Năm 2018, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 133.654 tỷ đồng

Hà Anh

Tổng doanh thu phí bảo hiểm năm 2018 ước đạt 133.654 tỷ đồng, tăng 23,97% so với năm 2017, trong đó, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 45.694 tỷ đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 87.960 tỷ đồng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thông tin trên được Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) công bố tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2018 và phương hướng nhiệm vụ năm 2019, ngày 28/12/2018 tại Hà Nội.

Những kết quả ấn tượng

Khép lại năm 2018, thị trường bảo hiểm có sự tăng trưởng cả về quy mô và và chất lượng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu bảo hiểm đa dạng của các tổ chức, cá nhân; thể hiện được vai trò, vị trí quan trọng trong nền kinh tế - xã hội.

Hiện nay, thị trường bảo hiểm có 64 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, trong đó có 30 doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) phi nhân thọ, 18 DNBH nhân thọ, 2 DN tái bảo hiểm và 14 DN môi giới bảo hiểm và 1 chi nhánh DNBH phi nhân thọ nước ngoài.

Tổng tài sản của các DNBH năm 2018 ước đạt 384.176 tỷ đồng, tăng 21,05% so với năm 2017. Tổng số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 319.610 tỷ đồng, tăng 29,53% so với năm 2017. Tổng dự phòng nghiệp vụ ước đạt 241.225 tỷ đồng, tăng 27,75% so với năm 2017. Tổng nguồn vốn chủ sở hữu ước đạt 76.531 tỷ đồng, tăng 17,24% so với năm 2017. Tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 133.654 tỷ đồng, tăng 23,97% so với năm 2017. Đây là năm thứ 5 thị trường bảo hiểm đạt mức tăng trưởng doanh thu trên 20%, hoàn thành các mục tiêu đề ra.

Đáng chú ý, năm 2018, toàn ngành Bảo hiểm đã thực hiện chi trả quyền lợi bảo hiểm khoảng 36.415 tỷ đồng; trong đó, các DNBH phi nhân thọ chi trả khoảng 17.765 tỷ đồng, các DNBH nhân thọ chi trả khoảng 18.650 tỷ đồng. Tổng phí bảo hiểm thu xếp qua môi giới năm 2018 ước đạt 9.654 tỷ đồng, tăng 11,4% so với năm 2017.

Cùng với việc gia tăng về quy mô và chất lượng khung khổ pháp lý về kinh doanh bảo hiểm tiếp tục được kiện toàn. Năm 2018, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đã trình Chính phủ xem xét ban hành nhiều văn bản, chính sách quan trọng như: Nghị định số 23/2018/NĐ-CP ngày 23/2/2018 quy định về bảo hiểm cháy nổ bắt buộc; Nghị định số 48/2018/NĐ-CP ngày 21/3/2018 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 98/2013/NĐ-CP ngày 28/8/2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số; Nghị định số 58/2018/NĐ-CP ngày 18/4/2018 về bảo hiểm nông nghiệp; trình Chính phủ dự thảo Nghị định về bảo hiểm vi mô đối với các tổ chức chính trị - xã hội…

Hiện nay, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cũng đang chủ trì soạn thảo một số văn bản quy phạm pháp luật mới như: Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2020; Nghị định về bảo hiểm vi mô; Nghị định thay thế Nghị định số 103/2008/NĐ-CP ngày 16/9/2008 về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới; Nghị định số 214/2013/NĐ-CP ngày 20/12/2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 103/2008/NĐ-CP; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp...

Các văn bản này sẽ tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, hỗ trợ DNBH triển khai áp dụng quy định pháp luật, tháo gỡ vướng mắc kịp thời trong hoạt động, hỗ trợ DNBH triển khai các sản phẩm mới, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Kỳ vọng về sự đột phá trong năm 2019

Để tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của thị trường bảo hiểm, trong năm 2019, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó tiếp tục hoàn thiện Đề án sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm với mục tiêu minh bạch, an toàn, hiệu quả để phù hợp với điều kiện, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và các chuẩn mực quốc tế.

Đồng thời, khuyến khích, hỗ trợ các DN phát triển và đa dạng hóa sản phẩm bảo hiểm; thứ tư, đẩy mạnh tuyên truyền về bảo hiểm; thiết lập hệ thống công nghệ thông tin, hạ tầng kỹ thuật; xây dựng cơ sở dữ liệu cho thị trường bảo hiểm...

Với những nỗ lực trong việc hoàn thiện chính sách, cải cách hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kỳ vọng thị trường bảo hiểm trong năm 2019 sẽ tiếp tục đạt tổng doanh thu phí bảo hiểm ước tăng trên 20,37% so với năm 2018, từ đó góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của nền kinh tế - xã hội.