Phúc lợi xã hội đối với người lao động: Thước đo năng suất lao động

Theo Thái Yến/daibieunhandan.vn

Đây là đánh giá, nhận định các chuyên gia xung quanh việc có nên luật hóa quy định thưởng Tết hay không. Thực tế, dù Điều 103, Bộ luật Lao động quy định: Tiền thưởng là khoản tiền mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh hàng năm và mức độ hoàn thành công việc của người lao động. Tuy nhiên, chuyện thưởng Tết vẫn luôn nóng mỗi khi Tết đến xuân về.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Chưa coi trọng chính sách phúc lợi xã hội

Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, chính sách mới nhằm tạo điều kiện để doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phát triển, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người lao động; các chính sách bắt buộc để người sử dụng lao động phải bảo đảm tốt phúc lợi cho người lao động. Theo đó, từ năm 2016, Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản cụ thể, thiết thực nhằm đẩy mạnh việc bảo đảm phúc lợi cho đoàn viên và người lao động.

Cụ thể như Nghị quyết số 7c, năm 2016 về “Chất lượng bữa ăn ca của người lao động”; đề xuất với Thủ tướng phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất”; Chương trình “Vì lợi ích đoàn viên” được khởi động từ đầu năm 2017; chương trình “Tết sum vầy”; Chương trình “Mái ấm công đoàn”...

Tuy nhiên, theo Phó trưởng ban Chính sách Kinh tế xã hội, thi đua khen thưởng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Vũ Hồng Quang, vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đến phúc lợi cho người lao động, điển hình có doanh nghiệp nợ Bảo hiểm xã hội tới hàng chục tỷ đồng. Bên cạnh đó, việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động mỗi dịp Tết đến vẫn chưa thực sự được doanh nghiệp chú trọng. Nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thực sự coi việc thực hiện các chính sách phúc lợi xã hội là trách nhiệm của mình với người lao động.

Đồng quan điểm, nhiều chuyên gia lao động cũng cho rằng, bản chất của phúc lợi là chia sẻ, phân phối lại lợi nhuận thông qua các hình thức khác nhau. Việc thực hiện phúc lợi cho người lao động mang lại nhiều lợi ích như: Người lao động có động lực làm việc, từ đó dẫn tới tăng năng suất lao động.

Người lao động yên tâm và gắn bó với công việc, từ đó giảm biến động lao động, giảm chi phí liên quan đến tuyển dụng, đào tạo lao động mới và thời gian làm quen với công việc. “Lợi ích đem lại từ việc thực hiện phúc lợi xã hội rất lớn nhưng lâu nay lại chưa được doanh nghiệp coi là động lực trong phát triển. Chính vì chính sách đãi ngộ thấp không bảo đảm  nên người lao động thường có tâm lý “nhảy việc” - Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn Phạm Thị Thu Lan nói.

Bảo đảm phúc lợi, doanh nghiệp hưởng lợi

Báo cáo mới nhất về phúc lợi và thưởng Tết năm 2019 tại Việt Nam do Công ty tuyển dụng, việc làm Việt Nam (VietnamWorks) vừa phát hành dựa trên phản hồi khảo sát của gần 500 chuyên gia nhân sự và 3.400 người tìm việc cho thấy, có hơn ¼ nhân viên cho biết, sẽ nghỉ việc sau Tết nếu không nhận được mức thưởng Tết như mong đợi.

Cụ thể: 82% nhân viên lựa chọn sẽ phản ứng cụ thể nếu không nhận được thưởng Tết như đúng với mong đợi, trong đó 27% lựa chọn sẽ nghỉ việc và xin việc nơi khác có mức thưởng Tết tốt hơn; 55% lựa chọn sẽ cùng đồng nghiệp kiến nghị công ty phải thưởng Tết.

“Một chính sách phúc lợi tốt kèm các gói thưởng Tết hợp lý là công cụ hữu hiệu để giữ chân nhân tài và thu hút ứng viên tiềm năng cho doanh nghiệp. Để xây dựng một hệ thống phúc lợi và thưởng Tết hợp lý, các chuyên gia nhân sự trước hết phải am hiểu mong muốn, nguyện vọng của nhân viên, cũng như nắm vững các xu hướng phúc lợi chung của thị trường” - Tổng Giám đốc của Navigos Group ông Gaku Echizenya nhấn mạnh.

Từ góc độ đại diện cho người lao động, Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Lê Đình Quảng cũng cho rằng, xét từ góc độ luật pháp và trên thực tế, các doanh nghiệp cũng nên cân nhắc về mức thưởng Tết bởi mức thưởng đó phản ánh về trách nhiệm của doanh nghiệp về chính sách phúc lợi cho người lao động.

Hơn nữa, hiện nay trong cơ chế thị trường, nhu cầu nhân lực các vị trí luôn sẵn, nên người lao động có quyền lựa chọn chọn nơi làm việc có chế độ phúc lợi tốt hơn. Mặc dù bớt được một đồng khi không thực hiện chính sách phúc lợi nhưng thực tế lại mất 10 đồng cho việc tuyển và đào tạo lại nguồn nhân lực khi người lao động nhảy việc.

Thực tế cũng cho thấy, ngoài tiền lương, tiền thưởng, các chế độ đãi ngộ và phúc lợi xã hội cũng góp phần thúc đẩy nâng cao năng lực người sử dụng lao động. Để có thể bảo đảm chính sách phúc lợi xã hội tốt cho người lao động bà Phạm Thị Thu Lan cho rằng, doanh nghiệp thực hiện phúc lợi tốt sẽ khiến người lao động yên tâm và gắn bó với công việc, từ đó giảm biến động lao động, giảm chi phí liên quan đến tuyển dụng, đào tạo lao động mới và thời gian làm quen với công việc.

Do đó, các doanh nghiệp cần phải tuân thủ pháp luật và tham gia thương lượng tập thể một cách thiện chí, không phân biệt đối xử, thao túng; thương lượng thực chất và bình đẳng với công đoàn và người lao động để bảo đảm phúc lợi trong các bản thỏa ước có chất lượng.