Bảo hiểm Xã hội - Bảo hiểm Y tế:

Tăng quyền lợi, giảm nợ đọng

Theo Thảo Mộc/daibieunhandan.vn

Tại Hội nghị cung cấp thông tin định kỳ về về bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) tháng 3.2019, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh khẳng định, chủ trương toàn ngành là chú trọng giảm nợ đọng BHXH, BHYT; duy trì tỷ lệ nợ thấp liên tục các tháng trong năm, bảo đảm quyền lợi cho người lao động, phấn đấu cuối năm 2019 số nợ thấp hơn năm trước.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Gia tăng nợ BHXH

Về tình hình nợ đọng BHXH, BHYT, Phó Trưởng ban Thu, BHXH Việt Nam Mai Đức Thắng thông tin, tính đến hết tháng 2, tổng số nợ BHXH phải tính lãi trong toàn quốc là 6.654 tỷ đồng và có chiều hướng gia tăng. Bên cạnh những đơn vị đang gặp khó khăn sản xuất, kinh doanh thực sự, cá biệt vẫn có đơn vị chưa chấp hành tốt, còn chây ỳ, trốn đóng BHXH; một số đơn vị còn tìm cách đối phó, trốn tránh, chiếm dụng tiền đóng của người lao động sử dụng vào mục đích khác.

Bên cạnh đó, số lượng đơn vị phá sản, giải thể, mất tích và chủ bỏ trốn còn cao. Điển hình như tại TP Hồ Chí Minh, đến nay, toàn thành phố có gần 2,4 triệu người tham gia BHXH bắt buộc. Tuy nhiên, trong đó có rất nhiều doanh nghiệp nợ với số tiền lên tới hơn 1.500 tỷ đồng, tương đương 3,85% tổng số nợ; cùng với đó có nhiều doanh nghiệp có biểu hiện gian lận, trốn đóng BHXH, BHYT cho người lao động. Phó Giám đốc BHXH TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Mỹ Dung cho biết, theo số liệu của Sở Kế hoạch và Đầu tư, hiện đang có 475.000 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh và hoạt động, nhưng chỉ có 97.000 doanh nghiệp đóng BHXH cho người lao động.

Để giảm thiểu số nợ và bảo đảm tốt nhất quyền lợi cho người lao động, Phó Trưởng ban Thu, BHXH Việt Nam Mai Đức Thắng cho hay, ngay trong những tháng đầu năm 2019 BHXH Việt Nam quyết liệt thực hiện các giải pháp; giao chỉ tiêu phấn đấu giảm nợ đến từng cá nhân, hàng tháng, hàng quý đánh giá tỷ lệ giảm nợ để làm căn cứ bình xét hiệu quả công việc; hàng quý sơ kết đánh giá rút kinh nghiệm và chia sẻ kinh nghiệm trong việc giảm nợ.

BHXH cũng công bố danh sách 20 doanh nghiệp có số nợ BHXH, BHYT lớn tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Đứng đầu trong danh sách này là Công ty CP LILAMA 3 với số nợ hơn 32,2 tỷ đồng. Tiếp theo là Công ty CP xây dựng công trình giao thông 1 - Hà Nội với số nợ là hơn 20 tỷ đồng. Đứng cuối danh sách là Công ty TNHH Dệt kim Fenix (Việt Nam) nợ hơn 9 tỷ đồng. Biện pháp này được đánh giá là khá hiệu quả trong việc thu hồi nợ bởi một số doanh nghiệp sau khi bị nêu tên đã nộp lại tiền cho cơ quan BHXH.

Tăng cường thanh tra chuyên ngành

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh nhấn mạnh, nợ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) không phải là một con số mà gắn với nó là quyền lợi của người lao động. Việc doanh nghiệp nợ vào những tháng đầu năm rồi đóng vào những tháng cuối năm khiến quyền lợi của nhiều người lao động không được bảo đảm thường xuyên, liên tục. Chính vì vậy, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố thực hiện việc thanh tra đột xuất tất cả các đơn vị nợ BHXH, BHYT từ 3 tháng trở lên mà phần mềm thu đã tự động cảnh báo.

Phó Vụ trưởng Vụ Thanh tra - Kiểm tra, BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Ngọc Lan cho biết, trong năm 2018, BHXH Việt Nam đã thực hiện tương đối tốt nhiệm vụ này và thu được nhiều kết quả tích cực. Theo đó, đã có trên 8.000 cuộc thanh tra, kiểm tra liên ngành được BHXH Việt Nam tổ chức; số tiền thu được sau các cuộc thanh tra, kiểm tra đạt gần 50%. Ngay từ đầu năm 2019, BHXH Việt Nam cũng tổ chức thanh tra tại tỉnh Cao Bằng (đối với 6 đơn vị). Trong quý I, tại các địa phương cũng tiến hành thanh tra, kiểm tra tại 817 đơn vị, trong đó thanh tra chuyên ngành đóng tại 371 đơn vị.

BHXH Việt Nam đã có Quyết định số 1458 về việc thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2019. Theo đó, BHXH Việt Nam sẽ chủ trì và phối hợp thực hiện thanh tra chuyên ngành, liên ngành tại 23 tỉnh, thành phố. Đồng thời, tiếp tục giao cho BHXH tỉnh, thành phố thực hiện thanh tra chuyên ngành tại 5.581 đơn vị; kiểm tra tại 6.815 đơn vị; thanh tra, kiểm tra liên ngành tại 4.197 đơn vị.

Vẫn vướng trong xử lý hình sự

Cùng với việc tăng cường thanh tra chuyên ngành, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh cho biết, trường hợp đơn vị cố tình trốn đóng, đã kiến nghị cơ quan công an điều tra, khởi tố theo quy định của Bộ luật Hình sự hoặc hướng dẫn người lao động tố giác hành vi vi phạm trong việc đóng với cơ quan công an để xử lý theo trình tự quy định của pháp luật.

Tuy vậy, vẫn còn vướng mắc trong xử lý hình sự đối với nhưng đơn vị, doanh nghiệp nợ đọng  BHXH, BHYT. Trong quý I, đã có 23 tỉnh, thành phố chuyển 162 doanh nghiệp nợ BHXH sang Tòa án Nhân dân, nhưng đến nay vẫn chưa xử lý được trường hợp nào.

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học, TANDTC Trần Văn Hà, việc xử lý hình sự doanh nghiệp gian lận, trốn đóng BHXH là vấn đề còn rất mới, nhạy cảm. Đặc biệt trong việc phân biệt, xác định thế nào là quan hệ hành chính, hình sự; phân tích khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp; phân biệt thế nào là trốn đóng, chậm đóng để cơ quan điều tra, truy tố, xét xử có thể vận dụng trong xử lý.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cho rằng, việc thiếu hướng dẫn thống nhất về quy trình chuyển giao hồ sơ tới cơ quan trung ương (TANDTC, VKSNDTC, Bộ Công an) cũng gây không ít khó khăn cho cơ quan BHXH địa phương. Chưa kể những vướng mắc khi định tội danh, về cấu thành tội phạm trong trường hợp nhiều doanh nghiệp áp dụng vẫn trừ tiền nhưng không khai với cơ quan BHXH. Do đó, trước mắt, có thể xem xét xử lý hình sự đối với các đơn vị đã có quyết định xử lý vi phạm hành chính từ 1 năm nhưng không chấp hành, không khắc phục…