Truyền thông chính sách bảo hiểm xã hội: Đúng và trúng nhóm chủ thể tiềm năng

Theo Hoa Quỳnh/congthuong.vn

Bên cạnh tích cực triển khai các giải pháp để lan tỏa chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) đến tất cả các tầng lớp nhân dân, BHXH Việt Nam chỉ đạo toàn ngành tập trung truyền thông có trọng tâm, trọng điểm, đúng và trúng các nhóm chủ thể tiềm năng để vận động tham gia.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

 

Theo nội dung Công văn số 2643/BHXH-TT gửi các đơn vị trực thuộc và BHXH các tỉnh, thành phố về việc tăng cường công tác truyền thông chính sách BHXH, BHYT, BHXH Việt Nam tiếp tục chỉ đạo toàn ngành tập trung triển khai 9 nhóm truyền thông quan trọng, nhằm từng bước thực hiện mục tiêu BHXH, BHYT toàn dân.

Truyền thông chính sách bảo hiểm xã hội: Đúng và trúng nhóm chủ thể tiềm năng - Ảnh 1
Truyền thông chính sách BHXH, BHYT cần ưu tiên tập trung nhóm đối tượng thuộc vùng khó khăn

Một là, truyền thông tập trung vào kết quả thực hiện toàn diện các chỉ tiêu phát triển BHXH, BHYT theo Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020; Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương khoá XII về cải cách chính sách BHXH; các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, những nỗ lực của toàn ngành trong thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ lập thành tích chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Hai là, truyền thông về vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp thực hiện chính sách BHXH, BHYT.

Ba là, tuyên truyền, động viên khơi dậy tinh thần trách nhiệm, ý thức tự lực cũng như ý nghĩa của việc tự đảm bảo an sinh cho bản thân của mỗi người dân, từ đó giúp người dân hình thành thói quen chủ động tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình như một nhu cầu thiết yếu để chăm sóc sức khỏe và ổn định cuộc sống của bản thân và gia đình.

Bốn là, truyền thông vận động, thuyết phục, cổ vũ các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm làm công tác thiện nguyện trong lĩnh vực BHXH, BHYT để tặng sổ BHXH tự nguyện, thẻ BHYT cho người dân, nhất là với những người có hoàn cảnh khó khăn, thu nhập không ổn định…

Năm là, truyền thông chuyên sâu về ý nghĩa nhân văn, giá trị thiết thực, lợi ích vượt trội khi tham gia BHXH, BHYT, BHTN, những rủi ro khi không tham gia.

Sáu là, truyền thông giá trị vật chất, tinh thần của việc hưởng lương hưu hàng tháng khi hết tuổi lao động, qua đó hình thành thói quen tham gia BHXH tự nguyện để tích lũy cho tuổi già, không lựa chọn hưởng BHXH một lần.

Bảy là, vận động, khích lệ những người đang hưởng các chế độ BHXH, BHYT, BHTN, người đang hưởng lương hưu hàng tháng tuyên truyền về lợi ích thiết thực của các chế độ BHXH, BHYT, BHTN.

Tám là, truyền thông về giá trị, ý nghĩa thời sự của chính sách BHXH, BHYT, BHTN trong bối cảnh dịch COVID-19 đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, thu nhập của người lao động và nhân dân.

Chín là, đẩy mạnh truyền thông những giải pháp quyết liệt, mạnh mẽ của BHXH Việt Nam trong chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ; quyết tâm, nỗ lực của toàn ngành phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao trong bối cảnh khó khăn chung do dịch bệnh gây ra.

Bên cạnh việc truyền thông lan tỏa chính sách BHXH, BHYT đến tất cả các tầng lớp nhân dân trong xã hội, BHXH Việt Nam nêu rõ, toàn ngành sẽ tập trung truyền thông có trọng tâm, trọng điểm, đúng và trúng các nhóm chủ thể tiềm năng để vận động tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.

Cụ thể, đối với BHXH tự nguyện, tập trung tuyên truyền tới người lao động tự do, đặc biệt ưu tiên vận động người buôn bán nhỏ, kinh doanh dịch vụ, bán hàng online, trông giữ trẻ tại nhà, người giúp việc gia đình, người có thu nhập ổn định; hội viên nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, xã viên hợp tác xã trong các làng nghề truyền thống; hộ gia đình kinh doanh cá thể; hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, trang trại thuộc các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, chế biến, dịch vụ…; người đang nhận trợ cấp của Nhà nước do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp; người đã có thời gian tham gia BHXH bắt buộc nhưng đang bảo lưu thời gian tham gia hoặc dừng tham gia; người hoạt động không chuyên trách cấp xã.

Đối với BHYT hộ gia đình, BHXH Việt Nam nhấn mạnh, cần hướng tới đối tượng là người chưa tham gia BHYT; các vị chức sắc, chức việc, nhà tu hành; người đã tham gia BHYT thuộc các trường hợp người thuộc hộ nghèo đã thoát nghèo; người thuộc các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo đã được cấp có thẩm quyền công nhận thành phường, thị trấn hoặc đạt chuẩn nông thôn mới; người hết thời gian hưởng bảo hiểm thất nghiệp nhưng chưa có việc làm…

Để nâng cao hiệu quả truyền thông vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, BHXH Việt Nam đề nghị cần ưu tiên các hình thức: Tổ chức các hội nghị tuyên tuyền, vận động trực tiếp; tổ chức lễ ra quân theo chiến dịch quy mô toàn quốc, cấp tỉnh, cấp huyện; tổ chức các tổ, đội, nhóm nhỏ đến từng gia đình, khu dân cư, cơ sở kinh doanh, địa điểm công cộng để tuyên truyền, vận động trực tiếp; truyền thông tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình trên Internet, mạng xã hội; truyền thông qua các sản phẩm truyền thông: tờ rơi, tờ gấp, áp phích, chương trình truyền hình thực tế, phim ngắn, tiểu phẩm, gameshows, video, clip, viral clip, motion graphic, inforgraphic…