Ngành BHXH triển khai quyết liệt các biện pháp tăng thu, giảm nợ đọng

Minh Ngọc

Quyết tâm giảm tỷ lệ nợ đọng thấp hơn so với năm 2018, đảm bảo quyền lợi cho người lao động, trong 6 tháng cuối năm 2019, ngành BHXH quyết liệt thực hiện công tác thu, giảm nợ đọng, mở rộng diện bao phủ BHXH, BHYT.

Ngành BHXH triển khai quyết liệt nhiều giải pháp tăng thu, giảm nợ đọng.
Ngành BHXH triển khai quyết liệt nhiều giải pháp tăng thu, giảm nợ đọng.

Nợ BHXH, BHYT ở mức cao

Theo báo cáo của Ban Thu (BHXH Việt Nam), tính đến ngày 31/5/2019, cả nước có 14,446 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, đạt 94,4% kế hoạch, tăng 79.727 người so với tháng 4/2019. Toàn quốc có 363.000 người tham gia BHXH tự nguyện, tăng 26.000 người so với tháng 4/2019. Đáng chú ý, tổng số nợ BHXH, BHYT toàn quốc tính đến ngày 31/5 là 17.500 tỷ đồng, trong đó số nợ phải tính lãi là 6.653 tỷ đồng, chiếm 1,85% số phải thu. Cụ thể, cả nước có 33.483 đơn vị nợ từ 3 - 6 tháng với số tiền nợ hơn 1.100 tỷ đồng; 10.079 đơn vị nợ từ 6 - 12 tháng với 619 tỷ đồng và 15.247 đơn vị nợ trên 12 tháng với 2.817 tỷ đồng.

Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng nợ BHXH tăng cao nhưng nguyên nhân cơ bản nhất là hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật BHXH, BHYT của chủ sử dụng lao động chưa tốt. Một số chủ sử dụng lao động nhận thức về trách nhiệm tham gia BHXH, BHYT cho người lao động còn hạn chế, nhất là khu vực ngoài nhà nước. Tình trạng đóng chậm, đóng thiếu hoặc trốn đóng BHXH, BHYT vẫn xảy ra khá phổ biến.

Thực tế cho thấy, có những trường hợp người sử dụng lao động hiểu rất rõ trách nhiệm và quyền lợi tham gia BHXH, BHYT cho người lao động, nhưng vẫn cố tình không đóng, hoặc chỉ đóng cho một số người trong bộ khung quản lý của đơn vị để giảm chi phí, thu lợi nhuận nhiều hơn cho doanh nghiệp. Thậm chí có doanh nghiệp chấp nhận đóng lãi suất chậm nộp, lạm dụng tiền đóng BHXH, BHYT của người lao động để quay vòng vốn, vì tỷ lệ lãi suất phạt chậm nộp thấp hơn lãi suất ngân hàng, thủ tục vay ngân hàng phức tạp hơn...

Quyết tâm giảm tỷ lệ nợ đọng

Trong thời gian qua, Ngành BHXH triển khai quyết liệt nhiều giải pháp tăng thu, giảm nợ đọng. Theo đó, BHXH Việt Nam đã ban hành Công văn số 34/BHXH-BT về việc khai thác sử dụng chức năng tự động thanh tra chuyên ngành đóng đột xuất trên phần mềm TST.

Cụ thể, về việc khai thác sử dụng chức năng tự động thanh tra chuyên ngành đóng đột xuất trên phần mềm, từ ngày 1/5/2019 đến ngày 31/5/2019 đã ban hành Quyết định thanh tra đột xuất với 957/15.224 đơn vị, đạt tỷ lệ 6,3% so với tổng số đơn vị thuộc diện phải thanh tra trong tháng. Có 31 tỉnh, thành phố đã cập nhật kết quả thanh tra đột xuất vào phần mềm quản lý thu, sổ thẻ.

Quyết tâm giảm tỷ lệ nợ đọng thấp hơn so với năm 2018, đảm bảo quyền lợi cho người lao động, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố xác định nguyên nhân nợ đối với từng đơn vị để có giải pháp phù hợp.

Đồng thời, BHXH Việt Nam yêu cầu lãnh đạo BHXH các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo quyết liệt các giải pháp thúc đẩy công tác thu BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), đặc biệt là sự chủ động, tích cực của cán bộ thu, quản lý nợ BHXH, BHYT nhằm bám sát, thường xuyên đôn đốc đóng nộp đầy đủ; thực hiện giao chỉ tiêu phấn đấu giảm nợ đến từng cá nhân chuyên quản; hàng tháng, hàng quý đánh giá tỷ lệ giảm nợ để xếp loại lao động và xét khen thưởng kịp thời…

Theo Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh, trong 6 tháng cuối năm 2019, ngành BHXH tập trung quyết liệt thực hiện công tác thu, giảm nợ đọng, mở rộng diện bao phủ BHXH, BHYT. Một số giải pháp cụ thể như: Tăng cường thanh tra, rà soát dữ liệu từ cơ quan thuế, tăng thu, giảm nợ đọng, phối hợp với cơ quan bưu điện tăng số BHXH tự nguyện; Xây dựng quy trình tổ chức Hội nghị tuyên truyền vận động đối tượng tham gia BHXH tự nguyện...

Các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam khẩn trương, nghiên cứu tham mưu xây dựng các quy trình, biểu mẫu, chuẩn hóa nội dung tài liệu hướng dẫn… có liên quan phục vụ tích cực cho công tác phát triển diện bao phủ BHXH, BHYT ở cơ sở. BHXH các tỉnh, thành phố chủ động, linh hoạt thực hiện các biện pháp, giao chỉ tiêu cụ thể và đánh giá kết quả công tác đối với từng cán bộ trong lĩnh vực phụ trách, đảm bảo tăng thu, giảm nợ đọng và mở rộng diện bao phủ BHXH, BHYT đạt mục tiêu đã đề ra.