnh được hỗ trợ phí BHNN đối với cây lúa gồm: Thái Bình, Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Thuận, An Giang, Đồng Tháp; 8 tỉnh, thành được hỗ trợ phí BHNN đối với trâu, bò gồm: Hà Giang, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Đồng Nai, Bình Dương; 5 tỉnh được hỗ trợ phí BHNN đối với tôm sú, tôm thẻ chân trắng gồm: Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau. UBND các tỉnh, thành thuộc các địa bàn trên tổ chức lựa chọn địa bàn được hỗ trợ BHNN theo quy định tại khoản 2 Điều 21 Nghị định số 58/2018/NĐ-CP.

Thời gian thực hiện hỗ trợ phí BHNN từ ngày Quyết định số 22/2019/QĐ-TTg có hiệu lực (26/6/2019) đến hết ngày 31/12/2020. Mức hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương để thực hiện hỗ trợ phí BHNN là tối đa theo quy định tại Quyết định số 579/QĐ-TTg ngày 28/4/2017 về nguyên tắc hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương thực hiện các chính sách an sinh xã hội giai đoạn 2017-2020 và các quy định sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).

UBND các tỉnh, thành thuộc địa bàn: Thái Bình, Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Thuận, An Giang, Đồng Tháp, Hà Giang, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Đồng Nai, Bình Dương, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau có trách nhiệm bố trí ngân sách địa phương để hỗ trợ phí BHNN theo quy định tại Quyết định 22/2019/QĐ-TTg. Hiện nay, tất cả các tỉnh này đã tham gia BHNN đối với cây lúa, trâu, bò, tôm sú và tôm thẻ chân trắng.

Việc tham gia BHNN sẽ giúp người dân yên tâm tham gia sản xuất nông nghiệp, giảm bớt các lo lắng nếu gặp phải các vấn đề về thiên tai, dịch bệnh giúp người dân phát huy tốt nhất năng suất có thể bởi vì nếu có vấn đề về thiên tai, dịch bệnh thì sẽ được bảo hiểm hỗ trợ, không phải bị mất hết như trước nay.

Kết luận

Hiện nay, mức hỗ trợ phí BHNN, cá nhân sản xuất nông nghiệp thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo sẽ được hỗ trợ đến 90%; cá nhân sản xuất nông nghiệp khác là 20%; các tổ chức sản xuất nông nghiệp đáp ứng các điều kiện cụ thể về hợp tác, liên kết, quy mô lớn có ứng dụng công nghệ và các quy trình sản xuất tiên tiến hướng tới nền nông nghiệp sạch, công nghệ cao, thân thiện với môi trường là 20%.

Nhà nước khuyến khích các DNBH và tái bảo hiểm phối hợp thực hiện BHNN nhằm tạo điều kiện cho người dân chủ động khắc phục, bù đắp thiệt hại tài chính do không may gặp phải trong sản xuất nông nghiệp như thiên tai, dịch bệnh. Khi người dân yên tâm sản xuất thì hiệu quả sản xuất mang lại luôn được tối ưu nên Nhà nước khuyến khích người dân tham gia và tái tham gia để các vấn đề thiên tai, dịch bệnh không còn là nỗi lo lớn.

 

Tài liệu tham khảo:
1. Thủ tướng Chính phủ (2019), Quyết định số 22/2019/QĐ-TTg ngày 26/6/2019 về thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp;
2. Thủ tướng Chính phủ (2017), Quyết định số 579/QĐ-TTg ngày 28/4/2017 về nguyên tắc hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương thực hiện các chính sách an sinh xã hội giai đoạn 2017-2020;
3. Thủ tướng Chính phủ (2015), Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020;
4. Chính phủ (2018), Nghị định số 58/2018/NĐ-CP ngày 18/4/2018 về bảo hiểm nông nghiệp;