Các đơn hàng xuất khẩu thuỷ sản gặp khó khăn

Đức Mạnh

Theo ông Trần Đình Luân - Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tháng 8/2023, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản giảm chỉ còn 750 triệu USD. Các đơn hàng hiện nay tương đối khó khăn. Do đó, trong thời gian tới, cần rà soát linh hoạt vùng nguyên liệu thủy sản để trong trường hợp thị trường, đơn hàng tốt chúng ta không bị động.

Kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản đạt 5,68 tỷ USD trong 8 tháng

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tháng 8/2023 xuất khẩu thủy sản đạt 750 triệu USD, giảm 24% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 5,68 tỷ USD, giảm 25,4%.

Theo ông Trần Đình Luân - Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam tháng 7/2023 đã đạt gần 1 tỷ USD, nhưng tháng 8/2023 kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản giảm chỉ còn 750 triệu USD. Các đơn hàng hiện nay tương đối khó khăn.

 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, sản lượng thuỷ sản tháng 8/2023 đạt 837,4 nghìn tấn, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung 8 tháng đầu năm 2023, tổng sản lượng thủy sản của Việt Nam đạt hơn 5,93 triệu tấn, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước.

Liên quan đến nhiệm vụ mở rộng thị trường của ngành Nông nghiệp nói chung và ngành Thuỷ sản nói riêng, Cục trưởng Trần Đình Luân nhấn mạnh, thời gian qua, toàn Ngành đã đẩy mạnh phát triển với ba thị trường lớn là châu Âu, Mỹ và Trung Quốc.

“Trong thời gian tới, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường tiếp tục triển khai phát triển thị trường Quảng Tây thông qua hoàn thành ký kết ghi nhớ hợp tác (MoU) về hợp tác phát triển nông nghiệp và thương mại nông sản. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh thị trường Vân Nam”, ông Trần Đình Luân cho biết.

Cục trưởng Trần Đình Luân thông tin thêm, sau vụ Nhật Bản xả nước thải từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima, cơ cấu xuất nhập khẩu thủy sản trên thị trường thế giới có sự thay đổi, có thể người tiêu dùng Nhật sẽ thận trọng với tiêu thụ thủy sản nội địa, do vậy sẽ tìm đến thủy sản nhập khẩu nhiều hơn. Các thị trường khác cũng cân nhắc việc nhập khẩu từ Nhật Bản và các nước láng giềng của Nhật Bản. Do đó, cũng cần đánh giá lại cơ hội cho thủy sản Việt Nam trong bối cảnh mới.

Xuất khẩu thuỷ sản có thể thu về 9 tỷ USD

Phân tích về các yếu tố tác động đến kịch bản xuất khẩu thuỷ sản lạc quan những tháng cuối năm 2023, bà Lê Hằng - Giám đốc truyền thông Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho biết:

Một là, diễn biến kinh tế các thị trường lớn được dự báo khả quan hơn trong nửa cuối năm cộng với thực tế nhu cầu nhập khẩu của các thị trường như Hoa Kỳ và Trung Quốc đang có xu hướng tăng trở lại, khi lượng tồn kho đang vơi dần và chuẩn bị đơn hàng cho dịp lễ hội cuối năm và năm mới.

Hai, nội lực của doanh nghiệp và cộng đồng sản xuất chuỗi cung ứng thủy sản được hỗ trợ kịp thời về nguồn vốn, các điều kiện sản xuất kinh doanh để giữ được nguồn cung nguyên liệu ổn định, đảm bảo có sẵn nguồn hàng khi thị trường có nhu cầu.

Ba là, các sản phẩm xuất khẩu có nguồn cung ổn định và có giá thành giảm, giá bán cạnh tranh trước các nước khác.

Với ba yếu tố này, đại diện VASEP nhận định, tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm 2023 có thể sẽ đạt trên 9 tỷ USD, giảm 15 - 16% so với năm 2022.

Trong đó, dự báo xuất khẩu tôm sẽ thu về lượng ngoại tệ khoảng 3,5 - 3,6 tỷ USD, giảm 16 - 18%; cá tra đạt khoảng 1,7 - 1,8 tỷ USD, giảm 28%; xuất khẩu cá ngừ và mực, bạch tuộc lần lượt đạt 870 triệu USD và 650 triệu USD, giảm 14 - 15%; xuất khẩu cá biển ước đạt 1,9 - 2 tỷ USD, giảm nhẹ so với năm 2022.

Các thị trường chính vẫn sẽ mang về doanh thu ít hơn so với năm 2022. Trong đó, xuất khẩu sang Hoa Kỳ và Hàn Quốc sẽ thấp hơn 24 - 25% so với năm 2022, xuất khẩu sang EU sẽ giảm 18%; Thị trường Nhật Bản sẽ khả quan hơn nhờ giá trị của hàng giá trị gia tăng và nhờ phân khúc gia công, chế biến cho thị trường này, nhất là các loài cá biển.

Thị trường Trung Quốc vẫn là kỳ vọng lớn nhất cho doanh nghiệp thủy sản hiện nay, sau mở cửa, giao thương đang dần trở lại bình thường. “Hy vọng nửa cuối năm, kinh tế Trung Quốc ổn định hơn, thu nhập và tiêu dùng của người dân được cải thiện, thị trường thích nghi bối cảnh mới… Khi đó, xuất khẩu thủy sản có cơ hội phục hồi lại với dự đoán tương đương với kim ngạch của năm 2023 với khoảng 1,8 tỷ USD cho cả Trung Quốc và Hồng Kông",  bà Lê Hằng nhấn mạnh.