Nhiều lợi ích từ cải cách hành chính bảo hiểm xã hội

PV.

Thời gian qua, công tác tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính được cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) các cấp thực hiện qua giao dịch điện tử, đã giúp tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19. Ý nghĩa hơn, những cải cách về thủ tục hành chính đã được cộng đồng doanh nghiệp, người dân ghi nhận, đánh giá cao.

BHXH Việt Nam đã thực hiện cung cấp 722 tài khoản cho các đơn vị trực thuộc.
BHXH Việt Nam đã thực hiện cung cấp 722 tài khoản cho các đơn vị trực thuộc.

Cung cấp 722 tài khoản cho các đơn vị trong ngành BHXH

Theo Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2020, ngành BHXH đã tập trung mọi nguồn lực rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) gắn với ứng dụng công nghệ thông tin. Đặc biệt, trong đợt cao điểm phòng chống dịch Covid-19, công tác tiếp nhận và trả kết quả TTHC được thực hiện qua giao dịch điện tử, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp (DN), đảm bảo an toàn phòng dịch.

BHXH Việt Nam đã thực hiện cung cấp 722 tài khoản cho các đơn vị trực thuộc, BHXH các tỉnh, thành phố, BHXH cấp huyện để tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về TTHC trên Hệ thống phản ánh, kiến nghị tại Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Trong thời gian tới, toàn ngành BHXH sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đồng thời, ngành BHXH sẽ hoàn thiện cơ sở dữ liệu tập trung cũng như triển khai hệ thống tương tác đa phương tiện với người dân và doanh nghiệp; tiếp tục tích hợp các dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công quốc gia theo lộ trình đã đề ra, hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp…

Cùng với đó, BHXH Việt Nam chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố tiếp tục đẩy mạnh thực hiện việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC qua giao dịch điện tử. Việc tiếp nhận, trả kết quả TTHC trực tiếp tại bộ phận “một cửa”, qua dịch vụ bưu chính công ích tiếp tục được duy trì, đảm bảo phục vụ tốt nhất quyền lợi của người tham gia và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. 

Một trong những điểm nhấn nổi bật khác,  BHXH Việt Nam đã hoàn thiện, nâng cấp các phần mềm nghiệp vụ; hệ thống tổng hợp và phân tích dữ liệu tập trung ngành BHXH; hệ thống cấp mã số BHXH và quản lý bảo hiểm y tế (BHYT) hộ gia đình; thực hiện kết nối với hệ thống thông tin quản lý hộ tịch qua Trục dữ liệu quốc gia phục vụ liên thông khai sinh, cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi… 
Thống kê cho thấy, hiện nay, đã có 18 dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4 được triển khai trên Cổng Dịch vụ công ngành BHXH. Cùng với đó, kết nối liên thông, cung cấp dịch vụ công “Tạm dừng đóng vào Quỹ Hưu trí và tử tuất do ảnh hưởng dịch Covid-19” trên Cổng Dịch vụ công quốc gia và Cổng Giao dịch điện tử của BHXH Việt Nam.

BHXH tham gia xác nhận thông tin cho 2 dịch vụ công hỗ trợ người dân, DN gặp khó khăn do dịch Covid-19; cung cấp miễn phí phần mềm kê khai nộp BHXH (Phần mềm K-BHXH) lên phiên bản web để hỗ trợ đơn vị sử dụng lao động và cá nhân tham gia giao dịch điện tử với cơ quan BHXH; cho phép cá nhân thực hiện nộp hồ sơ đối với 8 TTHC liên quan đến giải quyết các chế độ BHXH qua giao dịch điện tử.

Trường hợp cá nhân thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH nhưng chưa được cấp chứng thư số thì được sử dụng mã xác thực giao dịch điện tử do BHXH Việt Nam cấp. Điều này giúp người dân có thể gửi yêu cầu giải quyết các TTHC trực tiếp trên môi trường mạng, giảm thời gian đi lại và chờ đợi so với nộp hồ sơ trực tiếp tại bộ phận “một cửa”.

Tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp

Theo BHXH Việt Nam, hiện nay, cơ quan này đã tích hợp, cung cấp 13 dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Trong đó, bao gồm 1 dịch vụ công “Cấp lại thẻ BHYT do hỏng, mất”. Số lượng hồ sơ của dịch vụ công cấp lại thẻ BHYT do hỏng, mất tiếp nhận và giải quyết từ Cổng Dịch vụ công quốc gia tính đến 17/7/2020 là 992 hồ sơ (tính riêng từ ngày 1/7 đến 15/7/2020 là 176 hồ sơ).

Tiếp đó là 9 dịch vụ công (thuộc 6 TTHC) như: Đăng ký, điều chỉnh đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BH thất nghiệp; cấp sổ BHXH, thẻ BHYT (đăng ký mới); đăng ký, điều chỉnh đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BH thất nghiệp; cấp sổ BHXH, thẻ BHYT (báo giảm); đăng ký, điều chỉnh đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BH thất nghiệp; cấp sổ BHXH, thẻ BHYT (điều chỉnh mức đóng); cấp lại sổ BHXH do điều chỉnh nội dung đã ghi trên sổ BHXH; giải quyết hưởng chế độ ốm đau; giải quyết hưởng chế độ thai sản; giải quyết hưởng trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình; đóng tiếp BHXH tự nguyện. 

3 dịch vụ công hỗ trợ người dân và DN gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 gồm:  Tạm dừng đóng vào Quỹ Hưu trí và tử tuất do ảnh hưởng của Covid-19; hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động. 

Ngoài các dịch vụ công trên, BHXH Việt Nam còn cung cấp các dịch vụ công khác theo Quyết định số 411/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã hoàn thành việc kết nối kỹ thuật, đang thực hiện chạy thử trước khi cung cấp chính thức trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Các dịch vụ công cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia của BHXH Việt Nam được đánh giá tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí. Theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ về kết quả xây dựng, vận hành Cổng Dịch vụ công quốc gia quý II/2020, nếu đa số người tham gia BHXH tự nguyện và chỉ 50% người tham gia BHYT theo hộ gia đình thực hiện thanh toán trực tuyến thì mỗi năm sẽ tiết kiệm được hơn 930 tỷ đồng chi phí đi lại.

BHXH Việt Nam cho biết, trong thời gian tới, toàn ngành BHXH sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đồng thời, ngành BHXH sẽ hoàn thiện cơ sở dữ liệu tập trung cũng như triển khai hệ thống tương tác đa phương tiện với người dân và doanh nghiệp; tiếp tục tích hợp các dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công quốc gia theo lộ trình đã đề ra, hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp…