Nhiều dư địa phát triển cho thị trường bảo hiểm Việt Nam

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính tháng 1+ 2 năm 2021

Trong năm 2020, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã tác động đáng kể đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của Việt Nam, trong đó có lĩnh vực bảo hiểm.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Tuy nhiên, với tình hình kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19, Chính phủ đã và đang nỗ lực triển khai hàng loạt các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, khôi phục sản xuất kinh doanh, thị trường bảo hiểm năm 2020 vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng ấn tượng. Trên cơ sở kết quả này, năm 2021, thị trường bảo hiểm được kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng ổn định và bền vững.

5 yếu tố cộng hưởng để thị trường bảo hiểm bứt phá

Trong năm 2020, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã tác động sâu sắc đến mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội nước ta, trong đó có lĩnh vực bảo hiểm. Việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, trong đó có giãn cách, cách ly xã hội trong thời gian đầu đã làm ảnh hưởng đến hoạt động khai thác mới cũng như phục vụ khách hàng của các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH).

Mặc dù vậy, với tình hình kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam, Chính phủ đã nỗ lực triển khai hàng loạt các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế, thị trường bảo hiểm năm 2020 duy trì được tốc độ tăng trưởng ấn tượng.

Hiện nay, thị trường bảo hiểm Việt Nam có 69 DN (trong đó có 31 DNBH phi nhân thọ, 18 DN bảo hiểm nhân thọ, 18 DN môi giới bảo hiểm, 2 DN tái bảo hiểm) và 01 chi nhánh DNBH phi nhân thọ nước ngoài.

Tổng tài sản của thị trường bảo hiểm ước cả năm 2020 ước đạt 552.4 nghìn tỷ đồng, tăng 21,5% so với năm 2019; đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 460.4 nghìn tỷ đồng, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2019; tổng nguồn vốn chủ sở hữu ước đạt 113,5 nghìn tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2019; tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 184,7 nghìn tỷ đồng, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2019; chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 48,2 nghìn tỷ đồng.

Kết quả ấn tượng của thị trường bảo hiểm đạt được nhờ những yếu tố sau:

Một là, việc kiểm soát tốt dịch bệnh cũng tạo điều kiện và môi trường ổn định cho các DN nói chung, DHBH nói riêng khôi phục, đẩy mạnh triển khai hoạt động kinh doanh.

Nhiều dư địa phát triển cho thị trường bảo hiểm Việt Nam - Ảnh 1

Hai là, Bộ Tài chính (Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm) đã kịp thời hoàn thiện các chính sách hỗ trợ các DNBH, bám sát thị trường, nắm bắt tình hình thị trường để sửa đổi, bổ sung các chính sách nhằm phát triển toàn diện thị trường bảo hiểm an toàn, bền vững, hiệu quả.

Điển hình như: Ngày 11/11/2020, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 89/2020/TT-BTC sửa đổi, bổ sung 04 thông tư trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, trong đó sửa đổi về trích lập dự phòng nghiệp vụ giúp các DN giảm sức ép về vốn trong ngắn hạn và có khoảng thời gian phù hợp để thực hiện các phương án tài chính tổng thể, ổn định kinh doanh trong bối cảnh lãi suất đầu tư, lãi suất trái phiếu chính phủ giảm mạnh và dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến khó lường.

Ba là, Bộ Tài chính luôn đồng hành cùng DN thông qua việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc, cũng như có các chính sách hỗ trợ DN vượt qua giai đoạn khó khăn. Bên cạnh các chính sách chung về giãn, hoãn, giảm thuế cho DN, Bộ Tài chính cũng đã thực hiện các giải pháp hỗ trợ thị trường bảo hiểm như: Giảm mức trích nộp Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm trong năm 2020 (từ mức 0,15% xuống 0,05% tổng doanh thu phí bảo hiểm); giãn, hoãn kế hoạch kiểm tra các DN sang năm 2021; cho phép các DN tổ chức thi chứng chỉ đại lý bảo hiểm theo hình thức online...

Bốn là, trước những khó khăn do dịch Covid-19 gây ra, các DNBH đã chủ động trong việc thích nghi với hoạt động sản xuất kinh doanh trong tình hình mới như: Chủ động rà soát, cắt giảm chi phí nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, bổ sung vốn điều lệ để tăng cường năng lực tài chính và mở rộng các kênh phân phối, nhất là kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng; đẩy mạnh các hình thức phân phối bảo hiểm trực tuyến...

Các DN cũng tăng cường đầu tư cho công nghệ thông tin và chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và trải nghiệm của khách hàng như: Triển khai chương trình giải quyết quyền lợi bảo hiểm trực tuyến; thẻ bảo lãnh viện phí điện tử; tư vấn bảo hiểm trực tuyến thông qua Chatbot; ứng dụng chăm sóc sức khỏe trên nền tảng trí tuệ nhân tạo, ứng dụng công nghệ thông tin trong huấn luyện, tư vấn bán hàng từ xa…

Năm là, về phía người tham gia bảo hiểm, nhận thức về tầm quan trọng và ý nghĩa về bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe đã được nâng lên trong những năm qua và nhất là trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19. Vì vậy, người dân đã chủ động hơn, trong việc tiếp cận và tham gia bảo hiểm.

Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp bảo hiểm ngày càng được cải thiện

Ngoài kết quả kinh doanh ấn tượng trong năm 2020, nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp theo Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam giai đoạn 2011-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thị trường bảo hiểm Việt Nam đã đạt được những kết quả nhất định. Cụ thể:

Nhiều dư địa phát triển cho thị trường bảo hiểm Việt Nam - Ảnh 2

- Khung khổ pháp lý về kinh doanh bảo hiểm dần được hoàn thiện theo hướng đơn giản hóa và giảm bớt thủ tục hành chính, tạo môi trường pháp lý đồng bộ, công khai, minh bạch và bình đẳng cho các DN kinh doanh bảo hiểm; góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng cao cho thị trường bảo hiểm trong giai đoạn vừa qua. 

- Công tác quản lý, giám sát nhà nước về kinh doanh bảo hiểm được đẩy mạnh theo hướng kết hợp giữa quản lý, giám sát từ xa và kiểm tra tại chỗ, tăng cường đối thoại trực tiếp với DN để giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ DN phát triển.

Cơ quan quản lý đã được kiện toàn về mô hình tổ chức và tăng cường về chức năng nhiệm vụ, đảm bảo thực hiện tốt chức năng quản lý, giám sát, hỗ trợ thị trường bảo hiểm phát triển an toàn, ổn định; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia bảo hiểm và của các DNBH.

- Các DNBH hoạt động an toàn, hiệu quả, năng lực cạnh tranh của các DN ngày càng được cải thiện. Các sản phẩm và chất lượng dịch vụ được tăng cường ngày càng đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tham gia bảo hiểm.

Vai trò và tiềm năng phát triển thị trường bảo hiểm

Vai trò của thị trường bảo hiểm

Thực tế những năm qua cho thấy, thị trường bảo hiểm ngày càng thể hiện vai trò, vị trí quan trọng trong nền kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện thành công các giải pháp chủ yếu về chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn 2011-2020, cụ thể như:

- Công cụ hữu ích bảo vệ tài chính cho các nhà đầu tư. Cho đến nay, bảo hiểm đã và đang bảo vệ hầu hết các loại hình tài sản của mọi thành phần và ngành nghề kinh tế với nhiều loại hình bảo hiểm đa dạng như: bảo hiểm tài sản thiệt hại, bảo hiểm hàng không, bảo hiểm hàng hải, bảo hiểm tín dụng, bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm thủy sản... Theo thống kê của các DNBH, khoảng 80% các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình kinh tế lớn của Nhà nước đã được các DNBH bảo vệ về mặt tài chính trong trường hợp xảy ra sự kiện bảo hiểm mà không cần phải sử dụng đến nguồn kinh phí hỗ trợ thiệt hại từ ngân sách nhà nước, góp phần thực hiện chính sách tài khóa.

Tổng tài sản của thị trường bảo hiểm ước cả năm 2020 ước đạt 552.4 nghìn tỷ đồng, tăng 21,5% so với năm 2019; đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 460.4 nghìn tỷ đồng, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2019; tổng nguồn vốn chủ sở hữu ước đạt 113,5 nghìn tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2019; tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 184,7 nghìn tỷ đồng, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2019; chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 48,2 nghìn tỷ đồng.

- Góp phần bổ trợ cho các chính sách an sinh xã hội. Hiện nay, khoảng 11,6 triệu người tham gia bảo hiểm nhân thọ (tương đương 12% dân số); trên 12 triệu học sinh được bảo hiểm sức khỏe, tai nạn; 18 triệu lượt khách được bảo hiểm hàng không; trên 12 triệu lượt khách được bảo hiểm tai nạn đường sắt; 1.620 triệu lượt khách được bảo hiểm tai nạn hành khách vận chuyển đường bộ. Những người được bảo hiểm này đã tự thu xếp, bảo vệ về mặt tài chính và được bảo hiểm chi trả bồi thường khi không may xảy ra tai nạn, ốm đau, mà không cần tới sự hỗ trợ tài chính từ ngân sách nhà nước.

- Góp phần thực hiện các chương trình mục tiêu, nhiệm vụ cấp bách của Chính phủ với các chính sách bảo hiểm thí điểm, vì mục tiêu an sinh xã hội như bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm thủy sản. Một số chính sách bảo hiểm thiên tai hiện đang được triển khai nghiên cứu xây dựng sẽ có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu.

- Thúc đẩy hội nhập, hợp tác kinh tế quốc tế. Việc tham gia thị trường của các công ty bảo hiểm nước ngoài, các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài vào các DNBH trong nước không chỉ nâng cao năng lực tài chính, năng lực quản trị điều hành, nghiệp vụ chuyên môn bảo hiểm cho thị trường bảo hiểm, mà còn góp phần xây dựng hình ảnh môi trường đầu tư lành mạnh, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực liên quan khác. Về hội nhập kinh tế quốc tế, trong hiệp định tự do hoá thương mại song phương và đa phương, lĩnh vực bảo hiểm luôn cam kết với lộ trình và mức độ mở cửa thị trường cao, tạo điều kiện thúc đẩy hàng hoá Việt Nam thâm nhập vào các thị trường lớn có mức độ bảo hộ cao như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản...

Tiềm năng phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam

Nhiều dư địa phát triển cho thị trường bảo hiểm Việt Nam - Ảnh 3

Mặc dù thị trường bảo hiểm Việt Nam năm 2020 đạt mức tăng trưởng cao, ổn định nhưng quy mô vẫn còn nhỏ so với tiềm năng. Tỷ lệ doanh thu phí bảo hiểm trên GDP hiện nay mới chỉ đạt mức 3,07%, thấp hơn so với mức trung bình của khối ASEAN (3,35%), châu Á (5,37%) và mức trung bình thế giới (6,3%). Đặc biệt, một số lĩnh vực như bảo hiểm thiên tai, bảo hiểm tài sản công, bảo hiểm xuất nhập khẩu, bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe... tiềm năng của thị trường vẫn chưa được khai thác hết.

Trong bối cảnh đó, để tái cơ cấu thị trường bảo hiểm phát triển bền vững, ngày 28/2/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 242/QĐ-TTg phê duyệt Đề án cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025. Nhằm thực hiện mục tiêu phát triển toàn diện thị trường bảo hiểm an toàn, bền vững, Đề án đã đề ra nhiều giải pháp với lộ trình thực hiện bao gồm: Hoàn thiện cơ sở pháp lý; Nâng cao tính minh bạch thông tin của thị trường; Phát triển và chuyên nghiệp hóa các kênh phân phối bảo hiểm...

Định hướng phát triển thị trường bảo hiểm trong năm 2021

Để thúc đẩy thị trường bảo hiểm tiếp tục phát triển ổn định trong năm 2021 cần tập trung triển khai các giải pháp cụ thể sau:

Thứ nhất, nghiên cứu và hoàn thiện trình Quốc hội quyết định xây dựng Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi; xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành; đẩy mạnh thực hiện đơn giản hóa các thủ tục hành chính; tăng cường kết nối với các cơ quan quản lý, hội nhập, hợp tác quốc tế.

Thứ hai, nâng cao tính minh bạch thông tin của DNBH.

Thứ ba, phát triển và chuyên nghiệp hóa các kênh phân phối bảo hiểm theo kịp với sự phát triển của Cách mạng công nghiệp 4.0.

Thứ tư, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước và hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử phạt hành chính.

Thứ năm, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Thứ sáu, tăng cường vai trò của các hội nghề nghiệp với việc là đầu mối của toàn thị trường, cầu nối với các cơ quan có liên quan để thực thi chính sách hiệu quả.

Thứ bảy, tăng cường kết nối liên thông giữa bảo hiểm xã hội với bảo hiểm y tế thương mại.

Thứ tám, thiết lập hệ thống công nghệ thông tin, hạ tầng kỹ thuật; xây dựng cơ sở dữ liệu cho thị trường bảo hiểm.

Thứ chín, đối với lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ: Nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động của các DNBH phi nhân thọ, đảm bảo an toàn hệ thống; Nâng cao tính tuân thủ pháp luật của các DNBH phi nhân thọ; Tăng cường hợp tác trong hoạt động kinh doanh của các DNBH phi nhân thọ.

Thứ mười, đối với lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ: Khuyến khích phát triển đa dạng các sản phẩm mới; Đa dạng hóa phương thức và phát triển các sản phẩm bảo hiểm phù hợp với xu thế kinh doanh gắn liền với Cách mạng công nghiệp 4.0; Chú trọng, nâng cao chất lượng tư vấn, tính chuyên nghiệp của đại lý bảo hiểm; Phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, các DNBH và các cơ quan truyền thông, báo chí để đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân, các tổ chức, cơ quan về bảo hiểm nói chung và bảo hiểm nhân thọ nói riêng, phòng chống các hiện tượng trục lợi bảo hiểm.