Chống buôn lậu “thời @”

Thái Bình (HQ Online)

Để đối phó với các thủ đoạn buôn lậu ngày càng tinh vi, đòi hỏi lực lượng kiểm soát Hải quan bên cạnh việc tinh thông nghiệp vụ, thì mỗi CBCC còn phải biết sử dụng hiệu quả các trang thiết bị hỗ trợ.

Chống buôn lậu “thời @”
CBCC Đội Kiểm soát Hải quan tiếp cận hiện trường vụ xuất lậu lúa.
Trong chuyến công tác tại Cục Hải quan Cao Bằng những ngày đầu tháng 10 vừa qua, chúng tôi được nghe những câu chuyện về lực lượng chống buôn lậu đã phát huy tối đa hiệu quả của camera và máy ảnh để lưu giữ hình ảnh làm bằng chứng các vụ buôn lậu.
Từ hình ảnh không thể chối cãi này đã góp phần buộc đối tượng phải “tâm phục khẩu phục”.

Những tháng đầu năm 2012, khu vực biên giới Cao Bằng xuất hiện những dấu hiệu bất thường. Đó là việc có nhiều chiếc xe tải loại lớn mang biển kiểm soát các tỉnh (chủ yếu là Bắc Giang) chở lúa từ nội địa ngược lên biên giới để xuất lậu sang Trung Quốc. Tuy nhiên, việc tiếp cận và bắt quả tang là rất khó khăn bởi các đối tượng luôn có sự cảnh giới cao độ và chỉ cần thấy sự xuất hiện, dù từ xa của lực lượng Hải quan thì ngay lập tức các chủ hàng sẽ “án binh bất động”.

Tính từ đầu năm đến 30-9, Đội Kiểm soát Hải quan, Cục Hải quan Cao Bằng đã phát hiện, xử lí 10 vụ buôn lậu. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính 56 triệu đồng, tổng giá trị hàng hoá vi phạm bán sung công quỹ trên 390 triệu đồng. Ngoài ra, Đội còn bắt giữ 2 vụ vận chuyển ma túy thu giữ 695,45 gram heroin, 1 khẩu súng K59, 1 súng thể thao và 100 ống ma tuý tổng hợp.

Điều này đã làm cho lực lượng kiểm soát Hải quan Cao Bằng hết sức trăn trở. Ông Nguyễn Duy Thư - Đội trưởng Đội Kiểm soát Hải quan, Cục Hải quan Cao Bằng chia sẻ, dù biết rõ hành vi vi phạm nhưng không trực tiếp bắt quả tang sẽ rất khó khăn trong khâu đấu tranh, xử lí sau này. Do đó, lãnh đạo Đội đặt yêu cầu bằng mọi giá phải có được những hình ảnh về hành vi vi phạm của đối tượng.

Lúc này, các cán bộ của Đội Kiểm soát phải dựa rất nhiều vào camera, máy ảnh. Hướng mở đã có, nhưng tác nghiệp thực tế lại không đơn giản. Một số CBCC trực tiếp tham gia “đánh án” chia sẻ, để có thể lựa chọn được góc quay, vị trí chụp ảnh thuận lợi, họ phải luồn sâu vào những cánh đồng mía quanh hiện trường để tác nghiệp.

 Khi những hình ảnh vận chuyển lúa trái phép qua biên giới diễn ra tấp nập được lưu giữ sống động vào camera và máy ảnh, lập tức một mũi tiến công khác nhanh chóng tiếp cận mục tiêu. Ngay khi có sự xuất hiện của lực lượng Hải quan, các đầu nậu đã chỉ đạo “cửu vạn” dừng ngay lập tức mọi hoạt động nhằm gây khó dễ với lực lượng chức năng. Tuy nhiên, với những gì còn lại ở hiện trường và những hình ảnh đã được cán bộ hải quan lưu giữ trước đó các đầu nậu đã phải thừa nhận hành vi vi phạm.

Chính vì vậy, chỉ riêng trong 1 ngày (23-2), Đội Kiểm soát Hải quan và Chi cục Hải quan cửa khẩu Tà Lùng đã kịp thời bắt giữ 6 vụ xuất lậu lúa tại khu vực bờ sông Bắc Vọng, xóm Lũng Om, xã Đại Sơn, huyện Phục Hoà (Cao Bằng). Tổng khối lượng tang vật thu giữ là 72 tấn lúa. Cơ quan Hải quan đã xử phạt vi phạm hành chính tổng số tiền 34 triệu đồng và tịch thu toàn bộ tang vật vi phạm để cơ quan chức năng bán đấu giá, sung công quỹ 288 triệu đồng.

Chống buôn lậu “thời @” - Ảnh 1

Hiện trường vụ xuất lậu lúa (Ảnh do Hải quan Cao Bằng cung cấp)

Đây cũng là mặt hàng vi phạm có giá trị lớn nhất do Đội Kiểm soát Hải quan Cao Bằng phát hiện, bắt giữ từ đầu năm đến nay. Đặc biệt, kể từ khi lực lượng Hải quan kịp thời ngăn chặn 6 vụ xuất lúa, tình hình xuất lậu mặt hàng này qua khu vực biên giới Cao Bằng đã không còn tái diễn.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Duy Thư cho biết thêm: Tuy đường biên giới với Trung Quốc trên 300 km, nhưng địa hình, đường sá đi lại khó khăn nên hoạt động XNK ở Cao Bằng không mấy sôi động như Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh. Do đó, hoạt động buôn lậu ở Cao Bằng cũng không quá “nóng”. Nhưng không vì thế mà CBCC làm công tác chống buôn lậu có thể lơ là bởi tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới ngày một tinh vi và luôn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ngờ.

Chính vì vậy, việc nâng cao trình độ, năng lực nghiệp vụ cộng với sự tiếp cận các phương thức điều tra, đánh án mới, cũng như sử dụng trang thiết bị hỗ trợ luôn được đơn vị hết sức chú trọng. Vừa nói chuyện với chúng tôi, Đội trưởng Nguyễn Duy Thư và các CBCC trong Đội vừa tranh thủ hướng dẫn, trao đổi thêm về máy camera, máy ảnh để có thể sử dụng thành thạo, góp phần nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu.

Ngoài ra, để giúp CBCC trong Đội nâng cao trình độ nghiệp vụ, đơn vị cũng luôn chú trọng việc cử cán bộ tham gia các lớp tập huấn, đào tạo về nghiệp vụ chống buôn lậu do Tổng cục Hải quan tổ chức. Hiện nay, Đội đã cử 2 cán bộ (một lãnh đạo Đội, một công chức) tham gia lớp Điều tra tội phạm do Tổng cục phối hợp với Học viện Cảnh sát khai giảng tháng 9 vừa qua tại Hà Nội. Bên cạnh đó, việc liên tục cập nhật, nghiên cứu văn bản pháp luật, nhất là quy định mới cũng được Đội hết sức chú trọng…