Tập trung phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội hậu dịch Covid-19

Theo Hoa Quỳnh/congthuong.vn

Do dịch Covid-19, số người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc đang bị tác động tiêu cực, dự báo sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng trong năm 2020.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Cùng với nhiều lĩnh vực khác, trước tình hình dịch Covid-19, với chức năng tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), BHXH Việt Nam cũng đang chịu ảnh hưởng trực tiếp, gián tiếp tới các kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của ngành.

BHXH Việt Nam đang tích cực hỗ trợ DN về tạm dừng đóng quỹ hưu trí, tử tuất
BHXH Việt Nam đang tích cực hỗ trợ DN về tạm dừng đóng quỹ hưu trí, tử tuất
 

Báo cáo của Vụ Kế hoạch - Đầu tư (BHXH Việt Nam) cho biết, trong điều kiện bình thường, số lao động tham gia BHXH sẽ phát triển tăng thêm khoảng từ 5 - 6% so với năm trước liền kề. Tuy nhiên, tính đến 30/4/2020, trên toàn quốc, tổng số người tham gia BHXH bắt buộc là 14,419 triệu người, giảm 421.000 người so với tháng 3/2020 và giảm 780.000 người so với năm 2019. Số người tham gia BHXH tự nguyện cũng sẽ khó đạt được mức tăng như năm 2019.

Đáng chú ý, theo BHXH Việt Nam, số người tham gia BHXH bắt buộc của BHXH các tỉnh đều giảm mạnh so với thời điểm tháng 12/2019. Đặc biệt, một số địa phương đối tượng tham gia BHXH bắt buộc giảm nhiều như: TP. Hồ Chí Minh (giảm 210.982 người), Bình Dương (giảm 101.628 người), Hà Nội (giảm 65.038 người), Đà Nẵng (giảm 38.247 người), Đồng Nai (giảm 46.924 người)...

Ngoài ra, số tiền nợ đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp ghi nhận mức tăng nhẹ trong 3 tháng đầu năm 2020. Nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp và kéo dài số tiền nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp sẽ tiếp tục gia tăng so với cùng kỳ năm 2019... Số người hưởng trợ cấp thất nghiệp, BHXH một lần cũng có sự gia tăng khi nhiều người lao động mất việc làm, gặp khó khăn trong cuộc sống...

Nguyên nhân đối tượng tham gia BHXH, BHYT giảm, BHXH Việt Nam cho biết, do ảnh hưởng dịch Covid-19, các doanh nghiệp (DN) không nhập được nguyên liệu sản xuất từ Trung Quốc ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất; người lao động lo ngại không đến ứng tuyển tại các DN có nhiều chuyên gia người nước ngoài đến từ các quốc gia Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc gây khó khăn trong tuyển dụng lao động.

Riêng trong tháng 3/2020, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên nhiều DN cắt giảm lao động, giảm giờ làm để phòng tránh dịch bệnh; dịch bệnh diễn biến phức tạp nên công tác tuyên truyền trực tiếp chính sách BHXH tự nguyện chưa triển khai đúng tiến độ; đối tượng tham gia BHYT giảm một phần là do giảm đối tượng nghèo, cận nghèo, thoát nghèo.

Đề cập về hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, đại diện BHXH Việt Nam cho biết, đến nay đơn vị đã tham mưu, phối hợp cùng các bộ, ngành triển khai nhiều giải pháp để phục vụ tốt hơn, chung tay phòng, chống dịch bệnh như: Thực hiện chi trả tại nhà, chi trả gộp thời gian; chi trả BHYT với người nhiễm, cách ly Covid-19; đẩy mạnh giao dịch điện tử, qua hệ thống bưu chính hạn chế tiếp xúc trực tiếp...

Đặc biệt, BHXH Việt Nam đã thực hiện việc tạm dừng đóng BHXH vào quỹ hưu trí, tử tuất đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tính đến ngày 15/4/2020 toàn quốc có 173 đơn vị doanh nghiệp với 20.908 lao động đã được thực hiện tạm dừng đóng BHXH vào quỹ hưu trí và tử tuất, số tiền tạm dừng đóng của các đơn vị trên 91 tỷ đồng…

Bước vào giai đoạn bình thường mới, BHXH Việt Nam đã đưa ra một số định hướng, kế hoạch trong triển khai, thực hiện nhiệm vụ năm 2020. Theo 2 kịch bản, dịch Covid-19 được khống chế tại Việt Nam vào tháng 6/2020 và khống chế trên thế giới vào tháng 8/2020; dịch Covid-19 được khống chế tại Việt Nam vào tháng 6/2020 và khống chế trên thế giới vào tháng 10/2020, với mỗi kịch bản, BHXH Việt Nam đều có những điều chỉnh cụ thể về chỉ tiêu thu; chi trả, giải quyết chế độ; phát triển số người tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, BHXH tự nguyện; đầu tư quỹ…

Phó Tổng giám đốc Đào Việt Ánh đề nghị, các đơn vị nghiệp vụ cần thống kê, tổng hợp, phân tích kỹ hơn các số liệu, tình hình thực tế để xây dựng, hoàn thiện các kịch bản. Mục tiêu chung là tập trung đưa ra các giải pháp để toàn ngành hoàn thành các chỉ tiêu về phát triển người tham gia BHXH, BHYT. “Năm 2020, toàn quốc phải đạt trên 90% dân số tham gia BHYT, xem đây là chỉ tiêu bắt buộc, phải quyết tâm thực hiện. Ngoài ra, số người tham gia BHXH phải tính toán, phấn đấu dựa trên các chỉ tiêu của Nghị quyết số 28/NQ-TW; trong đó, số người tham gia BHXH tự nguyện phải tăng trưởng so với năm 2019…” - ông Ánh nhấn mạnh.