Thị trường bảo hiểm năm 2018: Tiếp tục có bước tăng trưởng vững chắc

PV.

Với tốc độ tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm của toàn thị trường ước đạt 23% so với năm ngoái, thị trường bảo hiểm Việt Nam năm 2018 tiếp tục có bước phát triển vững chắc, tạo nền tảng quan trọng để bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Thông tin từ Bộ Tài chính, tốc độ tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm của toàn thị trường năm 2018 ước đạt 23% so với năm 2017, tổng doanh thu bảo hiểm ước đạt 151.001 tỷ đồng. Như vậy, đây là năm thứ 8 liên tiếp thị trường tiếp tục duy trì mức tăng trưởng trên 2%.

Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, với việc doanh thu toàn thị trường bảo hiểm Việt Nam năm 2018 tăng trưởng cao hơn năm 2017, đã góp phần đảm bảo hoạt động kinh doanh an toàn và hiệu quả, đáp ứng nhu cầu bảo hiểm ngày càng tăng của nền kinh tế và xã hội.

Trên một góc nhìn khác, Báo cáo tổng quan thị trường tài chính năm 2018 vừa được Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia công bố mới đây cho biết, năm 2018, tổng doanh thu phí bảo hiểm tăng 25,8% so với năm 2017. Tăng trưởng doanh thu phí được đóng góp tích cực từ kênh bán chéo bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance). 

Theo Bộ Tài chính, kết thúc năm 2018, theo ước tính, tổng tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm đạt 390.717 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2017. Tổng số tiền đầu tư ước đạt 324.644 tỷ đồng, tăng 31% so với năm 2017. Tổng dự phòng nghiệp vụ ước đạt 247.500 tỷ đồng, tăng 31% so với năm 2017. Tổng nguồn vốn chủ sở hữu ước đạt 82.584 tỷ đồng, tăng 26% so với năm 2017. Tổng doanh thu bảo hiểm ước đạt 151.001 tỷ đồng.

Trong khi đó, đánh giá hoạt động của hệ thống các doanh nghiệp bảo hiểm, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, tổng tài sản hệ thống doanh nghiệp bảo hiểm tăng 19,4%. Trong đó, tài sản của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ chủ yếu là đầu tư vào trái phiếu chính phủ (chiếm 74% tổng tài sản). Tài sản của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ chủ yếu là tiền gửi các tổ chức tín dụng, tiền mặt và các khoản tương đương tiền, tài sản tái bảo hiểm (chiếm khoảng 81% tổng tài sản).

Cũng theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tỷ lệ biên khả năng thanh toán bình quân của hệ thống doanh nghiệp bảo hiểm đạt 239% (cuối 2017: 237%), cao hơn mức 100% theo quy định. Chỉ có 1/48 doanh nghiệp bảo hiểm có tỷ lệ biên khả năng thanh toán dưới 100%, chiếm 0,4% tổng tài sản toàn hệ thống.

Năm 2018, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đã tăng vốn thêm khoảng 15.000 tỷ đồng nhằm mở rộng hoạt động kinh doanh và để đảm bảo khả năng thanh toán. Trong năm 2018, toàn ngành Bảo hiểm đã chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 36.415 tỷ đồng, trong đó, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 17.765 tỷ đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 18.650 tỷ đồng. Tổng phí bảo hiểm thu xếp qua môi giới năm 2018 ước đạt 9.654 tỷ đồng, tăng 11,4% so với năm trước…

Trong năm 2019, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết, toàn thị trường bảo hiểm đặt mục tiêu năm 2019 tăng trưởng 25% doanh thu phí bảo hiểm, trong đó dự kiến lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ tăng 35%, lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ tăng 10%. Dự báo, thị trường bảo hiểm tiếp tục có vị trí quan trọng trên thị trường tài chính, riêng số tiền được đầu tư từ các doanh nghiệp bảo hiểm cũng đã đóng góp không nhỏ vào sự phát triển chung của kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, cũng như sự phát triển của công nghệ 4.0, thị trường bảo hiểm đặt ra những yêu cầu để tiếp tục phát triển trong bối cảnh mới. Trong bối cảnh đó, theo các chuyên gia kinh tế, các doanh nghiệp bảo hiểm cần có chuẩn bị kỹ lưỡng về công nghệ, nguồn lực tài chính, nguồn nhân lực để nắm bắt thời cơ và vào cuộc một cách mạnh mẽ trước xu hướng của cuộc cách mạng số mà dự báo sẽ làm thay đổi, tác động rất nhiều đến các lĩnh vực kinh tế xã hội.