Hải quan Hà Giang: Quyết tâm phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách

Kim Duyên (HQ Online)

Chỉ còn 70 ngày nữa kết thúc năm 2012, Cục Hải quan tỉnh Hà Giang đang quyết liệt triển khai các biện pháp để thu thuế xuất nhập khẩu, đảm bảo thu đúng, thu đủ, chống thất thu, nộp kịp thời vào ngân sách Nhà nước.

Hải quan Hà Giang: Quyết tâm phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách
Công chức Chi cục Hải quan CK Thanh Thuỷ kiểm tra hàng hoá NK. Ảnh: M.Hùng

Nhiều khó khăn

Năm 2012, Cục Hải quan tỉnh Hà Giang được giao chỉ tiêu thu nộp ngân sách Nhà nước 440 tỷ đồng, tuy nhiên tính đến 30-9-2012, số thực nộp ngân sách toàn Cục đạt 297,6 tỷ đồng (đạt 67,6% chỉ tiêu giao). Vậy từ nay đến hết 31-12-2012, Cục Hải quan Hà Giang còn phải thu nộp ngân sách gần 150 tỷ đồng (trung bình một tháng phải đạt hơn 50 tỷ đồng). Để hoàn thành chỉ tiêu này là một “sức nặng” đối với Cục Hải quan Hà Giang bởi nhìn lại năm 2012, là một năm đầy khó khăn và thách thức.

Trong những năm gần đây, kim ngạch và số thu nộp ngân sách Nhà nước của Cục Hải quan Hà Giang chủ yếu từ mặt hàng năng lượng điện nhập khẩu và hàng hóa tạo tài sản cố định của các dự án đầu tư xây dựng các nhà máy khai thác chế biến khoáng sản, nhà máy thủy điện, nhà máy sản xuất giấy trên địa bàn tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang. Ngoài ra còn một số mặt hàng khác nhập khẩu như: linh kiện phụ tùng ô tô, thiết bị đường ống nước…

Tuy nhiên, năm 2012 do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế các doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, điện năng tiêu thụ ít dẫn đến sản lượng điện nhập khẩu giảm mạnh kéo theo số thuế thu được từ mặt hàng này giảm 70% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, các dự án đầu tư xây dựng các nhà máy thủy điện, khai thác, chế biến khoáng sản, lâm sản hoàn thành dẫn đến số thu thuế GTGT đối với thiết bị tạo tài sản cố định giảm; nhà máy lắp ráp ô tô trên địa bàn dừng hoạt động.., nên đã làm ảnh hưởng lớn đến kim ngạch XNK và thực hiện dự toán thu NSNN của Cục Hải quan Hà Giang.

Cùng với đó, một khó khăn lớn tác động đến hoạt động XNK là chính sách quản lý mặt hàng của Trung Quốc thường xuyên thay đổi, nhất là việc quản lý đối với hàng nông sản của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc, hàng TNTX, hàng cư dân biên giới.

Bên cạnh đó, vệc quy hoạch, xây dựng tại khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy và cửa khẩu còn chậm, gây khó khăn cho công tác quản lý hàng hoá, ảnh hưởng đến hoạt động XNK hàng hoá của doanh nghiệp và tiến độ hiện đại hoá của ngành Hải quan.

Thực tế, hoạt động XNK tại Hà Giang chủ yếu tập trung ở Chi cục Hải quan CK Thanh Thuỷ, còn lại 3 chi cục hải quan CK phụ nguồn thu không đáng kể, chủ yếu là hàng hóa trao đổi của cư dân biên giới.

Quyết tâm cao

Theo lãnh đạo Hải quan Hà Giang, để hoàn thành chỉ tiêu là một áp lực lớn đối với CBCC Hải quan tỉnh Hà Giang, song không phải vì thế mà Hải quan Hà Giang chùn bước. Hải quan Hà Giang quyết tâm phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ chính trị với kết quả cao nhất, với phương châm “làm hết việc chứ không ngại hết giờ”; tạo mọi thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp. Kêu gọi doanh nghiệp ngoài địa bàn đến làm thủ tục tại Hải quan tại Hà Giang.

Lãnh đạo Cục Hải quan Hà Giang đã chỉ đạo quyết liệt đối với các chi cục hải quan trực thuộc như: Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công Thương, Cục Thuế tỉnh để tiến hành rà soát lại toàn bộ số doanh nghiệp, tư thương có hoạt động XNK trên địa bàn để đánh giá khai thác các nguồn thu, khả năng thực hiện thu NSNN từ nay đến cuối năm 2012.

Mặt khác, trực tiếp gặp gỡ các doanh nghiệp có hoạt động XNK qua địa bàn để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn; tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại (thắt chặt các đường mòn, lối mở; chống hàng xuất lậu qua biên giới…); Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động xuất nhập khẩu, kịp thời giải quyết các khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp; tích cực kiểm tra sau thông quan; đẩy mạnh công tác thu hồi nợ đọng, tránh để nợ xấu phát sinh; kiểm soát chặt chẽ chống thất thu qua mã, giá, thuế …

Đặc biệt đối với công tác thu hồi nợ đọng, Cục Hải quan Hà Giang đã phối hợp với Công an, Viện Kiểm sát để thành lập Tổ Đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế; chỉ đạo các chi cục hải quan quyết liệt thực hiện đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế, hạn chế phát sinh nợ thuế mới, áp dụng các biện pháp cưỡng chế cần thiết để thu hồi nợ đọng thuế như: hướng dẫn động viên doanh nghiệp nộp thuế đủ, đúng thời hạn để được hưởng chính sách ân hạn thuế cho các lô hàng nhập khẩu tiếp sau; Gửi thông báo đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế đến từng doanh nghiệp nợ thuế.

Đồng thời, phối hợp cơ quan chức năng để xác minh tình trạng hoạt động của các doanh nghiệp có nợ xấu; xác minh tài khoản tiền gửi tại Ngân hàng để thực hiện ra quyết định cưỡng chế trích tiền gửi; Rà soát, thống kê danh sách các doanh nghiệp không tìm thấy địa chỉ, liên hệ và phối kết hợp với chính quyền địa phương (nơi doanh nghiệp đăng ký địa chỉ kinh doanh), cơ quan cấp giấy phép, cơ quan Thuế, ngân hàng để xác định địa chỉ hiện tại của doanh nghiệp và phối kết hợp với cơ quan chức năng để thu hồi nợ đọng thuế; Lập kế hoạch cử cán bộ đến tận trụ sở doanh nghiệp xác minh, lập biên bản, đôn đốc thu hồi nợ đọng đối với doanh nghiệp có nợ thuế quá hạn quá 90 ngày...