Ngành BHXH Việt Nam tăng tốc về đích năm 2020

Lê Hà

Với sự nỗ lực, phấn đấu của toàn thể cán bộ công chức, ngành BHXH đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên các mặt công tác trong tháng 9/2020. Đây là bước đà quan trọng để toàn Ngành tăng tốc, phấn đấu hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra năm 2020.

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh chủ trì Hội nghị Giao ban trực tuyến tháng 10/2020 (ngày 9/10/2020).
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh chủ trì Hội nghị Giao ban trực tuyến tháng 10/2020 (ngày 9/10/2020).

Đã có trên 15,5 triệu người tham gia BHXH

Theo BHXH Việt Nam, 9 tháng đầu năm 2020, cơ quan này luôn chủ động, bám sát các giải pháp chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT; chủ động, tích cực phối hợp với các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong triển khai thực hiện nhiệm vụ và đạt được những kết quả, cụ thể như sau:

Cả nước có trên 15,5 triệu người tham gia BHXH (đạt 31,5% lực lượng lao động trong độ tuổi); có gần 13 triệu người tham gia tham gia BH thất nghiệp (đạt 26,2% lực lượng lao động trong độ tuổi); trên 86,7 triệu người tham gia BHYT (đạt tỷ lệ bao phủ 89,6% dân số). So với cuối năm 2019, số người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT tăng trưởng dương, riêng BHXH tự nguyện, đến hết tháng 4/2020 chỉ duy trì bằng số người tham gia của năm 2019, nhưng đến nay đã đạt trên 844.741 người, tăng 381.638 người so với năm 2019.

Đồng thời, với việc phải hạn chế trong thanh tra, kiểm tra, đôn đốc trực tiếp tại đơn vị, doanh nghiệp dẫn đến số người tham gia BHXH bắt buộc, BHTN giảm; tổng số số thu BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), BHYT có tăng về số tuyệt đối, nhưng tỷ lệ so với kế hoạch cả năm thấp hơn cùng kỳ (hết tháng 9/2019, số thu toàn Ngành đã đạt 72,4% kế hoạch năm); tổng số tiền nợ BHXH, BHYT khoảng 19.899 tỷ đồng (bằng 4,93% số phải thu và tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2019).

Trong 9 tháng đầu năm 2020, cả nước đã chi 171.411 tỷ đồng cho 8.343.061 người hưởng BHXH; 11.135 tỷ đồng cho 797.485 người hưởng chế độ BH thất nghiệp. So với cùng kỳ năm 2019, tuy số người được giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản giảm, nhưng số người được giải quyết hưởng chế độ BHXH hàng tháng, BHXH một lần và BH thất nghiệp đều tăng.

Với chủ trương đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, ngành BHXH tiếp tục kết nối, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành liên quan, như: Kết nối, trao đổi, đối soát dữ liệu tự động 2 chiều với Tổng cục Thuế; kết nối, trao đổi thông tin với Bộ Tư pháp trên hệ thống thông tin quản lý hộ tịch qua Trục dữ liệu quốc gia (NGSP) phục vụ liên thông cấp giấy khai sinh, cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi (đến tháng 9/2020 đã hoàn thành triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố);  tích hợp, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến cho doanh nghiệp, người dân trên Cổng Dịch vụ công quốc gia (đến nay, BHXH Việt Nam đã cung cấp 16 DVC; đã tiếp nhận gần 3.500 hồ sơ thực hiện dịch vụ công qua Cổng Dịch vụ công quốc gia…

Tăng tốc “về đích” năm 2020

Phát huy những kết quả đạt được, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu, BHXH các tỉnh, thành phố cần phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình, rõ kết quả đối với từng đơn vị, từng cán bộ, công chức, viên chức; thường xuyên bám sát, tranh thủ sự chỉ đạo của Trung ương, cấp ủy, chính quyền địa phương để vừa tham mưu, triển khai hiệu quả nhiệm vụ được giao; chủ động, tăng cường hơn nữa sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị trong Ngành và các cơ quan, đơn vị ngoài Ngành; nâng cao hơn nữa trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ.

Về công tác thu, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam lưu ý, các đơn vị nghiệp vụ và BHXH các địa phương cần bám sát dự toán thu, phối hợp với các bộ, ngành liên quan, trong đó có cơ quan Thuế để rà soát các nhóm tham gia BHXH bắt buộc; tăng cường thanh tra đột xuất các đơn vị sử dụng lao động có dấu hiệu vi phạm; kiên quyết thu hồi nợ tại các đơn vị chây ỳ, sử dụng các biện pháp, đôn đốc, bám sát dòng tiền, sức khỏe doanh nghiệp...

Bên cạnh các giải pháp trên, cần xây dựng kịch bản truyền thông; chú trọng truyền thông về những giá trị cốt lõi, nhân văn của chính sách BHXH, BHYT, từ đó, kêu gọi sự chung tay, vào cuộc của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, tài trợ để giúp những người dân, người lao động gặp khó khăn được tiếp tục tham gia BHYT, BHXH, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Đồng thời, tiếp tục tăng cường các biện pháp cải cách thủ tục hành chính trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên nguyên tắc đơn giản, dễ dàng, thuận tiện; hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động nghiệp vụ; mở rộng cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức với tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ ngày càng tốt hơn, hướng tới sự hài lòng của các tổ chức, cá nhân tham gia, thụ hưởng của các chính sách BHXH, BHYT theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW.