Hải quan Đồng Nai ghi nhận vướng mắc về Luật Thuế Xuất nhập khẩu

Theo baohaiquan.vn

Nhằm ghi nhận những vướng mắc của các doanh nghiệp đối với Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016 (Luật Thuế XNK), ngày 8-9, Cục Hải quan Đồng Nai đã có buổi làm việc, trao đổi với các doanh nghiệp khai thuê hải quan về thực hiện Luật Thuế XNK mới có hiệu lực từ ngày 1-9-2016.

Doanh nghiệp nêu vướng mắc tại buổi làm việc. Nguồn: PV.
Doanh nghiệp nêu vướng mắc tại buổi làm việc. Nguồn: PV.

Phó Cục trưởng Cục Hải quan Đồng Nai Nguyễn Phúc Thọ cho biết, Cục Hải quan Đồng Nai mong muốn nắm bắt những vướng mắc của doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ. Với những vướng mắc vượt thẩm quyền, đơn vị sẽ tập hợp lại và báo cáo Tổng cục Hải quan giải quyết sớm cho doanh nghiệp, tránh tình trạng vướng mắc không được xử lý kịp thời, ảnh hướng tới tiến độ thông quan hàng hóa của doanh nghiệp.

Tại buổi làm việc, ông Lê Văn Ngọc, Trưởng phòng Thuế XNK - Cục Hải quan Đồng Nai đã triển khai các điểm mới của Luật Thuế XNK. Ông Ngọc cho biết, Bộ Tài chính vừa ban hành các văn bản 12166/BTC-TCHQ và 12167/BTC-TCHQ gửi các cục hải quan địa phương về việc triển khai thực hiện các quy định của Luật Thuế XNK.

Theo đó, Bộ Tài chính đã có hướng dẫn miễn thuế cho hàng sản xuất xuất khẩu thuộc tờ khai hải quan trước ngày 1-9-2016 chưa nộp thuế theo quy định tại khoản 7 và điểm d khoản 9 Điều 16 Luật Thuế XNK.

Cũng tại văn bản này, Bộ Tài chính hướng dẫn, hàng hóa tạm nhập, tái xuất hoặc tạm xuất, tái nhập trong thời hạn nhất định được miễn thuế theo quy định tại khoản 9 Điều 16 Luật Thuế XNK.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng hướng dẫn việc miễn thuế đối với hàng hóa nguyên liệu, vật tư, linh kiện NK phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất sản phẩm công nghệ thông tin; nông nghiệp; hàng chuyên phục vụ trực tiếp cho giáo dục; hàng phục vụ hoạt động in đúc tiền….

Tại buổi làm việc, hầu hết các vướng mắc của doanh nghiệp đều xoay quanh các quy định về miễn thuế. Theo đó, Công ty Nam Dương (Nhơn Trạch) đặt vấn đề về việc theo quy định máy móc thiết bị tạm xuất tái nhập để sửa chữa được miễn thuế, như vậy các chi phí phát sinh như thiết bị thay thế, phí sửa chữa có bị tính thuế hay không.

Ông Nguyễn Đức Vinh, Phó phòng Giám sát quản lý cho biết, theo công văn 12166 của Bộ Tài chính, hàng hóa tạm nhập, tái xuất hoặc tạm xuất, tái nhập để bảo hành, sửa chữa, thay thế được miễn thuế. Nhưng công văn cũng hướng dẫn thêm là việc sửa chữa phải đảm bảo không làm thay đổi hình dáng, công dụng và đặc tính cơ bản của hàng hóa tạm nhập, tạm xuất và không tạo ra hàng hóa khác. Theo đó, ông Vinh cho biết sẽ ghi nhận ý kiến nêu trên của Công ty Nam Dương báo cáo Tổng cục để có hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp.

Công ty Công Thành băn khoăn về việc công ty nhập nguyên phụ liệu để sản xuất hàng mẫu trưng bày thì có được miễn thuế hay không. Tương tự, Công ty Phúc Thịnh cho biết, công ty có nhu cầu nhập hàng mẫu theo loại hình phi mậu dịch để đưa cho khách hàng dùng thử, sau đó sản xuất theo hàng mẫu đó hoặc nhập khẩu sản phẩm đó về để tiêu thụ trong nước. Theo đó, trong trường hợp này sản phẩm hàng mẫu nhập về có được miễn thuế hay không.

Với các vướng mắc này, đại diện Cục Hải quan Đồng Nai cho biết sẽ ghi nhận và có báo cáo lên Tổng cục Hải quan để sớm có hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp.

Đối với vướng mắc của doanh nghiệp liên quan tới căn cứ để áp dụng biểu thuế, ông Lê Văn Ngọc cho biết, nếu doanh nghiệp có C/O từ các quốc gia có ưu đãi đặc biệt như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Úc, Chi Lê, New Zealand, ASEAN thì được hưởng ưu đãi về thuế, trong đó phần lớn thuế suất là 0%. 

Nếu C/O không phải từ các quốc gia trên thì doanh nghiệp cần xem xét xem quốc gia đó có quan hệ tối huệ quốc với Việt Nam hay không. Theo ông Ngọc, trong trường hợp C/O không thuộc các quốc gia nêu trên thì doanh nghiệp phải chịu mức thuế suất thông thường theo quy định.