Cần chính sách bình đẳng giữa Doanh nghiệp chế xuất và Doanh nghiệp thông thường

Theo baohaiquan.vn

Trong quá trình quản lý hải quan đối với các doanh nghiệp chế xuất (DNCX) trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, Cục Hải quan Đồng Nai nhận thấy các chính sách thuế đang dành quá nhiều ưu đãi đối với loại hình DNCX, dẫn đến sự bất bình đẳng giữa các loại hình DN.

Công chức chi cục Hải quan KCX Long Bình hướng dẫn thủ tục hải quan cho doanh nghiệp
Công chức chi cục Hải quan KCX Long Bình hướng dẫn thủ tục hải quan cho doanh nghiệp

Nhiều ưu đãi doanh nghiệp chế xuất

Theo Điều 10 Luật Đầu tư năm 2014 về đảm bảo hoạt động đầu tư kinh doanh, nhà nước không bắt buộc nhà đầu tư phải xuất khẩu hàng hóa dịch vụ đạt một tỷ lệ nhất định cũng như không hạn chế số lượng, giá trị, loại hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu hoặc sản xuất, cung ứng trong nước. Theo đó, trước đây, Nghị định số 24/2000/NĐ-CP ngày 31-7-2000 của Chính phủ quy định DNCX phải xuất khẩu 100% nhưng hiện nay không còn quy định này.

Đồng thời, theo Nghị định số 114/2015/NĐ-CP ngày 9-11-2015 của Chính phủ, DNCX còn được quyền thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa và không khống chế tỷ lệ % hàng hóa phải xuất khẩu. Ngoài ra, các doanh nghiệp nội địa khi bán hàng (xuất khẩu) vào DNCX được áp dụng thuế suất thuế GTGT là 0%, nghĩa là doanh nghiệp nội địa được hoàn lại thuế GTGT đầu vào đối với hàng hóa này sau khi bán hàng cho DNCX.

Trong khi đó, các doanh nghiệp khác khi mua bán trong nội địa phải chịu thuế GTGT 5% hoặc 10% (theo Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31-12-2013 của Bộ Tài chính). Theo Cục trưởng Cục Hải quan Đồng Nai Lê Văn Danh, điều này dẫn tới sự không bình đẳng trong các hoạt động mua bán hàng hóa giữa doanh nghiệp nội địa với các DNCX và với các doanh nghiệp nội địa khác.

Bên cạnh đó, Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp 2014 đều không có quy định về loại hình doanh nghiệp chế xuất, hiện Ban quản lý các KCN Đồng Nai đang lúng túng trong việc cấp giấy chứng nhận đầu tư cho các doanh nghiệp loại hình DNCX và đang xin ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư để có hướng dẫn thực hiện.

Vừa qua, theo Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 2016 quy định, kể từ ngày 1-9-2016, doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất hàng xuất khẩu cũng được miễn thuế nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu.

Như vậy, kể từ ngày 1-9, Cục Hải quan Đồng Nai nhận thấy cả doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất hàng xuất khẩu và doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu để gia công, sản xuất theo loại hình DNCX cũng đều được miễn thuế nhập khẩu. Trong khi đó, DNCX vẫn được hưởng ưu đãi về chính sách thuế GTGT khi mua bán với nội địa.

Do đó, để đảm bảo sự bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp (DNCX và doanh nghiệp không hưởng quy chế hoạt động theo loại hình DNCX), Cục Hải quan Đồng Nai kiến nghị Tổng cục Hải quan có kiến nghị Bộ Tài chính và các Bộ ngành liên quan xem lại chính sách ưu đãi đối với DNCX để có điều kiện quản lý chặt chẽ đối với loại hình doanh nghiệp này. Chẳng hạn, chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc điều kiện áp dụng đối với DNCX là phải xuất khẩu 100%.

Công tác giám sát của Hải quan gặp khó

Không chỉ với nhiều ưu đãi cho DNCX, một số quy định về DNCX cũng khiến cơ quan Hải quan gặp khó trong công tác giám sát. Theo Cục Hải quan Đồng Nai, trên địa bàn hiện có 93 doanh nghiệp được Ban quản lý các KCN Đồng Nai cấp phép hoạt động theo loại hình DNCX. Đáng chú ý, trong số này có tới 15 doanh nghiệp không đảm bảo điều kiện hoạt động theo quy định tại Nghị định 114/2015/NĐ-CP ngày 9-11-2015 của Chính phủ quy định về KCN, KCX và khu kinh tế.

Cụ thể, các DNCX này thuê nhà xưởng của các công ty kinh doanh hạ tầng xây sẵn trong KCN đã được cấp phép để hoạt động sản xuất. Tuy nhiên, nhà xưởng không được ngăn cách với lãnh thổ bên ngoài bằng hệ thống tường rào, không có cổng và cửa ra, vào. Các nhà xưởng do các công ty kinh doanh hạ tầng xây dựng sẵn thường liên kế nhau, trong đó có xen kẽ cho doanh nghiệp trong KCN thuê. Do đó không đảm bảo điều kiện cho sự kiểm tra, giám sát, kiểm soát của cơ quan Hải quan và các cơ quan chức năng có liên quan.

Đối với 78 doanh nghiệp còn lại, tuy có hàng rào riêng ngăn cách với bên ngoài, nhưng các doanh nghiệp này không nằm trong một KCX mà nằm trong KCN, xen kẽ với các doanh nghiệp KCN. Điều này dẫn đến việc giám sát của cơ quan Hải quan gặp rất nhiều khó khăn do lực lượng công chức giám sát không đủ để giám sát trực tiếp tại từng DN.

Trước mắt, Cục Hải quan Đồng Nai đã có yêu cầu tất cả các DNCX trên địa bàn lắp đặt camera, cung cấp tài khoản truy nhập và mật khẩu để cơ quan hải quan truy cập, thực hiện giám sát thông qua các camera này.

Tuy nhiên, đối với chính sách thuế, Cục Hải quan Đồng Nai đề xuất Tổng cục Hải quan kiến nghị Bộ Tài chính có Thông tư hướng dẫn riêng về chính sách quản lý đối với loại hình DNCX. Trong đó, bãi bỏ ưu đãi thuế VAT đối với hàng hóa từ nội địa bàn vào DNCX, chỉ áp dụng ưu đãi đối với hàng hóa đưa từ nước ngoài vào DNCX. Đồng thời không hoàn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa có nguồn gốc nhập khẩu do doanh nghiệp nội địa bán hàng vào DNCX, bao gồm cả trường hợp tái xuất vào DNCX.

Đối với chính sách XNK, Cục Hải quan Đồng Nai cho rằng, để tạo bình đẳng kinh doanh giữa các DN, cần bãi bỏ quy định bán xăng dầu vào DNCX phải bắt buộc là doanh nghiệp đầu mối kinh doanh nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam phát triển.