Bộ trưởng Hồ Đức Phớc làm việc với Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương

Gia Hân

Sáng 4/11, tại trụ sở Bộ Tài chính, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã có buổi làm việc trực tuyến với bà Manuela Ferro - Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) khu vực châu Á - Thái Bình Dương để cùng thảo luận về phương thức hợp tác hiệu quả giữa hai bên trong việc chuẩn bị, triển khai các khoản vay và phương án, góp phần đẩy nhanh các dự án sử dụng vốn WB.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại buổi làm việc. 
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại buổi làm việc. 

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trân trọng cảm ơn những đóng góp của WB trong các chương trình hỗ trợ và hợp tác dành cho Việt Nam nói chung và Bộ Tài chính rói riêng thời gian qua. Trong nhiều năm, WB luôn là đối tác quan trọng hỗ trợ cho Chính phủ Việt Nam thông qua cung cấp các tư vấn chính sách và nguồn lực tài chính.

WB là một trong ba đối tác phát triển cung cấp vốn vay nước ngoài lớn nhất cho Chính phủ Việt Nam (đáp ứng khoảng 35% nhu cầu huy động vốn vay nước ngoài của Chính phủ), với tổng giá trị vay đã ký là 22,96 tỷ USD. Tổng số vốn đã giải ngân là 17,85 tỷ USD; đối với số vốn chưa giải ngân, phía Việt Nam sẽ đẩy nhanh hoàn tất các thủ tục để giải ngân sớm.

Bộ trưởng cho biết, trong giai đoạn 2021-2023, tổng mức vay của Chính phủ  Việt Nam khoảng 1.317 triệu tỷ đồng, đạt 42,9% kế hoạch vay, trả nợ công giai đoạn 2021-2025. Dư nợ nước ngoài của quốc gia so với GDP đến cuối năm 2022 là khoảng 36,8% GDP, đảm bảo trong các mức trần và ngưỡng an toàn được Quốc hội phê duyệt; tạo dư địa thuận lợi cho việc điều hành chính sách tài khóa của Chính phủ.

Theo Bộ trưởng, giai đoạn tiếp theo, phía Việt Nam sẽ tập trung ưu tiên thực hiện các dự án lớn trong phát triển cơ sở hạ tầng giao thông chiến lược như: Đường sắt cao tốc Bắc-Nam, đường sắt TP. Hồ Chí Minh – TP. Cần Thơ, đường sắt kết nối Hà Nội - Khu công nghệ cao Hòa Lạc; năng lượng tái tạo; nông nghiệp thông minh, phát thải các bon thấp; chuyển đổi số; ứng phó biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL...

Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng đánh giá cao đề nghị của WB sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong việc huy động vốn thực hiện các cam kết quốc tế về giảm thiểu phát thải ròng. Tới đây, Việt Nam vẫn cần huy động vốn từ WB và từ các đối tác khác để thực hiện các cam kết chính trị về Chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) hướng tới mục tiêu chuyển đổi hóa thạch sang năng lượng tái tạo, giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Tuy nhiên, Bộ trưởng cho biết, việc có thể huy động vốn vay trong giai đoạn này hay không phụ thuộc rất lớn vào việc có các dự án đầu tư phù hợp, đảm bảo tiến độ hoàn thành thủ tục đầu tư trong nước để sẵn sàng cho việc vay vốn. 

Bộ Tài chính cũng đang tích cực phối hợp với các cơ quan Chính phủ Việt Nam để sửa đổi Luật Đấu thầu, Nghị định số 114/NĐ-CP, tạo thuận lợi cho công tác đàm phán Hiệp định vay, làm rõ các khác biệt trong quy định giữa hai bên. “Sắp tới Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tham mưu Chính phủ ban hành nghị định nhằm tháo gỡ những vướng mắc, đẩy nhanh nguồn vốn ODA để sớm triển khai các dự án, đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả”, Bộ trưởng cho biết.

Buổi làm việc được tổ chức theo hình thức trực tuyến.
Buổi làm việc được tổ chức theo hình thức trực tuyến.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đề nghị WB cùng hợp tác, phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình hợp tác giữa hai bên. Trong đó, hai bên cùng phối hợp đàm phán, giảm các điều kiện ràng buộc trong thực hiện, tăng cường áp dụng các quy định phù hợp với pháp luật Việt Nam để rút ngắn thời gian đàm phán. Cùng với đó, đề nghị WB phối hợp chặt chẽ, linh hoạt khi xử lý các dự án có tính lan tỏa, thực hiện tại một số địa phương.

Liên quan đến các dự án WB đang quan tâm, Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh phía Việt Nam sẽ nhanh chóng tiến hành các thủ tục đàm phán dự án ngay khi các dự án hoàn thành thủ tục đầu tư trong nước.

Thay mặt các cộng sự, bà Manuela Ferro - Phó Chủ tịch WB khu vực châu Á - Thái Bình Dương bày tỏ cảm ơn Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã dành thời gian làm việc với phía WB. WB cũng như các tổ chức quốc tế đánh giá cao sự phát triển của Việt Nam, đặc biệt so với tăng trưởng của các nước trong khu vực và trên thế giới trong bối cảnh còn nhiều khó khăn trên toàn cầu. Nhất là khi Việt Nam kiểm soát được nợ công dưới ngưỡng cho phép, điều này để thấy rằng, việc quản lý nợ công của Việt Nam rất an toàn, thận trọng, đảm bảo đạt được các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô.

Ấn tượng trước những trao đổi của Bộ trưởng, Phó Chủ tịch WB khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho biết, WB đang thực hiện các chiến lược với các quốc gia thành viên và mong muốn phía Việt Nam sẽ sớm đưa ra các mục tiêu, chương trình, dự án để hai bên tăng cường hợp tác trong thời gian tới.

Đặc biệt, bà Manuela Ferro khẳng định, hai bên sẽ tăng cường trao đổi làm việc cấp chuyên gia về việc có thể sử dụng nguồn vốn IDA còn dư từ các dự án khác, nhất là các dự án về chuyển đổi năng lượng nhằm tạo điều kiện giúp Việt Nam thực hiện các cam kết tại hội nghị COP26.

“WB ủng hộ nỗ lực đối với những cải cách của Việt Nam. Chúng tôi rất quan tâm với các dự án đầu tư phát triển, vì vậy sẽ lựa chọn những công cụ tài chính phù hợp đối với mỗi dự án, cần linh hoạt, cởi mở hơn để có thể xúc tiến triển khai nhanh và hiệu quả”, bà Manuela Ferro chia sẻ.