Hải Phòng: Đẩy mạnh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả

HT.

Càng vào dịp cuối năm, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả càng diễn ra mạnh mẽ. Các lực lượng liên ngành, đặc biệt là lực lượng hải quan đã và đang vào cuộc quyết liệt nhằm ngăn chặn tình trạng này...

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thủ đoạn đa dạng, tinh vi

Hàng lậu được các đối tượng chia nhỏ, xé lẻ lợi dụng đêm tối, giờ nghỉ để vận chuyển. Hàng lậu được vận chuyển, cất giấu trên xe khách, xe du lịch, xe tải, xe công- ten- nơ, tàu, thuyền, thậm chí là xe téc chở dầu để cất giữ thuốc lá. Lợi dụng chính sách đơn giản hóa thủ tục xuất nhập khẩu, chính sách hóa đơn (khai báo thủ tục hải quan điện tử, tự in hóa đơn, hóa đơn điện tử…), các hành vi buôn lậu thường khai báo sai với vận đơn hàng hóa ( sai về mặt hàng, chủng loại, giả xuất xứ, số lượng, giá cả để được áp thuế ở mức thấp hơn…). Hàng nhập lậu vào thị trường nội địa chủ yếu là rượu, thuốc lá, nội thất, đồ gỗ, vải, quần áo, giày dép, phụ tùng xe máy, xe đạp điện, đồ điện gia dụng, mỹ phẩm, đồ chơi trẻ em và nhiều mặt hàng tiêu dùng khác.

Trong khi đó, hàng giả được sản xuất, vận chuyển và tiêu thụ khá tinh vi, cụ thể là làm giả từ nước ngoài rồi vận chuyển vào nội địa, bằng cả đường chính ngạch và tiểu ngạch. Hàng giả cũng có nhiều loại, cả hàng cao cấp tới thấp cấp, từ hàng tiêu dùng tới vật tư, nguyên liệu, phụ tùng… Dễ bị giả nhất là quần áo Trung Quốc nhưng đóng mác “Made in Vietnam”, rượu, thực phẩm, mỹ phẩm, đồ gia dụng…

Đáng lo ngại hơn, khi hàng giả nhập lậu thường được xé lẻ, chia nhỏ, giá trị hàng hóa mỗi lần vận chuyển, tiêu thụ vì thế không lớn hoặc dưới mức xử lý hình sự nên rất khó khăn đối với các ngành chức năng khi không triệt phá được tận gốc và không đủ chế tài răn đe.

Gian lận thương mại chủ yếu vẫn là những hình thức, thủ đoạn lợi dụng kẽ hở của cơ chế, chính sách nhằm trục lợi ( gian lận về thuế…). Đáng chú ý là tình trạng sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ hàng hóa không rõ nguồn gốc, giả nhãn hiệu dưới danh nghĩa hàng “xách tay” ngày càng phổ biến, gây bức xúc trong nhân dân vì rất khó phân biệt đâu là hàng thật, đâu là hàng giả, nhất là rượu, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng…

Việc bán hàng qua mạng xã hội Facebook, qua các trang web khá nhiều nhưng hầu như chưa có sự kiểm tra, kiểm soát và xử phạt. Trong khi đó, không ít người tiêu dùng “tiền mất tật mang”, tin vào lời quảng cáo trên mạng mà vô tình mua phải hàng giả, hàng nhái nhãn hiệu với giá cao.

Đối với Hải Phòng, do địa bàn phức tạp, là cửa khẩu ra biển lớn nhất miền Bắc, có cả đường biển, đường bộ, đường hàng không nên ảnh hưởng lớn tới công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Địa bàn hoạt động trên biển rộng nhưng các lực lượng chức năng vẫn luôn ở trong tình trạng vừa thiếu vừa yếu về phương tiện chuyên dụng, kinh phí hạn hẹp.

Tăng cường phối hợp, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ

Từ thực trạng đó, Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389) Thành phố Hải Phòng yêu cầu các đơn vị thành viên phải tăng cường hơn nữa các biện pháp phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đặc biệt là phối hợp chặt chẽ hơn nữa.

Thời gian qua, công tác phối hợp có chuyển biến bước đầu nhưng vẫn chưa thường xuyên, chưa có nhiều chuyên đề, chuyên án phối hợp; việc triển khai các kế hoạch đấu tranh hầu như vẫn mang tính đơn lẻ, cục bộ của các ngành là chính nên chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống, chưa thể đánh vào các tụ điểm tập kết, chứa hàng lậu.

Tuy nhiên, số vụ bị xử lý hình sự còn quá ít, 35/11000 vụ cho thấy chế tài vẫn chưa đủ sức răn đe. Phần lớn các vụ việc phát hiện chỉ xử lý hành chính khiến người vi phạm chưa thấy sợ, thậm chí tái phạm. Các lực lượng bắt giữ, xử lý nhiều vụ buôn lậu, gian lận thương mại, nhưng kiểm tra, xử lý hàng giả còn chiếm tỷ lệ thấp, trong khi đây đang là vấn nạn làm thiệt hại cho nhà sản xuất chân chính, gây thiệt hại lớn cho xã hội và người tiêu dùng, nhiều mặt hàng giả ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe con người.

Dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 và cuối năm 2015, BCĐ 389 thành phố nhận định, các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả sẽ gia tăng, tập trung vào các nhóm ngành hàng tiêu dùng nhiều như thực phẩm, mỹ phẩm, quần áo, túi xách, rượu, thuốc lá, điện thoại di động, hàng điện tử, điện lạnh, đồ dùng gia đình, thậm chí là cả ma túy, vũ khí, pháo nổ, khoáng sản…

Do đó, các lực lượng cần hiệp đồng tác chiến mạnh mẽ hơn nữa cả trên biển và trong thị trường nội địa, xây dựng các chuyên đề, chuyên án lớn để tập trung sự chỉ đạo và tổ chức triệt phá, xác định rõ trọng điểm về địa bàn, tuyến, lĩnh vực, đối tượng, đánh thẳng vào các ổ tập kết, buôn bán lớn và xử lý nghiêm để làm gương. Trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, “tai mắt” của người dân giữ vai trò quan trọng.

Cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động nhân dân phát hiện, tố giác và không tham gia tiếp tay cho các đối tượng. Việc công khai kết quả đấu tranh, điều tra, xử lý trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng cần thường xuyên hơn để bảo đảm răn đe và phòng ngừa chung.

Để tăng cường sức mạnh cho các lực lượng chức năng, BCĐ 389 thành phố đang đề nghị BCĐ 389 quốc gia trang bị thêm tàu, xuồng cao tốc, ô tô chuyên dụng, trang thiết bị thông tin liên lạc, kinh phí, xăng dầu; có cơ chế trích thưởng hợp lý để động viên, khuyến khích người cung cấp tin và đơn vị thực hiện bắt giữ các vụ lớn.

Ngoài ra, cũng cần tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật, xây dựng chế tài đủ mạnh đối với các hành vi vi phạm nghiêm trọng, ảnh hưởng nhiều tới cuộc sống người dân, bố trí đủ nguồn kinh phí giám định hàng giả.

Cuối cùng, đó chính là sự tinh nhuệ, tinh thần phục vụ và sự trong sạch của các lực lượng chức năng, kiên quyết đấu tranh đối với các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, bao che cho các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả… để công tác này đạt kết quả tốt hơn, toàn diện hơn, thiết thực bảo vệ sản xuất và góp phần mang lại cuộc sống an toàn, yên bình cho người dân.