Buôn lậu ở An Giang ngày càng manh động

Theo baohaiquan.vn

(Tài chính) Tại hội nghị sơ kết công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả 6 tháng đầu năm 2014 được tổ chức mới đây, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh An Giang nhận định tình trạng vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu vẫn diễn biến phức tạp. Đặc biệt, tình trạng chống người thi hành công vụ có dấu hiệu tăng trở lại.

Buôn lậu ở An Giang ngày càng manh động
Thuốc lá lậu do Cục Hải quan An Giang bắt giữ. Nguồn: baohaiquan.vn
Cụ thể như vụ Đồn Biên phòng cửa khẩu Tịnh Biên bắt giữ 3 tấn đường tại cống Cây Dương, thị trấn Tịnh Biên đã bị các đối tượng tập hợp khoảng 90 người để giật lại hàng chục bao đường vào tháng 3/2014

Tiếp đó, vào tháng 6/2014 các đối tượng vận chuyển thuốc lá lậu tập hợp số đông dùng gậy, đất, đá ném vào lực lượng Quản lý thị trường khi lực lượng này bắt giữ trên 2.000 gói thuốc lá ngoại nhập lậu tại khu vực huyện Phú Tân. Tuy nhiên, các đối tượng này không cướp lại được tang vật nên đã quay sang cướp một xe gắn máy cá nhân của một cán bộ trong tổ công tác đang thi hành nhiệm vụ.

Đối với lực lượng Hải quan, vào tháng 01/2014, sau khi Đội Kiểm soát Hải quan - Cục Hải quan An Giang bắt giữ 12,5 tấn đường tại khu vực biên giới thuộc TP. Châu Đốc thì có đối tượng tự xưng là cán bộ Thanh tra Chính phủ điện thoại cho lãnh đạo Cục Hải quan An Giang gây áp lực buộc lực lượng kiểm tra phải tiếp nhận hoá đơn để hợp thức hoá là hàng hợp pháp.

Theo đánh giá của các lực lượng chống buôn lậu, tại biên giới An Giang, hai mặt hàng buôn lậu nổi cộm nhất vẫn là đường cát và thuốc lá. Đối với đường lậu, các đối tượng thường dùng ghe máy có tải trọng từ 20 đến 50 tấn làm kho chứa đường cát trên sông, thay đổi bao bì trên đất Campuchia, sau đó canh chừng lúc không có lực lượng chức năng tuần tra đưa hàng trái phép qua sông, nhập vào các kho sát biên giới để tìm cơ hội đưa sâu vào nội địa. Trên đường vận chuyển, các đối tượng sử dụng hóa đơn quay vòng, hồ sơ bán hóa giá hàng tịch thu của các tỉnh, hóa đơn xuất bán hàng của các công ty mía đường để đối phó. Đối với mặt hàng thuốc lá ngoại nhập lậu, các đầu nậu và cửu vạn thuê hẳn các đối tượng chuyên canh đường, theo dõi lực lượng chức năng để “đua nóng” vào nội địa.

Từ đầu năm đến nay, UBND tỉnh An Giang đã triển khai các kế hoạch liên ngành chống buôn lậu, triển khai Đội Kiểm tra liên ngành cơ động tuần tra kiểm soát trên tuyến biên giới. Các lực lượng chức năng như Hải quan, Công an, Biên phòng, QLTT tỉnh An Giang cũng đã liên tục triển khai các kế hoạch tuần tra, kiểm soát... Kết quả, đã phát hiện trên 1.000 vụ vi phạm, tổng trị giá hàng hóa bắt giữ trên 21 tỷ đồng, tăng gần 70% so với cùng kỳ năm 2013. Tang vật thu giữ, gồm: gần 350 tấn đường, trên 450.000 gói thuốc lá ngoại, trên 780 chai rượu, trên 100 mét khối gỗ và nhiều hàng hóa khác, trong đó có nhiều vụ có số lượng tang vật, giá trị hàng phạm pháp lớn.

Điển hình như ngay trong tháng đầu năm 2014, Phòng Cảnh sát giao thông đường thuỷ- Công an tỉnh An Giang bắt giữ vụ 19.940 gói thuốc lá lậu Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh An Giang bắt giữ vụ 56.290 gói thuốc lá ngoại nhập lậu, Chi cục Hải quan cửa khẩu Tịnh Biên - Cục Hải quan An Giang bắt giữ vụ 26.500 gói thuốc lá ngoại nhập lậu, Đội Kiểm soát Hải quan - Cục Hải quan tỉnh An Giang bắt giữ 12,5 tấn đường.

Tiếp đó, vào tháng 3/2014, Chi cục Hải quan cửa khẩu Vĩnh Xương - Cục Hải quan An Giang bắt giữ vụ trên 46 khối gỗ và nhiều sản phẩm gỗ trị giá trên 1,3 tỷ đồng. Từ tháng 5 đến tháng 7/2014, Công an thị xã Tân Châu - tỉnh An Giang đã kiểm tra tại khu vực phường Long Châu, thị xã Tân Châu bắt giữ 17 vụ vận chuyển thuốc lá lậu, thu giữ gần 60.000 gói thuốc lá ngoại.

Tại hội nghị, các lực lượng cũng đã phản ánh những khó khăn vướng mắc trong công tác chống buôn lậu thời gian qua. Về cơ chế chính sách, theo Ban 389 tỉnh An Giang thì văn bản quy phạm pháp luật chưa chặt chẽ, chưa hoàn chỉnh dễ bị các đối tượng buôn lậu lợi dung, như: Thông tư liên tịch số 60/2011 của liên Bộ Tài chính - Công an - Công Thương quy định về hoá đơn chứng từ đối với hàng hoá nhập khẩu lưu thông trên thị trường; Thông tư liên tịch số 36/2012/TTLT-BCT-BCA-BTC-BYT-TANDTC-VKSNDTC quy định hướng dẫn xử lý vi phạm về kinh doanh rượu nhập lậu, sản phẩm thuốc lá và nguyên liệu thuốc lá; một số nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính không quy định thẩm quyền xử phạt của lực lượng QLTT trong lĩnh vực hoặc đối với loại hàng hoá có dấu hiệu nổi cộm về buôn lậu, gian lận thương mại.

Ngoài ra, trong công tác chống buôn lậu vẫn còn tình trạng có lúc, có nơi chưa được thống nhất, quán triệt đầy đủ dẫn đến hiệu quả chưa cao, công tác phối hợp giữa các lực lượng chưa được kiểm tra giám sát liên tục; việc hỗ trợ từ phía doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp còn gặp khó khăn, trình độ chuyên môn của cán bộ công chức làm công tác chống buôn lậu chưa được đào tạo chuyên sâu…

Trong những tháng còn lại của năm 2014 và tết Nguyên đán 2015, ông Võ Anh Kiệt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng ban Chỉ đạo 389 tỉnh An Giang đã chỉ đạo  các lực lượng chống buôn lậu của tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong đấu tranh chống buôn lậu vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới, vận chuyển hàng cấm;  tiếp tục xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện có hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại của Ban chỉ đạo 389 quốc gia đối với mặt hàng đường, thuốc lá, gia súc, gia cầm

Đội kiểm tra liên ngành cơ động cũng cần phải sơ kết, rút kinh nghiệm sau thời gian phối hợp tuần tra, kiểm soát chống buôn lậu trên tuyến biên giới. Song song đó, lực lượng chống buôn lậu phối hợp chính quyền các địa phương biên giới tuyên truyền, vận động người dân không tham gia, tiếp tay cho buôn lậu…