Bài học đắt giá cho doanh nghiệp

Theo baohaiquan.vn

Trong thời gian chờ kết quả kiểm tra chất lượng lô hàng nhập khẩu thức ăn cho chó, một doanh nghiệp tự ý đưa ra thị trường tiêu thụ. Vụ việc này đã bị cơ quan Hải quan phát hiện và khởi tố hình sự. Đây là bài học đắt giá cho những doanh nghiệp coi thường pháp luật.

Nhân viên Vinacontrol giám định hàng nhập khẩu tại cảng Cát Lái. Nguồn: PV.
Nhân viên Vinacontrol giám định hàng nhập khẩu tại cảng Cát Lái. Nguồn: PV.

Khởi tố vụ án, chuyển hồ sơ đến cơ quan Cảnh sát điều tra

Theo Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1, sau khi khởi tố hình sự tội “Buôn lậu” xảy ra tại cảng Cát Lái liên quan đến Công ty TNHH Pet Prince (134, Cao Thắng, quận 3 TP.HCM), ngày 3/11, đơn vị này đã bàn giao cho cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM toàn bộ hồ sơ liên quan đến vụ việc tự ý tiêu thụ lô hàng nhập khẩu thức ăn cho chó trong thời gian chờ kết quả kiểm tra chất lượng. Đây là vụ việc đầu tiên bị khởi tố liên quan đến hành vi tự ý tiêu thụ hàng hóa khi chưa thông quan.

Theo Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1, năm 2016, Công ty TNHH Pet Prince mở tờ khai hải quan nhập khẩu lô hàng gồm 10 mục hàng là thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho chó, mặt hàng thuộc diện phải đăng ký kiểm tra chất lượng theo quy định, trị giá lô hàng trên 465 triệu đồng. Sau khi được Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 cho phép đưa hàng về kho của doanh nghiệp bảo quản, chờ kiểm tra chất lượng theo quy định để đủ điều kiện thông quan, doanh nghiệp đã đưa toàn bộ lô hàng ra thị trường tiêu thụ.

Qua trao đổi, Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM nhận định rằng, hành vi bán lô hàng nhập khẩu trị giá 465 triệu đồng của Công ty TNHH Pet Prince khi chưa được thông quan xét thấy có dấu hiệu của tội “Buôn lậu”. Vì vậy, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 đã khởi tố vụ án và chuyển hồ sơ đến cơ quan Cảnh sát điều tra- Công an TP.HCM để điều tra, xử lý theo quy định.

Tiêu thụ hàng không đạt chất lượng
Theo lãnh đạo Cục Hải quan TP.HCM, tại các hội nghị đối thoại với DN, đơn vị luôn cảnh báo tới các DN một số hành vi vi phạm về giám sát hải quan, như: Tự ý tiêu thụ hàng hóa đang chịu sự giám sát của hải quan hoặc hàng hóa đưa về kho để bảo quản nhưng tự ý đưa ra thị trường tiêu thụ.
Tuy  nhiên, trong thời gian qua, Cục Hải quan TP.HCM đã phát hiện một số trường hợp DN NK hàng hóa thuộc diện phải kiểm tra chuyên ngành, được cơ quan Hải quan cho phép đưa hàng về kho của DN bảo quản, chờ kiểm tra chất lượng theo quy định để đủ điều kiện thông quan, nhưng một số DN đã phá niêm phong, đưa hàng ra thị trường tiêu thụ.
Chẳng hạn như Công ty TNHH L. (có vốn đầu tư nước ngoài, có trụ sở tại quận 1 TP.HCM) đăng kí làm thủ tục nhập khẩu 2 lô hàng mỹ phẩm các loại, khi làm thủ tục nhập khẩu, được cơ quan Hải quan giải quyết cho mang hàng về kho bảo quản chờ kết quả kiểm tra chuyên ngành. Đến khi có kết quả kiểm tra chuyên ngành cho thấy có 6/17 mục hàng nhập khẩu không đủ điều kiện nhập khẩu do tên sản phẩm nhập khẩu thực tế không phù hợp với phiếu công bố sản phẩm.
Chi cục Hải quan quản lý hàng đầu tư- nơi DN mở tờ khai hải quan đã xử phạt công ty này 30 triệu đồng, buộc tái xuất hàng hóa vi phạm. Tuy nhiên, khi cơ quan Hải quan kiểm tra, chỉ có 2 mặt hàng không đạt chất lượng còn niêm phong, 4 mặt hàng còn lại không còn trong kho, do DN đã tự ý đưa ra thị trường tiêu thụ. Trị giá hàng vi phạm gần 250 triệu đồng.
Tương tự như trường hợp trên, cuối năm 2016, Cục Hải quan TP.HCM cũng phát hiện Công ty CP Điện máy P.L. (Tuy Hòa- Phú Yên) tự ý đưa hàng vi phạm ra thị trường nội địa tiêu thụ. Theo hồ sơ vi phạm, cuối năm 2015, công ty này NK qua Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 3 lô hàng cần trục bánh xích và máy đào bánh xích đã qua sử dụng. Lô hàng được giao cho DN tự bảo quản, chờ kết quả kiểm tra chất lượng Nhà nước.
Sau khi có kết quả của Cục Đăng kiểm xác định hàng NK của DN thuộc danh mục cấm NK, cơ quan Hải quan đã lập biên bản vi phạm, chuyển hồ sơ cho UBND TP.HCM xử phạt theo thẩm quyền. UBND TP.HCM đã ban hành quyết định xử phạt hành chính số tiền 30 triệu đồng, đồng thời áp dụng hình thức phạt bổ sung tịch thu toàn bộ hàng hóa vi phạm. Tuy nhiên, kiểm tra thực tế tại kho hàng của DN, cơ quan Hải quan phát hiện không còn hàng hóa, đại diện DN này thừa nhận đã đưa hàng ra thị trường tiêu thụ, nên không thể thực hiện được quyết định xử phạt của UBND TP.HCM.
Theo Cục Hải quan TP.HCM, qua các vụ việc nêu trên cho thấy DN vi phạm nghiêm trọng các quy định về pháp luật hải quan. DN nhập khẩu hàng hóa vi phạm, cơ quan Hải quan ra quyết định xử phạt, buộc DN tái xuất toàn bộ hàng hóa vi phạm, hoặc tịch thu hàng vi phạm, nhưng DN không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả, mà lại đưa toàn bộ hàng hóa vi phạm, đang chịu sự giám sát của cơ quan Hải quan ra thị trường tiêu thụ. Cũng theo Cục Hải quan TP.HCM, không chỉ có các trường hợp nêu trên, trong quá trình thực hiện các quyết định xử phạt vi phạm hành chính, Cục Hải quan TP.HCM cũng đã phát hiện nhiều trường hợp tự ý tiêu thụ hàng hóa đang chịu sự giám sát của cơ quan Hải quan.