Nhà đầu tư ngoại tiếp tục đổ bộ thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt

Theo Gia Linh/tinnhanhchungkhoan.vn

Thực tế, nhiều tập đoàn tài chính nước ngoài đã góp vốn ở hầu hết các công ty bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam và vẫn có tham vọng sở hữu thêm cổ phần của các công ty bảo hiểm này.

Kết thúc năm 2018, thị trường phi nhân thọ đạt tổng doanh thu 45.690 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2017. Nguồn: Internet
Kết thúc năm 2018, thị trường phi nhân thọ đạt tổng doanh thu 45.690 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2017. Nguồn: Internet

Với 31 doanh nghiệp bảo hiểm đang hoạt động, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam được đánh giá là khá chật chội. Không chỉ các công ty bảo hiểm phi nhân thọ có thị phần nhỏ phải rất nỗ lực để có thể cạnh tranh và phát triển, mà ngay cả các công ty thị phần lớn cũng phải chạy đua cạnh tranh về phí bảo hiểm, về chi phí dịch vụ để duy trì cũng như gia tăng thị phần. Ðiều này khiến mức độ cạnh tranh trên thị trường ngày càng khốc liệt.

Dù vậy, với mức tăng trưởng đạt 2 con số mỗi năm, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam được nhìn nhận còn dư địa để phát triển. Ðơn cử, theo số liệu của Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), kết thúc năm 2018, thị trường phi nhân thọ đạt tổng doanh thu 45.690 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2017.

Bên cạnh những tập đoàn tài chính Hàn Quốc, theo tìm hiểu của Báo Ðầu tư Chứng khoán, trong chuyến thăm Việt Nam mới đây, tổng giám đốc một tập đoàn bảo hiểm nhân thọ trụ sở tại châu Âu (có thành viên là công ty bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam) đã bày tỏ tham vọng mở thêm công ty bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam.

Tại Ðại hội đồng cổ đông thường niên 2019 mới đây, các cổ đông của Tổng CTCP Bảo Minh (mã BMI, sàn HOSE) đã thông qua chủ trương nới room và nâng tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài tại lên 100%. Hiện nay, tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài tại Bảo Minh là 49% vốn điều lệ.

Cổ đông hiện hữu tại Bảo Minh bao gồm: Tổng công ty Ðầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) nắm giữ 50,7% cổ phần; Tập đoàn Tài chính bảo hiểm AXA (Pháp) sở hữu 16,65% cổ phần, Công Ty TNHH Firstland sở hữu 6% cổ phần, số cổ phần còn lại do các cán bộ - nhân viên Bảo Minh và cổ đông bên ngoài nắm giữ.

Ðược biết, SCIC đang thuê một đơn vị đánh giá lại toàn bộ giá trị của Bảo Minh để lên kế hoạch thoái vốn trong thời gian tới. Trao đổi với Báo Ðầu tư Chứng khoán về khả năng cổ đông AXA sẽ mua thêm cổ phần khi Bảo Minh nới room, ông Lê Văn Thành, Tổng giám đốc Bảo Minh cho biết, chưa có thông tin gì về kế hoạch này. Tuy nhiên, ông Thành tiết lộ, trước đó AXA đã đàm phán với một nhà đầu tư Hàn Quốc để chuyển nhượng số cổ phần tại Bảo Minh cho nhà đầu tư này, nhưng thương vụ không thành công.

“Có thể AXA sẽ có chiến lược mới sau khi Bảo Minh nới room cho nhà đầu tư ngoại”, ông Thành nói.

Ðược biết, cổ phiếu BMI hiện được khá nhiều ngân hàng và quỹ đầu tư nước ngoài quan tâm. Ngoài ra, cổ đông Firstland cũng bày tỏ mong muốn được sở hữu thêm cổ phần của hãng bảo hiểm này.

“Sau khi mua toàn bộ cổ phần BMI từ Vietnam Airlines, Firstland tiếp tục mua vào cổ phiếu BMI trên thị trường chứng khoán và hiện cổ đông này vẫn muốn nâng tỷ lệ cổ phần tại Bảo Minh", ông Thành cho hay.

Ở một diễn biến khác, trong chiến lược kinh doanh năm 2019, Tổng công ty Bảo hiểm Quân đội (mã MIG, sàn UPCoM), hãng bảo hiểm có thị phần đứng thứ 6 trên thị trường phi nhân thọ lên kế hoạch sẽ tăng vốn điều lệ, tìm kiếm đối tác chiến lược và đưa cổ phiếu sang niêm yết trên sàn HOSE vào quý III/2019. Theo hãng bảo hiểm này, việc chuyển sàn sẽ giúp Bảo Minh thuận lợi trong hoạt động kinh doanh, cũng như tìm kiếm đối tác tốt để thực hiện chiến lược M&A.

“Tuy cạnh trạnh gay gắt, nhưng thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để phát triển khi có nhiều phân khúc chưa được doanh nghiệp bảo hiểm khai thác”, một chuyên gia bảo hiểm đến từ Hàn Quốc nhìn nhận.

Tập đoàn bảo hiểm nơi chuyên gia này làm việc hiện đã có mặt tại Việt Nam với tư cách là cổ đông chiến lược của 1 trong 5 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ có thị phần lớn nhất thị trường.

"Không dễ để có thể vượt qua những 'cây đa, cây đề' của làng bảo hiểm Việt Nam vươn lên vị trí dẫn đầu, nhưng khi thời cơ đến thì phải nắm lấy. M&A với một công ty bảo hiểm khác chính là con đường duy nhất để chúng tôi có thể trở thành công ty bảo hiểm phi nhân thọ lớn mạnh nhất thị trường này”, vị chuyên gia này chia sẻ về tham vọng dẫn đầu thị phần bảo hiểm phi nhân thọ Việt.