Hải quan Quảng Ngãi: Khó xử lý doanh nghiệp bỏ trốn

Theo baohaiquan.vn

(Tài chính) Theo Cục Hải quan Quảng Ngãi, tính đến ngày 20/11/2013, tại đơn vị còn 21 đối tượng nợ cưỡng chế với tổng số nợ lên tới trên 24 tỉ 661 triệu đồng, chưa bao gồm phạt chậm nộp đối với số tiền thuế chưa nộp. Trong đó, hầu hết các trường hợp nợ khó đòi là doanh nghiệp mất tích, bỏ trốn, không có tài sản, tài sản bị ngân hàng tịch thu phát mại, chủ doanh nghiệp đã chết, chuyển đổi, sáp nhập, phá sản...

Hải quan Quảng Ngãi: Khó xử lý doanh nghiệp bỏ trốn
Cán bộ công chức Hải quan cửa khẩu cảng Dung Quất (Quảng Ngãi) kiểm tra hàng hóa xuất khẩu. Nguồn: baohaiquan.vn

Vướng xử lí doanh nghiệp bỏ trốn

Phó Cục trưởng Cục Hải quan Quảng Ngãi Lê Văn Quang cho biết, công tác thu đòi nợ thuế, truy tìm nợ thuế của cơ quan Hải quan hết sức gian nan, vất vả. Có những chuyến đi đòi nợ thuế, Hải quan Quảng Ngãi phải lặn lội ra Hà Nội, vào TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây để truy tìm doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi đoàn công tác của đơn vị đến nơi thì đến cả trụ sở của doanh nghiệp cũng không có, hỏi thăm chính quyền địa phương và bà con ở khu vực xung quanh thì không ai biết doanh nghiệp đó giải thể từ bao giờ, thậm chí có người còn không biết có sự tồn tại của doanh nghiệp.

Đơn cử là trường hợp Công ty TNHH Dịch vụ xuyên Thái Bình Dương có địa chỉ tại Đầm Trấu, Bạch Đằng, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội đã mở tờ khai số 14/NKD/DQ tại Chi cục Hải quan cảng Dung Quất - Cục Hải quan Quảng Ngãi. Sau khi tham vấn trị giá tính thuế, số thuế phát sinh của doanh nghiệp là 1,7 tỉ đồng và doanh nghiệp cũng đã có văn bản đề nghị Hải quan Quảng Ngãi xem xét lại kết quả tham vấn, nhưng Hải quan Quảng Ngãi vẫn giữ nguyên kết quả này đồng thời đôn đốc doanh nghiệp nộp thuế.

Tháng 8/2010, Cục Hải quan Quảng Ngãi đã cử đoàn công tác đi xác minh tình trạng của doanh nghiệp tại Hà Nội, tuy nhiên khi đoàn công tác tới địa chỉ đăng kí của doanh nghiệp tại số 4/A4 Đầm Trấu, Bạch Đằng, Hai Bà Trưng, Hà Nội thì không tìm được doanh nghiệp theo địa chỉ đã đăng kí. Xác minh tại Công an phường Bạch Đằng đoàn công tác mới vỡ lẽ, doanh nghiệp này đã không còn hoạt động tại địa chỉ 4/A4 Đầm Trấu và giám đốc công ty là ông Nguyễn Minh Phú đã li dị vợ và đã chết, sau đó doanh nghiệp cũng đã giải thể. Đồng thời xác minh tại Phòng Đăng kí kinh doanh số 1 thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội cũng cho thấy, doanh nghiệp này đã được chuyển đổi thành Công ty cổ phần Dịch vụ xuyên Thái Bình Dương và giữ nguyên địa chỉ trụ sở chính tại 4/A4 Đầm Trấu, hiện doanh nghiệp này không còn hoạt động tại địa chỉ đăng kí kinh doanh. Năm 2012, Cục Hải quan Quảng Ngãi tiếp tục làm nhiều văn bản đôn đốc để gửi tới địa chỉ của doanh nghiệp nhưng đều bị trả lại do không có người nhận.

Nhiều trường hợp doanh nghiệp không còn hoạt động nhưng chưa làm thủ tục giải thể với cơ quan quản lí Nhà nước, gây khó khăn cho công tác thu đòi nợ thuế của cơ quan Hải quan. Điển hình là trường hợp của Công ty TNHH Cheong woon Vina, có trụ sở tại Bình Chánh, Bình Sơn, Quảng Ngãi, năm 2009 đã mở tờ khai nhập khẩu hàng hóa để tạo tài sản cố định và được miễn thuế tại Cục Hải quan Quảng Ngãi. Tuy nhiên, sau đó doanh nghiệp đã tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng mà không kê khai thuế với cơ quan Hải quan, do đó doanh nghiệp bị truy thu thuế và phạt một lần số thuế gian lận với số thuế lên tới 8 tỉ 820 triệu đồng. Đồng thời, doanh nghiệp cũng bị Cục Hải quan Quảng Ngãi áp dụng biện pháp cưỡng chế dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa nhập khaari trên toàn quốc.

Tuy nhiên, khi đoàn công tác của Hải quan Quảng Ngãi tìm đến địa chỉ đăng kí của doanh nghiệp này thì mới được biết doanh nghiệp đã bị Cục Thuế tỉnh Quảng Ngãi đóng mã số thuế, thuộc diện doanh nghiệp bỏ trốn và hiện doanh nghiệp vẫn còn nợ thuế tại Cục Thuế tỉnh Quảng Ngãi hơn 600 triệu đồng, lãnh đạo doanh nghiệp là người Hàn Quốc cũng đã bỏ trốn về nước. Tòa án Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đã có bản án giải quyết nợ đảm bảo với BIDV Quảng Ngãi, theo đó tịch thu tài sản của doanh nghiệp để bán phát mại.

Lại cũng có trường hợp, sau nhiều lần gửi văn bản đôn đốc, mời doanh nghiệp đến trụ sở cơ quan Hải quan làm việc nhưng doanh nghiệp không thực hiện, Cục Hải quan Quảng Ngãi đã cử nhiều đoàn công tác trực tiếp tiến hành nhiều đợt đến trụ sở của doanh nghiệp để đôn đốc, doanh nghiệp đã cam kết nộp thuế nhưng vẫn không thực hiện. Qua xác minh, Hải quan Quảng Ngãi mới vỡ lẽ, giám đốc doanh nghiệp đã bị Công an Đà Nẵng khởi tố về tội mua bán hóa đơn GTGT khống và doanh nghiệp cũng tạm ngừng hoạt động từ năm 2010 đến nay, hiện vẫn còn nợ cơ quan thuế hơn 4 tỉ đồng và tài khoản của doanh nghiệp tại các ngân hàng đã bị đóng do không phát sinh giao dịch. Cục Hải quan Quảng Ngãi đã tiến hành chuyển toàn bộ hồ sơ cho PC15-Công an tỉnh Quảng Ngãi để phối hợp điều tra, xác minh.

Khó áp dụng cưỡng chế từ tài khoản

Theo Trưởng phòng Nghiệp vụ - Cục Hải quan Quảng Ngãi Lương Công Tích, phần lớn các trường hợp đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế dừng làm thủ tục hải quan, không áp dụng được biện pháp trích tiền từ tài khoản do doanh nghiệp không có số dư trên tài khoản, không áp dụng biện pháp kê biên do doanh nghiệp không có tài sản, chưa áp dụng các biện pháp cưỡng chế khác.

Cụ thể là trường hợp của Công ty TNHH An Hải, có địa chỉ tại Ung Văn Kiêm, Quận Bình Thạnh, TP. HCM. Năm 2009, doanh nghiệp này mở 3 tờ khai tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Dung Quất theo loại hình nhập đầu tư tại chỗ cho các lô hàng sà lan, máy móc, linh kiện với số thuế còn nợ trên 555 triệu đồng. Cục Hải quan Quảng Ngãi đã nhiều lần gửi công văn, làm việc với đại diện doanh nghiệp tại trụ sở của doanh nghiệp và tại trụ sở của cơ quan Hải quan để đôn đốc doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ thuế. Từ năm 2009 đến nay, doanh nghiệp đã 3 lần thay đổi địa chỉ đăng kí kinh doanh. Xác định đây là một trong những trường hợp doanh nghiệp “trây ỳ”, Cục Hải quan Quảng Ngãi đã tiến hành xác minh tình trạng hoạt động của doanh nghiệp để áp dụng các biện pháp đôn đốc và thu hồi nợ.

Tuy nhiên, theo thông tin thu thập được, doanh nghiệp hiện đang gặp nhiều khó khăn về tài chính, sà lan Chang - lim 71 đã được doanh nghiệp thế chấp tại Ngân hàng ACB, TP. HCM để vay tiền và đang làm việc tại Quảng Ninh. Sà lan Hyung sung 3 của doanh nghiệp đã bị mất trộm, đồng thời giám đốc doanh nghiệp là ông Jung Tea Sung (người Hàn Quốc) đang bị cấm xuất cảnh do còn nợ thuế tại nhiều cơ quan quản lí thuế. Đến năm 2012, qua xác minh tại Ngân hàng ACB, cơ quan Hải quan xác định doanh nghiệp không có tài sản thế chấp tại ACB và số dư tài khoản của doanh nghiệp cũng không đáng kể. Hiện Cục Hải quan Quảng Ngãi đang tiếp tục xác minh tình trạng hoạt động của doanh nghiệp, đồng thời lập hồ sơ chuyển cơ quan Công an phối hợp điều tra.

Trên đây chỉ là một trong những trường hợp đối tượng nợ cưỡng chế thuộc diện khó đòi mà Cục Hải quan Quảng Ngãi đã thực hiện đầy đủ các biện pháp cưỡng chế theo quy định mà không thu hồi được nợ. Hiện Cục Hải quan Quảng Ngãi đang tiến hành rà soát, tiến hành thủ tục xóa nợ đối với các trường hợp đủ điều kiện xóa nợ theo Khoản 1 Điều 65 Luật Quản lý thuế, đồng thời tiếp tục theo dõi, xác minh, đôn đốc đối với các doanh nghiệp còn lại.