Doanh nghiệp quan tâm đến việc cải cách, phát triển hiện đại hóa Hải quan

Theo baohaiquan.vn

Ngày 26-9, Tổng cục Hải quan tổ chức Hội nghị triển khai Kế hoạch cải cách, phát triển và hiện đại hóa ngành Hải quan giai đoạn 2016-2020 đến các bên liên quan.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Vũ Ngọc Anh phát biểu tại hội nghị. Nguồn: PV.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Vũ Ngọc Anh phát biểu tại hội nghị. Nguồn: PV.

Tham dự hội nghị có gần 300 DN tiêu biểu, thường xuyên làm thủ tục hải quan được lựa chọn từ các ngành nghề kinh tế khác nhau, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp, các phòng Thương mại trong nước và quốc tế, đại diện các bộ, ngành và các cơ quan thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan.

Kết nối và trao quyền cho doanh nghiệp

Với chủ đề “Hướng đến DN, kết nối DN, phục vụ DN và trao quyền cho DN”, Hội nghị tập trung vào các chuyên đề: Các hoạt động cải cách hiện đại hóa hướng đến DN; thúc đẩy quan hệ đối tác hải quan-DN; cung cấp các dịch vụ hành chính công trực tuyến đến cộng đồng DN và Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN; cơ chế tự chứng nhận xuất xứ. 

Tại hội nghị, đại diện Ban Cải cách hiện đại hóa hải quan (Tổng cục Hải quan) đã thông tin tới cộng đồng DN tổng quan về chương trình cải cách hiện đại hóa hải quan giai đoạn 2016-2020, trong đó đề cập đến các nội dung lớn như: Cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin, cải thiện nâng cao chất lượng và điều kiện phục vụ người dân và DN, ứng dụng phương pháp quản lý hiện đại và tiến bộ khoa học công nghệ trong kiểm tra, giám sát nhằm nâng cao hiệu quả kiểm soát, giảm sự can thiệp vào hoạt động thương mại hợp pháp.

Trong đó một số chỉ tiêu cụ thể trong kế hoạch này là thủ tục hải quan được thực hiện “mọi nơi-mọi lúc-mọi phương tiện”: Người khai hải quan thực hiện khai báo mọi nơi, với thời gian 24/7, trên các thiết bị cố định, di động hỗ trợ; thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới dưới 36 giờ đối với hàng hóa xuất khẩu, 41 giờ đối với hàng hóa nhập khẩu; cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao nhất đối với 100% thủ tục hải quan chủ yếu (mức độ 3 hoặc 4 tương xứng với từng thủ tục)…

Bên cạnh đó, tại hội nghị Tổng cục Hải quan cũng nêu khái quát các biện pháp và hoạt động phát triển quan hệ đối tác hải quan-DN thời gian qua. Một trong các ưu tiên phát triển quan hệ đối tác hải quan-DN trong thời gian tới là thúc đẩy quan hệ đối tác thường xuyên với DN có quá trình chấp hành tốt pháp luật và sẵn sàng hợp tác với cơ quan Hải quan, hình thành nhóm khách hàng thân thiết.

Đại diện Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan cũng thông tin về kết quả triển khai dịch vụ công trực tuyến của Tổng cục Hải quan; kết quả triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN cũng cho thấy các chương trình, kế hoạch của Tổng cục Hải quan đều nhằm mục tiêu góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng phục vụ của cơ quan quản lý nhà nước đối với người dân và DN.

Theo đó, năm 2016, 70% dịch vụ công được cung cấp trực tuyến tối thiểu mức độ 3, 50% dịch vụ công thuộc các lĩnh vực cốt lõi của ngành Hải quan cung cấp trực tuyến mức độ 4. Đến năm 2017, 100% dịch vụ công được cung cấp trực tuyến tối thiểu mức độ 3, 70% dịch vụ công thuộc các lĩnh vực cốt lõi của ngành Hải quan được cung cấp trực tuyến mức độ 4.

Về triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, đến năm 2018, sẽ hoàn thành triển khai mở rộng phạm vi toàn quốc các thủ tục đối với phương tiện, hàng hóa vận tải vào, rời cảng biển, cảng thủy nội địa, cảng dầu khí ngoài khơi; các thủ tục đối với phương tiện vận tải vào, rời cảng hàng không thông qua Cơ chế một cửa quốc gia.

Đồng thời triển khai các thủ tục hành chính có số lượng giao dịch nhiều, tác động lớn tới hoạt đông của các DN, tổ chức và người dân đạt ít nhất 80% trên tổng số các thủ tục hành chính của các bộ, ngành có liên quan đến hoạt động XNK, XNC, quá cảnh đối với hàng hóa và phương tiện.

Tích cực triển khai các kế hoạch cải cách

Những kế hoạch hiện đại hóa của cơ quan Hải quan đã được các DN tham gia hội nghị quan tâm và đóng góp nhiều ý kiến tham gia. Đại diện Hiệp hội logistics cho rằng, quyết tâm cải cách của Bộ Tài chính trong lĩnh vực thuế và hải quan là rất lớn, đúng theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra.

Tuy nhiên để triển khai có hiệu quả Kế hoạch cải cách, phát triển và hiện đại hóa ngành Hải quan giai đoạn 2016-2020, Tổng cục Hải quan cần phổ biến nội dung kế hoạch trong toàn ngành từ cấp Tổng cục đến Hải quan địa phương. Đồng thời, chú trọng tới công tác đào tạo nguồn nhân lực, không chỉ trong nội bộ ngành Hải quan mà còn đào tạo cho DN về chính sách pháp luật mới, về cách thức triển khai các quy trình, thủ tục mới để các kế hoạch đạt hiệu quả cao.

Đánh giá về các kết quả cải cách, hiện đại hóa của ngành Hải quan trong thời gian qua, đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam đánh giá, Tổng cục Hải quan là cơ quan triển khai khá quyết liệt tinh thần của các Nghị quyết 19/NQ-CP, Nghị quyết 35/NQ-CP, Nghị quyết 36a/NQ-CP của Chính phủ.

Những phản ánh vướng mắc của DN, hiệp hội DN đã được Tổng cục Hải quan tiếp thu và triển khai nhanh để có giải pháp tháo gỡ cho DN. Trong đó những chương trình cải cách của Tổng cục Hải quan như: Kiểm soát theo cơ chế quản lý rủi ro, sàng lọc DN để kiểm tra, phân luồng quản lý DN… đã tạo cho DN có ý thức hơn trong việc chấp hành phấp luật hải quan. Tuy nhiên, đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng cho rằng,  Kế hoạch cải cách, phát triển hiện đại hóa ngành Hải quan giai đoạn 2016-2020 chỉ thực sự đạt hiệu quả tốt khi các cơ quan liên quan cùng tham gia thực hiện.

Bởi hiện tại những vấn đề vướng mắc về kiểm tra chuyên ngành cũng đang gây không ít khó khăn cho DN. Chẳng hạn, trong vấn đề kiểm tra chuyên ngành lĩnh vực dệt may, nếu Bộ Công Thương áp dụng thông báo kết quả kiểm tra chuyên ngành theo phương thức điện tử sẽ giúp cho DN rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa. 

Đại diện Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cũng đánh giá ngành Hải quan đã đi đầu thể hiện tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là tạo thuận lợi, tháo gỡ khó khăn, lắng nghe ý kiến DN. Chính vì vậy, Tổng cục Hải quan cần sớm ký thỏa thuận hợp tác với Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam để có thể hợp tác xử lý các vấn đề phát sinh gây khó khăn cho DN.

Tại Hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Vũ Ngọc Anh đã khái quát lại những kết quả cải cách, hiện đại hóa ngành Hải quan trong 5 năm qua.

Phó Tổng cục trưởng nhấn mạnh, trong 5 năm tới, Tổng cục Hải quan sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về hải quan nhằm cải tiến toàn bộ công tác quản lý Nhà nước về hải quan, để đưa hoạt động hải quan ngang tầm với các nước tiên tiến trong khu vực. Tổng cục Hải quan sẽ thực hiện các giải pháp quyết liệt hơn để thực hiện các Nghị quyết 19/NQ-CP, Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định 2026/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, để Kế hoạch cải cách, phát triển và hiện đại hóa ngành Hải quan giai đoạn 2016-2020 đạt hiệu quả, cơ quan Hải quan mong muốn DN nhận thức rõ việc hiện đại hóa hải quan không chỉ ngành Hải quan, Bộ Tài chính, Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước khác có liên quan mà còn ở bản thân các DN. Nếu DN không hiện đại hóa phương pháp quản lý thì cơ quan Hải quan không thể hiện đại hóa toàn bộ hệ thống.

Ngay sau Hội nghị, Tổng cục Hải quan đã thông tin với các cơ quan báo chí về việc triển khai Kế hoạch cải cách, phát triển và hiện đại hóa ngành Hải quan giai đoạn 2016-2020 đến các bên liên quan.

Tại buổi họp báo, đại diện Tổng cục Hải quan đã trả lời nhiều câu hỏi liên quan Kế hoạch cải cách, phát triển và hiện đại hóa ngành Hải quan giai đoạn 2016-2020, cách thức triển khai quan hệ đối tác hải quan-DN và các lợi ích. Đồng thời những vấn đề báo chí quan tâm về công tác kiểm tra chuyên ngành cũng được trả lời cụ thể.

Theo đại diện Cục Giám sát quản lý về hải quan, thời gian qua, Tổng cục Hải quan đã tích cực làm việc với các bộ, ngành để rà soát văn bản pháp luật về kiểm tra chuyên ngành, rà soát danh mục hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành, phương pháp kiểm tra, cơ chế phối hợp cấp thông tin kiểm tra điện tử.

Tuy nhiên, đại diện Cục Giám sát quản lý về hải quan cho biết, việc có rút ngắn được tỉ lệ hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành trong khâu thông quan từ 30-35% xuống 15% đến hết năm 2016 hay không là phụ thuộc vào mức độ cải cách của các bộ, ngành.