Rủi ro thanh toán phí bảo hiểm bằng tiền mặt

Theo Gia Linh/tinnhanhchungkhoan.vn

Các công ty bảo hiểm đang nỗ lực tăng tỷ lệ thu phí bảo hiểm không dùng tiền mặt, nhằm mang lại sự thuận tiện cho khách hàng, đồng thời giảm thiểu rủi ro cho cả hai bên.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tòa án nhân dân tỉnh Phú Yên vừa tuyên án sơ thẩm đối với nhân viên bán bảo hiểm của một hãng bảo hiểm phi nhân thọ trong nước, với mức án 7 năm tù về tội tham ô tài sản.

Theo hồ sơ vụ án, từ tháng 6/2014 - 3/2016, đại lý bảo hiểm này ký 41 hợp đồng bán bảo hiểm ô tô với 24 khách hàng, tổng số tiền hơn 332 triệu đồng, nhưng chỉ nộp về cho công ty hơn 57 triệu đồng. Ðể không bị phát hiện, sau khi thu phí bảo hiểm, đại lý bảo hiểm không báo về công ty, không xuất hóa đơn…

Hiện tượng trên không phải hiếm xảy ra trên thị trường bảo hiểm Việt Nam. Vì vậy, các công ty bảo hiểm phi nhân thọ đã đưa ra một số giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt như liên kết với ngân hàng để khách hàng có thể đóng phí qua ngân hàng, thu phí bằng POS...

Ðại diện một công ty bảo hiểm phi nhân thọ cho biết, việc trang bị cho đội ngũ bán bảo hiểm hệ thống POS làm tăng thêm nhiều chi phí đầu tư mua sắm thiết bị này, chưa kể các công ty bảo hiểm phải trích trả 1 - 3% phí chuyển tiền. Tuy nhiên, không phải khách hàng nào cũng sử dụng giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt, vì thói quen tiêu dùng tiền mặt của khách hàng, nhất là khách hàng ở các địa phương.

Ðể hạn chế rủi ro, các doanh nghiệp bảo hiểm kiểm soát chặt việc sử dụng giấy chứng nhận bảo hiểm, yêu cầu cán bộ, nhân viên, đại lý báo cáo tần suất giấy chứng nhận đã được cấp. Số giấy chứng nhận bảo hiểm được bán ra sẽ tương đương với số tiền phí bảo hiểm thu được, từ đó đốc thúc, nhắc nhở việc nộp phí đầy đủ. Trường hợp quá thời hạn nộp phí mà đại lý chưa nộp, doanh nghiệp có thể khởi kiện đại lý hoặc có hình thức kỷ luật đối với cán bộ, nhân viên.

“Tất nhiên, doanh nghiệp bảo hiểm vẫn phải trực hiện trách nhiệm đối với các quyền lợi của khách hàng theo như hợp đồng khi khách hàng đã chứng minh được việc nộp phí đầy đủ”, vị đại diện lãnh đạo công ty bảo hiểm trên nói.

Hiện tại, giao dịch tiền mặt và phiếu thu phí bảo hiểm vẫn là vấn đề trăn trở của hầu hết các công ty bảo hiểm. Việc đại lý bảo hiểm thu phí bảo hiểm định kỳ của khách hàng rồi không đóng về công ty bảo hiểm dẫn đến việc hợp đồng khách hàng mất hiệu lực hợp đồng, gây ra khiếu nại, kiện tụng. Nếu bộ phận chăm sóc khách hàng xử lý không khéo có thể phát sinh thêm mâu thuẫn. Ngoài ra, việc sử dụng phiếu thu phí bằng giấy, khách hàng dễ làm thất lạc, hay khách hàng không để ý các mẫu phiếu thu phí đã hết hạn.

Chính vì thế, các công ty bảo hiểm nhân thọ đều đang siết chặt việc quản lý phiếu thu và hóa đơn thu phí. Nhưng đó cũng chỉ là giải pháp trước mắt. Ðể hạn chế tối đa việc đại lý lạm dụng và chiếm dụng phí bảo hiểm của khách hàng, giải pháp lâu dài là đa dạng hóa các kênh thu phí không bằng tiền mặt.

Theo tìm hiểu của Ðầu tư Chứng khoán, tỷ lệ thanh toán phí bảo hiểm không dùng tiền mặt của nhiều doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ từ 45% đến hơn 50%. Ở các thành phố lớn, tỷ lệ này cao hơn.

“Chúng tôi đã thử nghiệm và đang tuyên truyền cho khách hàng một phương thức mới, thanh toán bằng tiền mặt ứng dụng công nghệ số dành cho đội ngũ tư vấn bảo hiểm. Khi đại lý nhận tiền mặt của khách hàng phải nhắn tin về công ty báo đã thu tiền của khách hàng, công ty sẽ gửi lại tin nhắn cho khách hàng, xác nhận số tiền khách hàng đã đóng.

Khách hàng có thể yên tâm vì công ty đã biết việc họ đóng phí, công ty cũng biết đại lý đã thu và có trách nhiệm nộp phí về công ty trong vòng 24 giờ”, tổng giám đốc một công ty bảo hiểm nhân thọ nói và cho biết, sắp tới có chữ ký điện tử sẽ tiến tới bỏ luôn hợp đồng giấy.