Hải quan Quảng Ninh: Tăng cường quản lý vi phạm trong thủ tục hải quan điện tử

Xuân Hương

(Tài chính) Qua hơn 6 năm triển khai thực hiện thủ tục hải quan điện tử (TTHQĐT), bên cạnh những mặt tích cực, TTHQĐT đã bộc lộ một số bất cập về kẽ hở cơ sở pháp lý, chính sách quản lý và quy trình thủ tục để các DN có thể lợi dụng thực hiện hành vi vi phạm. Tại Quảng Ninh, nhờ việc quản lý chặt chẽ từ phía Hải quan, sự chấp hành pháp luật tốt của cộng đồng doanh nghiệp nên hoạt động vi phạm lợi dụng TTHQĐT diễn ra không nhiều, tính chất vụ việc không phức tạp, không gây thất thu lớn cho ngân sách nhà nước.

Nhờ quản lý chặt chẽ từ phía Hải quan nên đã hạn chế được tình trạng vi phạm trong thực hiện TTHQĐT của doanh nghiệp
Nhờ quản lý chặt chẽ từ phía Hải quan nên đã hạn chế được tình trạng vi phạm trong thực hiện TTHQĐT của doanh nghiệp

Theo số liệu từ Phòng Giám sát quản lý, từ ngày 1/1– 29/9/2013, Hải quan Quảng Ninh đã thực hiện thông quan điện tử cho 22.802 tờ khai điện tử (chiếm 99.48% tổng tờ khai), trị giá kim ngạch XNK đạt 5.838.248.144,76 USD (chiếm 99.28% tổng kim ngạch). Thủ tục Hải quan điện tử với nhiều tiện ích đã thu hút 960 doanh nghiệp tham gia (chiếm 98.83% doanh nghiệp làm thủ tục hải quan qua địa bàn).

Để triển khai TTHQĐT hiệu quả, trong thời gian qua, Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản của Chính phủ, Thông tư của Bộ Tài chính về công tác thí điểm cũng như triển khai chính thức TTHQĐT. Đồng thời, khai thác dữ liệu trên các chương trình nghiệp vụ; cập nhật đầy đủ thông tin vi phạm của doanh nghiệp vào hệ thống quản lý rủi ro, Ci01. Tăng cường công tác thu thập thông tin về doanh nghiệp, mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu để phục vụ công tác đấu tranh phòng chống vi phạm. Tham mưu đề xuất với các cấp có thẩm quyền các cơ chế chính sách thuế, chính sách mặt hàng chưa phù hợp để có phương án, kế hoạch quản lý.

Nhờ việc quản lý chặt chẽ từ phía Hải quan, sự chấp hành pháp luật tốt của cộng đồng doanh nghiệp nên hoạt động vi phạm lợi dụng TTHQĐT diễn ra không nhiều, tính chất vụ việc không phức tạp, không gây thất thu lớn cho NSNN. Qua 6 năm thực hiện TTHQĐT (từ 1/10/2009 – 31/8/2013), Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện, xử lý 37 vụ vi phạm lợi dụng TTHQĐT, trị giá 66.087,2 triệu đồng. Trong đó, nổi lên một số vụ việc điển hình: Ngày 17/7/2011, Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái tiếp nhận tờ khai của Công ty TNHH TM Trường Phúc Thịnh (đăng ký tại Chi cục Hải quan cảng Hải Phòng KV III). Theo khai báo, hàng hóa là 24.500 kg đá tự nhiên dùng để trang trí. Trong quá trình giám sát hàng hóa XK, công chức hải quan đã phát hiện ngoài số hàng hóa doanh nghiệp đã khai báo, còn có 1 mặt hàng chưa được khai báo. Sau khi lấy mẫu trưng cầu giám định, Hải quan Móng Cái chuyển luồng kiểm tra thực tế 100%. Căn cứ kết quả giám định  của Viện Khoa học và công nghệ mỏ - luyện kim và kết quả kiểm tra thực tế xác định lô hàng gồm: 19.050 kg Đá tự nhiên dùng để trang trí đúng như khai báo, ngoài ra còn 5.450 kg Quặng màu xanh, hàm lượng đồng là 50,01% không khai báo.

Ngày 11/7/2012, Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái tiếp nhận hồ sơ và hàng hóa thuộc lô hàng TN-TX chuyển cửa khẩu, khai báo là linh kiện điện tử, xuất xứ nước ngoài (thuộc luồng xanh) của Công ty TNHH Ngọc Ngà. Tuy nhiên, nghi ngờ lô hàng có dấu hiệu gian lận qua khai báo về tên hàng hóa, chủng loại, Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái đã chuyển luồng kiểm tra thực tế hàng hóa. Kết quả kiểm tra thực tế cho thấy, ngoài số hàng khai báo trên tờ khai Hải quan, còn phát hiện  729 kg vẩy Tê tê…

Phân tích từ Phòng chống buôn lậu và xử lý vi phạm cho biết, những tồn tại trong quá trình triển khai TTHQĐT chủ yếu tập trung vào những kẽ hở trong văn bản quy định. Cụ thể: Doanh nghiệp lợi dụng sự thông thoáng trong quy trình thủ tục theo quy định tại Điều10, Nghị định 87/2012/NĐ-CP. Theo quy định tại Điều 10 thì hệ thống thông quan điện tử tự động tiếp nhận, kiểm tra, đăng ký, phân luồng tờ khai hải quan điện tử. Tại thời điểm khai báo và truyền nhận dữ liệu đến cơ quan hải quan doanh nghiệp có thể lợi dụng để gian lận cố ý khai báo sai tên hàng, mã số hàng hóa và thuế suất dẫn đến thiếu số thuế phải nộp hoặc cố tình khai sai tên hàng nằm ngoài danh mục rủi ro, quản lý chuyên ngành đối với các lô hàng khi hệ thống phân vào luồng Xanh, luồng Vàng.

Trường hợp tờ khai được hệ thống phân vào luồng Đỏ, doanh nghiệp khai báo sửa chữa, bổ sung thông tin hồ sơ hải quan đúng với thực tế hàng hóa trước thời điểm kiểm tra thực tế hàng hóa theo quy định tại Điều 10, Thông tư 196/2012/TT-BTC ngày 15/11/2012 của Bộ Tài chính. Gian lận này chỉ được phát hiện khi lực lượng kiểm tra sau thông quan tiến hành kiểm tra đối với hàng hóa chủ yếu theo loại hình nhập đầu tư hoặc nhập đầu tư nộp thuế. Đối với các loại hình khác, gian lận này khó được phát hiện bởi sau khi thông quan, hàng hóa đã được tiêu thụ, không có cơ sở để kiểm tra đối chiếu giữa hồ sơ và thực tế hàng hóa.

Bên cạnh đó, việc hủy tờ khai hải quan điện tử theo quy định tại Điều 11 Thông tư 196/2012/TT-BTC còn thiếu chặt chẽ. Doanh nghiệp có thể lợi dụng đăng ký nhiều tờ khai cho cùng một mặt hàng cùng số lượng, sau đó căn cứ vào kết quả phân luồng ngẫu nhiên của hệ thống thông quan điện tử xin hủy tờ khai bị phân luồng Đỏ nhằm tránh bị kiểm tra thực tế hàng hóa. Với tờ khai phân vào luồng Xanh thông quan ngay, doanh nghiệp khai báo khống, giả mạo các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan trên hệ thống hải quan điện tử như hóa đơn, hợp đồng, vận đơn, giấy phép chuyên ngành… hoặc giả mạo, sửa chữa chứng từ gốc thông qua việc chuyển dữ liệu từ chứng từ giấy sang chứng từ điện tử.

Để tránh việc các đối tượng lợi dụng thủ tục Hải quan điện tử gian lận, Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh đã đề xuất Tổng cục Hải quan và các cơ quan cấp trên cần tăng cường áp dụng quản lý rủi ro đối với những mặt hàng trọng điểm, những mặt hàng có thuế xuất khẩu cao, những mặt hàng xuất khẩu có điều kiện trên hệ thống thông quan điện tử. Bên cạnh đó, cần sớm hoàn thiện bộ khung pháp lý của TTHQĐT; xây dựng, sửa đổi các Nghị định, Thông tư hướng dẫn cho phù hợp thực tế.

Tại địa bàn Quảng Ninh, trong thời gian tới, cơ quan Hải quan sẽ tiếp tục tăng cường quản lý đối với doanh nghiệp, mặt hàng trọng điểm, thực hiện các biện pháp nghiệp vụ điều tra nghiên cứu nắm tình hình nhằm phát hiện sớm gian lận; Tăng cường công tác thu thập, phân tích, đánh giá thông tin doanh nghiệp, hàng hóa xuất nhập khẩu nhằm thiết lập, áp dụng tiêu chí phân tích phục vụ phân luồng trên Hệ thống thông quan điện tử; tập trung chú trọng công tác quản lý rủi ro và kiểm tra sau thông quan.