Tham gia thị trường bảo hiểm các doanh nghiệp đều được đối xử bình đẳng
Đó là khẳng định của ông Ngô Việt Trung, Phó Cục trưởng Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) tại cuộc trao đổi với báo chí về sự phát triển của thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam sau hơn 20 năm hình thành và phát triển.
PV: Hiện nay, thị trường bảo hiểm Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ cả về quy mô, số lượng doanh nghiệp bảo hiểm và sản phẩm bảo hiểm. Xin ông cho biết về những đóng góp tích cực trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ vào sự phát triển chung này?
Ông Ngô Việt Trung: Sau hơn 20 năm hình thành và phát triển, thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ, đóng góp vào sự phát triển chung của thị trường bảo hiểm. Đến nay, thị trường bảo hiểm nhân thọ đã có 18 doanh nghiệp bảo hiểm, với sự góp mặt của rất nhiều các doanh nghiệp bảo hiểm hàng đầu thế giới và khu vực đầu tư phát triển, cam kết hoạt động lâu dài tại Việt Nam.
Theo số liệu báo cáo của các doanh nghiệp bảo hiểm, tính đến hết tháng 9 năm 2019, tổng doanh thu phí của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 74.477 tỷ đồng, tăng trưởng 24,5% so với cùng kỳ năm 2018. Đây là năm thứ 5 liên tiếp thị trường bảo hiểm nhân thọ duy trì tăng trưởng với tốc độ cao từ 25-30%/năm. Các sản phẩm bảo hiểm được đa dạng hóa với hơn 450 sản phẩm thuộc tất cả các nghiệp vụ, đáp ứng nhu cầu bảo hiểm của hơn 9,8 triệu người tham gia bảo hiểm với tổng số tiền bảo hiểm hơn 2,1 triệu tỷ đồng.
Tính đến hết tháng 9 năm 2019, tổng tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 353.428 tỷ đồng, tăng 22,18% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 80% tổng tài sản của toàn thị trường. Tổng số tiền các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đầu tư trở lại nền kinh tế là 327.916 tỷ đồng, tăng trưởng 24%, chiếm 88,6% tổng nguồn vốn đầu tư trở lại nền kinh tế của cả thị trường bảo hiểm. Tổng dự phòng nghiệp vụ của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 247.888 tỷ đồng, tăng trưởng 17,3% so với cùng kỳ năm 2018 và chiếm 89,7% tổng dự phòng nghiệp vụ của toàn thị trường.
Trong 9 tháng đầu năm 2019, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cũng đã chi trả tiền bồi thường và trả tiền bảo hiểm hơn 14.400 tỷ đồng, giúp các tổ chức và cá nhân tham gia bảo hiểm xây dựng và thực hiện các kế hoạch tài chính, tiết kiệm, bảo vệ tài chính trước các rủi ro trong cuộc sống, góp phần tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội.
Với chức năng thực hiện quản lý nhà nước đối với lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm trong phạm vi cả nước, Bộ Tài chính đã có những giải pháp như thế nào để thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam?
Với chức năng thực hiện quản lý nhà nước đối với lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm trong phạm vi cả nước, Bộ Tài chính đã có nhiều giải pháp tích cực để thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ.
Thứ nhất, về cơ chế chính sách: Trong thời gian qua, khung khổ pháp luật đối với lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ đã không ngừng được hoàn thiện, tạo môi trường pháp lý đồng bộ, công khai, minh bạch và bình đẳng cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, phù hợp với các chuẩn mực và cam kết quốc tế của Việt Nam. Khi tham gia thị trường bảo hiểm Việt Nam, các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài đều được đối xử bình đẳng, các quy định pháp luật luôn đảm bảo bảo vệ tài chính cho các nhà đầu tư.
Thực hiện chủ trương cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh của Chính phủ, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 151/2018/NĐ-CP ngày 07/11/2018 sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính. Theo đó đã cắt giảm và đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực bảo hiểm. Đối với lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, các điều kiện đối với đại lý bán sản phẩm liên kết chung, liên kết đơn vị đã được đơn giản hóa, góp phần tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp bảo hiểm mở rộng mạng lưới, phát triển hoạt động kinh doanh.
Bên cạnh những chính sách pháp luật chung về kinh doanh bảo hiểm, Bộ Tài chính cũng đã nghiên cứu, ban hành những quy định riêng nhằm tạo hành lang pháp lý để các doanh nghiệp bảo hiểm phát triển, đa dạng hóa sản phẩm và kênh phân phối mới như bảo hiểm liên kết đầu tư, bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm sức khỏe, kênh phân phối ngân hàng…(Thông tư 135/2012/TT-BTC hướng dẫn triển khai bảo hiểm liên kết đơn vị, Thông tư 115/2013/TT-BTC và Thông tư 130/2015/TT-BTC hướng dẫn triển khai bảo hiểm hưu trí, Thông tư 52/2016/TT-BTC hướng dẫn triển khai bảo hiểm liên kết chung;…). Trước tác động của cuộc cách mạng công nghệ thông tin 4.0 và các cải cách trong công nghệ được ứng dụng ngày càng rộng rãi, nhằm tạo tiền đề cho các DNBH triển khai ứng dụng bảo hiểm kỹ thuật số, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 165/2018/NĐ-CP, bổ sung hướng dẫn đối với các giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm.
Thứ hai, về quản lý, giám sát: Công tác quản lý, giám sát cũng được nâng cao chất lượng, kết hợp linh hoạt giữa quản lý, giám sát từ xa và kiểm tra tại chỗ. Cơ chế trao đổi, đối thoại được tăng cường để nắm bắt kịp thời tình hình hoạt động của doanh nghiệp, các vướng mắc và đề xuất từ thị trường. Đồng thời, Bộ Tài chính cũng tổ chức và tham dự các hội thảo toàn ngành về các vấn đề của thị trường (hoạt động đầu tư, phát triển sản phẩm, kênh phân phối, v.v…), tạo cơ chế để doanh nghiệp có tiếng nói và tham gia vào quá trình hoàn thiện khuôn khổ pháp lý thị trường bảo hiểm, giải quyết các vấn đề phát sinh của toàn ngành, góp phần nâng cao hiệu quả và uy tín của ngành bảo hiểm.
Ngoài ra, công tác thanh tra, kiểm tra cũng được thực hiện thường xuyên, và tập trung vào các nội dung quan trọng. Thông qua hoạt động kiểm tra, thanh tra, Bộ Tài chính đã xử lý nghiêm các vụ việc, đồng thời có biện pháp chấn chỉnh kịp thời, nhằm giảm thiểu các sai phạm, từ đó bảo vệ quyền lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm theo đúng thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm và quy định của pháp luật, đảm bảo sự phát triển lành mạnh của thị trường.
Trong thời gian tới, để thực hiện Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm giai đoạn 2011-2020 và Đề án cơ cấu lại thị trường bảo hiểm đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 của Chính phủ tiếp tục mang đến cơ hội cho thị trường bảo hiểm Việt Nam, để triển khai nội dung này lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ cần phải thay đổi như thế nào để phát triển được thế mạnh hiện có?
Ngày 28/2/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 242/QĐ-TTg phê duyệt Đề án cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025, với mục tiêu phát triển toàn diện thị trường bảo hiểm an toàn, bền vững, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu bảo hiểm đa dạng của các tổ chức, cá nhân, bảo đảm an sinh xã hội; doanh nghiệp bảo hiểm có năng lực tài chính vững mạnh, năng lực quản trị điều hành đạt chuẩn mực quốc tế, có khả năng cạnh tranh trong nước và khu vực.
Để đạt được những mục tiêu trên, hàng loạt các giải pháp đã được đề ra, bao gồm cả những giải pháp chung cho thị trường bảo hiểm và các giải pháp riêng đối với lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ. Riêng đối với lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, để tiếp tục phát huy đà tăng trưởng và phát triển bền vững, một số giải pháp được đặt ra như sau:
Một là, hoàn thiện cơ chế chính sách: nghiên cứu, xây dựng Luật bảo hiểm (sửa đổi), theo đó chuyển đổi mô hình quản lý, giám sát theo hướng quản lý, giám sát trên cơ sở rủi ro nhằm tăng quyền tự chủ và trách nhiệm của doanh nghiệp trong hoạt động quản trị tài chính, quản trị kinh doanh; tăng cường hiệu quả, hiệu lực của công tác quản lý, giám sát; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ; nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp bảo hiểm, cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh bảo hiểm, nâng cao chất lượng tăng trưởng của thị trường.
Hai là, nâng cao tính minh bạch thông tin của các doanh nghiệp bảo hiểm theo hướng yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm công khai thông tin đầy đủ, toàn diện và kịp thời nhằm giúp cho bên mua bảo hiểm và các tổ chức có liên quan hiểu rõ về cơ cấu tổ chức, hoạt động kinh doanh, kết quả hoạt động và tình hình tài chính của doanh nghiệp.
Ba là, phát triển, đa dạng hóa các sản phẩm bảo hiểm, trong đó tập trung tăng cường kết nối liên thông giữa các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ thương mại với các sản phẩm của bảo hiểm xã hội, các sản phẩm tài chính khác của ngân hàng, các quỹ đầu tư, chứng khoán.... khuyến khích phát triển các sản phẩm bảo hiểm mà xã hội có nhu cầu cao, đảm bảo hiệu quả, mang lại lợi ích tối ưu cho người tham gia bảo hiểm. Bên cạnh đó, đa dạng hóa phương thức và phát triển các sản phẩm bảo hiểm phù hợp với xu thế kinh doanh gắn liền với cách mạng công nghệ 4.0, theo đó vừa đáp ứng nhu cầu của khách hàng, vừa đảm bảo đơn giản trong thẩm định và chi trả quyền lợi bảo hiểm cho đối tượng khách hàng sử dụng công nghệ cao, nhưng vẫn đảm bảo an toàn, thận trọng cho doanh nghiệp bảo hiểm, phòng ngừa và kiểm soát rủi ro tương ứng.
Bốn là, phát triển và chuyên nghiệp hóa các kênh phân phối bảo hiểm nhằm đẩy mạnh phát triển hoạt động kinh doanh bảo hiểm theo hướng chuyên nghiệp, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động phân phối bảo hiểm, phục vụ tốt nhất bên mua bảo hiểm, tạo điều kiện để đưa các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ tiếp cận gần hơn với mọi đối tượng khách hàng, tăng độ bao phủ của sản phẩm bảo hiểm nhân thọ.
Năm là, thiết lập hệ thống công nghệ thông tin, hạ tầng kỹ thuật, xây dựng cơ sở dữ liệu cho thị trường bảo hiểm nhằm hệ thống hóa một cách đồng bộ, toàn diện toàn bộ dữ liệu ngành bảo hiểm nhân thọ, vừa phục vụ công tác quản lý giám sát, vừa xây dựng cơ sở tính toán phí bảo hiểm, kiểm soát rủi ro và trục lợi bảo hiểm, giảm thiểu cạnh tranh không lành mạnh.
Về phía các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, để tiếp tục phát huy được thế mạnh và duy trì đà tăng trưởng nhanh, bản thân mỗi doanh nghiệp cũng cần phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao năng lực về tài chính, tăng cường quản trị tài chính, quản trị rủi ro, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền cũng cần được tăng cường nhằm nâng cao nhận thức của các cơ quan, ban ngành, các tổ chức, cá nhân và toàn dân về vai trò, ý nghĩa, sự cần thiết của bảo hiểm nhân thọ.
Xin cảm ơn ông!