Cục Hải quan Quảng Trị: Tích cực thu nợ thuế quá hạn

Theo baoxaydung.com.vn

(Tài chính) Tính từ tháng 7/2003 trở về trước, tình hình nợ thuế quá hạn của các doanh nghiệp (DN) là một bài toán nan giải của ngành hải quan nói chung và Hải quan Quảng Trị nói riêng. Trên địa bàn Quảng Trị, số nợ thuế của DN tính đến tháng 7/2013 hơn 15 tỷ đồng. Tuy nhiên sau tháng 7/2013, với nỗ lực của Cục Hải quan Quảng Trị, đặc biệt Luật Quản lý thuế sửa đổi bổ sung có hiệu lực từ 01/7/2013 có nhiều quy định thuận lợi cho việc thu thuế, nên thực trạng này đã đi vào ổn định. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2014 Hải quan Quảng Trị đã thu thuế đạt 729 tỷ đồng.

Cục Hải quan Quảng Trị: Tích cực thu nợ thuế quá hạn
Chi cục Hải quan Lao Bảo. Nguồn: Internet

Thời gian qua, Cục Hải quan Quảng Trị triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đôn đốc thu thuế, truy đòi nợ đọng thuế như: phân loại các đối tượng nợ thuế, các loại nợ xấu, xây dựng kế hoạch truy thu nợ thuế, mời DN đến để thông báo tình trạng nợ thuế, trực tiếp đến tận trụ sở DN trên địa bàn cả nước để làm việc, truy tìm các DN đã bỏ trốn, xác minh các DN không còn hoạt động hoặc đã phá sản. Ngoài ra phối hợp với cơ quan công an, ngân hàng, thuế trong việc truy tìm, xác minh tình trạng DN và truy đòi nợ thuế, tổ chức hội nghị trao đổi kinh nghiệm và tìm giải pháp truy đòi nợ đọng thuế… nên bước đầu đã thu được một số kết quả. Tuy nhiên, những khoản nợ xấu vẫn còn rất lớn. Hiện nay, số nợ xấu còn lại chủ yếu là nợ thuế của DN bỏ trốn, giải thể, phá sản và chây ỳ từ nhiều năm qua, trong đó có khoản nợ đã trên 10 năm. Đối với những khoản nợ này Cục đã áp dụng nhiều biện pháp, giải pháp nhưng đến nay vẫn chưa có khả năng thu hồi.

Thực trạng này một phần do trước đây (trước năm 2006), quy định cho phép DN chấp hành tốt pháp luật được ân hạn nợ thuế đến hàng chục, hàng trăm ngày mà không có điều kiện ràng buộc, chẳng hạn như loại hình kinh doanh tạm nhập tái xuất được ân hạn thuế tới hơn 100 ngày và đối với hợp đồng gia công hết thời hạn hợp đồng mới thanh khoản. Thế nên xảy ra tình trạng DN lợi dụng chính sách ân hạn thuế để không nộp thuế đúng hạn, sau đó bỏ trốn, tự giải thể, đến nay số nợ vẫn chưa được xử lí dứt điểm.

Ông Lưu Việt Hưng - Trưởng Phòng nghiệp vụ Hải quan Quảng Trị cho biết: Phần lớn các khoản nợ thuế của DN bỏ trốn, ngưng hoạt động đều phát sinh trong tình huống DN lợi dụng chính sách ân hạn thuế khiến cơ quan hải quan phải vất vả truy tìm thu hồi nợ, nhưng kết quả cũng không mấy khả quan. Bên cạnh đó, công tác hỗ trợ, phối kết hợp giữa các cơ quan Nhà nước trong việc truy đòi nợ đọng thuế chưa tích cực do quy chế phối hợp còn chung chung, chưa cụ thể, rõ ràng về trách nhiệm của các bên liên quan khi có yêu cầu. Do chưa có cơ chế khuyến khích, động viên về vật chất và tinh thần cho công chức cũng như các cơ quan Nhà nước liên quan có thành tích trong việc phối hợp truy đòi nợ thuế, nên khi cơ quan hải quan đề nghị, yêu cầu thì từ chối hoặc thực hiện một cách chiếu lệ, qua chuyện coi việc truy đòi thuế là của cơ quan hải quan chứ không phải việc của mình".

Từ Luật Quản lý thuế sửa đổi bổ sung có hiệu lực (từ ngày 01/7/2013) đã có những quy định tích cực, chặt chẽ hơn trong công tác quản lý thuế như: Không cho phép các DN hoạt động xuất nhập khẩu, kinh doanh tạm nhập tái xuất được hưởng chính sách ân hạn thuế tràn lan như trước đây. Trong các biện pháp cưỡng chế của cơ quan hải quan, các bước cưỡng chế được sắp xếp một cách khoa học hơn. Ví dụ như trước đây để cưỡng chế một DN nợ thuế quá hạn phải tuân thủ các bước như: yêu cầu phong toả tài sản, khấu trừ tiền lương, kê biên tài sản, thu tài sản khác do tổ chức cá nhân khác nắm giữ, dừng làm thủ tục hải quan... Luật quy định là thế nhưng nếu DN không có tài sản ở ngân hàng hoặc DN phá sản thì ngành hải quan mới thực hiện bước dừng làm thủ tục hải quan. Nay theo Luật Quản lý thuế sửa đổi bổ sung thì bước cưỡng chế: dừng làm thủ tục hải quan được thực hiện ngay từ đầu, nên DN không có "cơ hội" xuất hàng mà vẫn nợ thuế.

Ông Lưu Việt Hưng cho biết thêm: Sau khi áp dụng Luật Quản lý thuế sửa đổi bổ sung thì việc thu thuế đối với các DN thông thoáng hơn trước đây. DN phải nộp thuế trước khi thông quan nên không còn tình trạng hàng đã xuất nhập khẩu, hoặc bán nhưng vẫn không nộp thuế. Chỉ 6 tháng đầu năm 2014 Cục Hải quan Quảng Trị thu thuế hơn 729 tỷ, vượt gần 30% so với cùng kế hoạch. Để công tác thu thuế DN đạt kết quả cao hơn, chúng tôi đã đề nghị khi cấp phép thành lập DN, cơ quan cấp phép phải kiểm tra, xác minh năng lực và phải có cơ chế cung cấp thông tin về tình hình hoạt động của DN trên từng địa bàn cho cơ quan hải quan. Bộ Tài chính nên có Thông tư hướng dẫn cụ thể cách thức tiến hành các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế theo Luật Quản lý thuế, nhất là đối với các DN bỏ trốn, giải thể, phá sản, trây lỳ, không còn hoạt động; tránh phát sinh nợ thuế trong việc truy thu thuế. Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan thống nhất với các bộ, ngành trong việc ban hành chính sách về miễn, giảm thuế để có chỉ đạo nhất quán, thống nhất trong thực hiện chính sách thuế, tránh tình trạng cùng một mặt hàng mỗi thời điểm chỉ đạo áp vào một mã khác nhau rồi yêu cầu truy thu thuế, hoặc hàng miễn giảm thuế, hàng thuộc dự án đầu tư do văn bản hướng dẫn thực hiện không thống nhất dẫn đến phải truy thu thuế.