Gỡ vướng về thủ tục kiểm tra chuyên ngành cho doanh nghiệp

Theo baohaiquan.vn

Thời gian qua, cơ quan Hải quan nhận được một số câu hỏi liên quan đến hoạt động kiểm tra chuyên ngành (KTCN) đối với hàng hóa XNK. Để giúp DN hiểu rõ các quy định và trách nhiệm của cơ quan quản lý chuyên ngành, Tổng cục Hải quan đã giải đáp một số vướng mắc.

CBCC Hải quan Chi Ma (Lạng Sơn) kiểm tra hàng đông lạnh XK. Nguồn: PV.
CBCC Hải quan Chi Ma (Lạng Sơn) kiểm tra hàng đông lạnh XK. Nguồn: PV.

Công ty TNHH Thương mại Trang Minh Thành phản ánh, đối với nhiều mặt hàng được phân chia ở Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT, nhưng cơ quan Thú y vẫn muốn quản lý mặc dù được quy định rõ ràng ở Thông tư liên tịch của 3 bộ, làm các DN phải tốn nhiều chi phí cho việc quản lý, phí kiểm tra và đặc biệt tiến độ lưu thông hàng hóa.

Về vấn đề này, theo Tổng cục Hải quan, tại Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT hướng dẫn việc phân công, phối hợp trong quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm đã phân công cụ thể các nhóm hàng hóa phải kiểm tra về an toàn thực phẩm thuộc trách nhiệm của 3 Bộ: Y tế, NN&PTNT, Công Thương. Theo đó, 3 bộ đã ban hành Danh mục hàng hóa phải kiểm tra an toàn thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý kèm mã số HS tại các văn bản sau: Quyết định số 4069/QĐ-BNN-QLCL ngày 14/10/2015 của Bộ NN&PTNT; Quyết định 3648/QĐ-BCT ngày 8/9/2016 của Bộ Công Thương (sửa đổi, bổ sung tại Quyết định 5051/QĐ-BCT ngày 26/12/2016); Thông tư số 40/2016/TT-BYT ngày 4/11/2016 của Bộ Y tế. Hiện nay, Bộ NN&PTNT đang giao cho cơ quan Thú y là đơn vị vừa thực hiện kiểm dịch động vật vừa thực hiện kiểm tra về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa XNK.

Theo đó, Tổng cục Hải quan cho rằng, việc quy định danh mục hàng hóa thuộc diện phải KTCN và cơ quan thực hiện kiểm tra thuộc trách nhiệm của các bộ, ngành. Cơ quan Hải quan căn cứ quy định của các bộ, ngành ban hành để thực hiện.

Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) ghi nhận ý kiến của DN và phản ánh đến cơ quan thú y hoặc Bộ NN&PTNT là cơ quan quản lý đối với các cơ quan thú y để được hướng dẫn, xử lý.

Công ty TNHH Tokohu Pioneer Việt Nam hỏi việc áp dụng xin giấy phép chỉ áp dụng cho DN NK từ nước ngoài hay trong nước, hay áp dụng cho cả DN mua bán trong nước lẫn nước ngoài?

Theo Tổng cục Hải quan, việc cấp giấy phép NK xuất bản phẩm không kinh doanh được quy định tại Thông tư số 16/2015/TT-BTTTT ngày 17/6/2015 (sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 41/2016/TT-BTTTT ngày 26/12/2016). Theo đó, căn cứ Khoản 2 Điều 1 về đối tượng áp dụng và Điều 10 (quy định về quy trình, thủ tục cấp giấy phép NK xuất bản phẩm không kinh doanh) thì cơ quan, tổ chức, cá nhân tại Việt Nam khi NK xuất bản phẩm không kinh doanh phải có giấy phép NK do Cục Xuất bản, in và phát hành hoặc Sở Thông tin và Truyền thông cấp. Cơ quan Hải quan căn cứ giấy phép NK do Cục Xuất bản, in và phát hành hoặc Sở Thông tin và Truyền thông cấp để thông quan hàng hóa.

Công ty TNHH Hương gia vị Sơn Hà hỏi về thủ tục hải quan nhập mẫu (quế, tiêu) về hải quan bưu điện Hà Nội. DN cho biết, theo Khoản 2, Điều 14 Nghị định số 38/2012/NĐ-CP và Điều 3, Chương I Thông tư số 12/2015 của Bộ NN&PTNT mẫu không thuộc đối tượng KTCN. Tuy nhiên DN vẫn gặp nhiều khó khăn khi NK qua bưu điện Hà Nội vì hải quan vẫn yêu cầu có công văn giải tỏa hàng được ký kết bởi cơ quan kiểm dịch.

Tổng cục Hải quan cho biết, tại Khoản 2, Điều 14 Nghị định số 38/2012/NĐ-CP của Chính phủ và Điều 3, chương I Thông tư số 12/2015/TT-BNN của Bộ NN&PTNT thì hàng hóa NK là mẫu thử nghiệm, nghiên cứu (quế, tiêu) không thuộc đối tượng kiểm tra an toàn thực phẩm.

Cũng theo quy định tại Điểm a, Khoản 2 Điều 1 Thông tư số 30/2014/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT và Quyết định số 2515/QĐ/BNN-BVTV ngày 29/6/2015 thì hàng hóa NK là mẫu thử nghiệm, nghiên cứu thuộc diện phải kiểm dịch.

Do đó, trường hợp của DN chỉ được miễn kiểm tra an toàn thực phẩm không được miễn thủ tục kiểm dịch. Vì vậy, Tổng cục Hải quan đề nghị DN nghiên cứu quy định tại Thông tư số 30/2014/TT-BNNPTNT, Quyết định số 2515/QĐ/BNN-BVTV để thực hiện.

Công ty CP Acecook Việt Nam phản ánh, hiện nay DN có nhu cầu NK một số mẫu nguyên liệu thực phẩm để phục vụ cho công tác thử nghiệm trên dây chuyền sản xuất, hình thức NK là hàng mẫu (nhập phi mậu dịch, không thanh toán). Căn cứ theo quy định hiện hành thì các mặt hàng mà DN NK thuộc diện phải kiểm tra an toàn thực phẩm khi NK và phải xin công bố phù hợp tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm với Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y Tế) trước khi NK. Tuy nhiên, theo Điều 14 Nghị định số 38/2012/NĐ-CP thì thực phẩm là mẫu thử nghiệm hoặc nghiên cứu sẽ được miễn kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm khi NK. Do đó, DN hỏi để được xét miễn kiểm tra thì DN phải làm những thủ tục gì? Việc giải quyết cho phép miễn kiểm tra có thuộc thẩm quyền của cơ quan Hải quan? Hồ sơ, chứng từ mà DN cần cung cấp để xin miễn kiểm tra là gì? Thời gian nộp hồ sơ là trước khi nhà cung cấp giao hàng hay sau khi giao hàng? Có quy định giới hạn số lượng hay trị giá hàng mẫu để xin miễn kiểm tra không? DN có thể áp dụng Điều 6 và Điều 7 Quyết định số 31/2015/QĐ-TTg về định mức hàng mẫu của tổ chức, cá nhân để xin miễn kiểm tra không?

Về vấn đề này, theo Tổng cục Hải quan, Khoản 2 Điều 14 Nghị định số 38/2012/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm thì thực phẩm NK là mẫu thử nghiệm được miễn kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm khi NK, không quy định cụ thể về số lượng hay trị giá hàng mẫu cụ thể để được miễn kiểm tra. Do vậy, khi làm thủ tục hải quan, DN phải khai báo mục đích NK hàng hóa và đảm bảo về nội dung khai báo. Cơ quan Hải quan căn cứ thông tin khai báo của DN để thực hiện thông quan hàng hóa. Hồ sơ hải quan thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 16 thông tư số 38/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Về vướng mắc của DN, Tổng cục Hải quan đã nhiều lần phản ánh với các Bộ: Y tế, NN&PTNT, Công Thương có hướng dẫn cụ thể để cơ quan Hải quan và DN thực hiện. Các bộ đã có ghi nhận vướng mắc để nghiên cứu sửa đổi, hướng dẫn trong thời gian tới. Về số lượng và trị giá hàng mẫu theo quy định tại Quyết định số 31/2015/QĐ-TTg là định mức để được hưởng ưu đãi về thuế, không phải là quy định để được miễn kiểm tra an toàn thực phẩm.

DNTN Quốc Toản phản ánh, theo Quyết định số 37/2017/QĐ-TTg ngày 5/10/2017 của Thủ tướng Chính phủ thì mặt hàng thủy sản và sản phẩm thủy sản đông lạnh NK sẽ được miễn kiểm tra chất lượng kể từ ngày 5/10/2017. Tuy nhiên, thực tế DN đang NK nguyên liệu thủy sản nguyên con đông lạnh theo loại hình nhập SXXK vẫn phải đăng ký kiểm tra tra thú y cho lô hàng và phải được cấp giấy chứng nhận kiểm dịch và vệ sinh an toàn thực phẩm của Chi cục Thú y thì lô hàng mới được thông quan.

Liên quan đến phản ánh của DN, Tổng cục Hải quan cho biết, ngày 5/12/2016, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 103/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2016. Theo đó, tại Điểm 3 Nghị quyết số 103/NQ-CP, Chính phủ “thống nhất cho phép DN được miễn kiểm tra Nhà nước về an toàn thực phẩm, công bố hợp quy và công bố sự phù hợp quy định an toàn thực phẩm, miễn ghi nhãn tiếng Việt Nam đối với thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm NK vào Việt Nam chỉ dùng để sản xuất, gia công hàng xuất khẩu, không tiêu thụ tại thị trường trong nước”.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Điểm 3 Nghị quyết số 103/NQ-CP dẫn trên, Tổng cục Hải quan có công văn số 11933/TCHQ-GSQL ngày 21/12/2016 và Bộ Y tế (Cục An toàn thực phẩm) có công văn số 7841/ATTP-PC ngày 15/12/2016 hướng dẫn. Theo đó, DN không phải thực hiện kiểm tra Nhà nước về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa NK theo loại hình SXXK hoặc nhập gia công hàng XK.

Liên quan đến việc kiểm dịch đối với hàng hóa NK, căn cứ Luật Thú y ngày 19/6/2015 và Thông tư số 26/2016/TT-BNNPTNT ngày 30/6/2016 của Bộ NN&PTNT quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản thì thủy sản và sản phẩm thủy sản đông lạnh NK làm nguyên liệu dùng để sản xuất hàng XK không thuộc đối tượng phải kiểm dịch khi NK.